Đòn gió của giới đầu cơ ?

01/12/2014 04:45 GMT+7

Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản than phiền về khung giá đất vừa được điều chỉnh, cao nhất lên 161 triệu đồng/m2, thì giao dịch thực tế ở phố cổ Hà Nội hay khu vực trung tâm TP.HCM, mỗi mét vuông vẫn được sang nhượng với giá vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Vậy khung giá mới là cao hay thấp? Câu hỏi tưởng chừng vô lý, nhưng lại không đơn giản để có câu trả lời xác đáng.

Nói cao cũng không sai bởi để giá đất đột ngột tăng gấp đôi thì họa chăng chỉ những cơn sốt lớn trên thị trường bất động sản (BĐS) trước đây mới đủ sức làm được. Nhưng nói thấp cũng hoàn toàn chính xác vì mức cao nhất của khung giá mới do nhà nước ban hành chỉ bằng 20 - 25% so với giá giao dịch trên thực tế. Còn nhớ cuối năm 2012, khảo sát cho thấy mỗi mét vuông đất tại khu vực hồ Hoàn Kiếm được bán với giá hơn 1 tỉ đồng, cao gấp 11 lần so với con số 81 triệu đồng/m2, mức cao nhất theo bảng giá đất của Hà Nội thời điểm đó.

Nói như vậy để thấy khung giá đất do nhà nước ban hành chưa bao giờ theo kịp diễn biến thị trường và vì thế, cũng không tác động nhiều như lời “kêu than” của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, sự bất cập của tình trạng tồn tại 2 khung giá, một là của nhà nước và một là của thị trường, kéo dài nhiều năm nay dẫn đến hậu quả là người ta vận dụng cao hay thấp tùy từng trường hợp, làm sao có lợi nhất cho mình. DN khi đóng tiền sử dụng đất thì muốn khung giá thấp nhưng khi bán BĐS lại chăm chăm tính theo giá thị trường. Còn chuyện đền bù, trong những trường hợp phải đền bù theo khung giá nhà nước thì khung giá mới cao hơn cũng có lợi cho người dân, vốn luôn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất trong vấn đề này. Đó là chưa kể, lần điều chỉnh này, một số tỉnh, thành cũng áp dụng linh hoạt. Đơn cử tại TP.HCM, lãnh đạo TP cho biết sẽ chỉ áp dụng mức cao nhất ở những khu vực được nhà nước đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, các khu còn lại điều chỉnh không nhiều, để không gây áp lực tài chính cho người dân. Trước đó, TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành cũng đã đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt tỷ lệ khá lớn.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng những lo ngại thị trường sẽ hình thành một mặt bằng giá mới, những than phiền về chi phí tăng cao... thực ra là động thái “lót đường” của giới đầu cơ và một số chủ đầu tư nhằm tăng giá BĐS. Ý kiến này không phải không có cơ sở, thị trường đã nhiều lần chứng kiến việc lợi dụng sự thay đổi chính sách để đẩy giá nhà đất. Tất nhiên, tăng giá BĐS lúc này không phải là một phương án khôn ngoan với bất cứ DN nào. Bởi dù đã có một số tín hiệu tích cực, nhưng về cơ bản, lực cầu trên thị trường vẫn khá mong manh, cần có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan để có thể  ấm lại.

Về lâu dài, theo các chuyên gia, khung giá đất phải linh hoạt cho mỗi mục tiêu khác nhau. Rất khó để có một khung giá đất “ôm” quá nhiều mục tiêu như cách làm của chúng ta hiện nay. Đây chính là bất cập lớn và là nguyên nhân dẫn đến những rắc rối, đầu cơ cũng như khiếu kiện kéo dài suốt những năm qua.

Nguyên Khanh

>> Sốc' khi người dân bị giới đầu cơ cướp tiền đền bù đất
>> Bẫy của giới đầu cơ
>> Chiêu "thổi giá" của giới đầu cơ địa ốc!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.