Những điều kỳ bí - Kỳ 6: Giếng Tiên không bao giờ cạn

29/11/2014 03:00 GMT+7

Tại cửa biển Sa Cần, thuộc xã Bình Đông, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) có nhiều di tích rất kỳ lạ của các thương thuyền ngày xưa để lại mà người trong vùng không giải thích được.

>> Những điều kỳ bí - Kỳ 5: Cổ tích ở Đá Chồng - Sơn Rái
>> Những điều kỳ bí - Kỳ 4: Cổ miếu 'con vua' và rắn thần
>> Những điều kỳ bí - Kỳ 3: Vàng Hời đi ăn, ông hổ đi tu

Những điều kỳ bí - Kỳ 6: Giếng Tiên không bao giờ cạn
Hòn Bà ở cửa Sa Cần, nơi có miếu thờ bà Võ Hậu - Ảnh: Phạm Anh

Ở xóm Công Hội, thôn Tân Hy, xã Bình Đông có một cái giếng nằm cách mặt mép nước cửa biển Sa Cần 4 m, nhưng quanh năm không bao giờ bị nhiễm mặn và từ xưa đến nay, người ở cửa biển này chưa thấy nó cạn bao giờ, dù là những năm hạn hán gay gắt nhất. Dân gian gọi là giếng Tiên với các giai thoại hết sức kỳ thú.

Chuyện kể rằng, vùng cửa Sa Cần rất đẹp nên vào các đêm trăng mùa hè, tiên trên trời bay xuống nghịch đùa trong làn nước biển mát. Có điều, khi tắm xong thì không có nước ngọt để tắm rửa nên đào giếng này để dùng rồi bay về trời trước hừng đông. Người trong vùng bảo rằng, tên giếng Tiên là vì vậy. Giai thoại khác thì kể rằng, ngày trước các thuyền buôn đi ngang qua đây lấy nước ngọt tiếp tục hải trình. Thế nhưng, mỗi lần đến, muốn lấy nước ngọt đều phải vào sâu trong xóm mới có. Họ ước mong là làm sao có giếng nước ngay sát mép nước nơi cửa biển để vận chuyển cho tiện lợi. Một pháp sư được mời đến tìm nguồn nước để đào giếng. Khi tìm được mạch rồi nhưng do giếng đất nên đào lên là đổ xuống. Vị pháp sư nọ lập đàn cầu thần tiên đến giúp, sự chân thành đó động đến trời và các tiên nữ được phái xuống giúp pháp sư đào giếng thành công. Để ghi ơn các tiên nữ, pháp sư đặt tên là giếng Tiên và mãi đến nay tên này vẫn còn gọi.

Ấy là chuyện dân gian, còn theo cách lý giải của TS Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng Quảng Ngãi), giếng Tiên là do người Chăm đào lấy nước sinh hoạt. Trong Đại Nam nhất thống chí (phần về Quảng Ngãi), ghi rằng, các thuyền buôn thời Đường, Minh, Thanh theo chuyến hải trình ghé vùng biển Sa Cần để lấy nước ngọt. Về sau, hình thành con đường buôn bán trên biển đi qua vùng này để mua bán đồ gốm sứ Đông Nam Á. Và, giếng Tiên chỉ cách mép nước 4 m, nên rất thuận lợi cho người dân bản địa cung cấp, trao đổi hàng hóa và bán nước ngọt cho những thuyền buôn này.

 

Cá cược đắp thành

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, dọc vùng biển H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) còn rất nhiều di tích Chăm ngày xưa với các truyền thuyết hay, trong đó phải kể đến tích Hòn Yàng ở vùng biển xã Bình Hải. Khi người Việt vào khai hoang đất này đã xảy ra chuyện cá cược đắp thành xem ai đắp cao hơn, nếu bên nào thua thì mất đất cho bên thắng. Người Chăm lấy đá chặt đẽo và xếp lên thành dù đẹp nhưng rất tốn công, còn người Việt đắp thành bằng đất to, cao hơn nên thắng cuộc. Bây giờ, núi đất người Việt đắp gọi là núi Mâm, còn thành do người Chăm đắp gọi là Hòn Yàng.

Cũng theo TS Khôi, việc tìm nguồn nước và đào giếng của người Chăm đạt đến trình độ rất cao. Bằng chứng là giếng Tiên và nhiều giếng nước dọc vùng biển miền Trung do người Chăm đào không bao giờ cạn nước, nguồn nước lại rất ngọt.

Ông Cao Tấn Sơn - Trưởng công an xã Bình Đông còn cho biết một thời gian dài, giếng Tiên là điểm lấy nước đi biển của hàng trăm tàu thuyền các xã Bình Chánh, Bình Dương, Bình Thạnh của H.Bình Sơn. “Ngư dân lấy nước giếng Tiên, ngoài nguồn nước ngọt ngon lành còn là để lấy hên khi ra biển”, ông Sơn nói. 

Hoang lạnh miếu thờ Võ Hậu

Ở xóm cây Bàng, thôn Tân Hy, xã Bình Đông, H.Bình Sơn đến giờ không phải ai cũng biết ở Hòn Bà có miếu thờ gọi là miếu Bà. Những người biết chuyện đều nhớ khoảng năm 1990 trở về trước, tại Hòn Bà có ngôi miếu cổ còn tương đối nguyên vẹn: lợp ngói âm dương, vách xây bằng gạch thẻ với vôi trộn mật và cát. Miếu xây hình vuông, có diện tích 4 m2, cao 2 m với một cửa ra vào, bên trong thì hoang phế, nằm cô đơn huyền bí giữa biển nước mênh mông.

Ông Cao Tấn Sơn nói người trong vùng hay gọi ngôi miếu là miếu Bà. Hồi trước hầu như trẻ con và những người lớn nhát gan không ai dám bén mảng đến Hòn Bà và vào miếu Bà một mình bởi sợ... ma. Quan niệm của người sông nước trong vùng, miếu hoang lúc nào cũng có ma quỷ về ở, nhất là ở ngôi miếu cổ hoang phế quanh năm không ai nhang đèn, hương khói. Một số lão ngư tại đây cho biết, trước cũng có người đến miếu này cúng hương vào những ngày tết, rằm và mùng một, thế nhưng sau này không ai đến nữa.

Theo lời kể của dân gian trong vùng thì ngôi miếu cổ này thờ bà Võ Hậu (tức bà Võ Tắc Thiên) triều nhà Đường bên Trung Quốc, nhưng chẳng ai biết xây dựng từ bao giờ. Tuy nhiên, theo sự giải thích của TS Đoàn Ngọc Khôi, sự hiện diện của ngôi miếu càng khẳng định các thuyền buôn Trung Hoa có mặt ở cửa Sa Cần từ rất sớm. Có thể từ triều Đường (618 - 907) các thương nhân Trung Hoa buôn bán gốm sứ đã xuất hiện khá đông và bán buôn thịnh hành ở cửa Sa Cần rồi bản thân những thương nhân này đã xây dựng nên miếu bà Võ Hậu. Và, cái tên Hòn Bà cũng bắt nguồn từ đó.

Ông Phan Hòa, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Đông, cho hay các lão ngư trong làng kể truyền thuyết về miếu bà Võ Hậu rất... tục. Theo đó, bà Võ Hậu khi mất, hồn theo các thuyền buôn về cửa Sa Cần rồi đến hòn núi đá tại đây để trú ngụ. Hằng ngày ở cửa biển này, bà ra bờ bắt các ngư dân, các thủy thủ cường tráng trên thuyền buôn, thuyền đánh cá đi ngang để quan hệ xác thịt. Thế nhưng ngày nào cũng thế mà bà vẫn không thỏa mãn. Trong khi đó, dân chài lại “khó ưa” kiểu nhân vật này nên nguội lạnh và không thờ cúng nữa. TS Khôi cũng cho hay, khoảng thập niên 1990, khi nghiên cứu về các di tích vùng biển này, có thấy biểu tượng linga được thờ cúng ở miếu bà Võ Hậu.

Phạm Anh 

>> Những điều kỳ bí - Kỳ 5: Cổ tích ở Đá Chồng - Sơn Rái
>> Những điều kỳ bí - Kỳ 4: Cổ miếu 'con vua' và rắn thần
>> Những điều kỳ bí - Kỳ 3: Vàng Hời đi ăn, ông hổ đi tu
>> Những điều kỳ bí - Kỳ 2: Ly kỳ miếu xà thần
>> Những điều kỳ bí: Chiếc ngà voi hóa thạch 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.