Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức biên soạn một bộ SGK

29/11/2014 06:30 GMT+7

QH cũng đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT). Theo đó, GDPT vẫn là 12 năm, gồm 2 giai đoạn giáo dục: giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Theo nghị quyết, QH chính thức cho phép việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình GDPT. Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn. Bộ GD-ĐT sẽ ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK. Các cơ sở GDPT lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng trong việc biên soạn SGK và đề nghị Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn mà chỉ tổ chức thẩm định, báo cáo tiếp thu và giải trình của UBTVQH cho rằng: Xã hội hóa việc biên soạn và xuất bản SGK là định hướng đúng đắn nhưng cần có bước đi thận trọng, vững chắc, tránh những rủi ro có thể ảnh hướng tới quyền lợi của hàng chục triệu học sinh. Xã hội hóa, nhưng nhà nước cần phải chịu trách nhiệm, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra.

Báo cáo cũng khẳng định: Bộ GD-ĐT không trực tiếp biên soạn chương trình, SGK mà chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện công tác này. Trên thực tế, chương trình và SGK được biên soạn bởi tập thể các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục am hiểu về các lĩnh vực khoa học và giáo dục. Bộ GD-ĐT phối hợp với cơ quan hữu quan xây dựng cơ chế và giải pháp để huy động tốt nhất đội ngũ làm công tác này.

UBTVQH cũng yêu cầu Chính phủ cần nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính trong việc biên soạn và sử dụng SGK bảo đảm công bằng, không phân biệt sách do Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn hay do các tổ chức, cá nhân biên soạn.

Nghị quyết của QH nêu rõ: Từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT.

Tuệ Nguyễn

>> Áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới từ năm học 2018 - 2019
>> NXB Giáo dục VN sẽ cập nhật thông tin vào sách giáo khoa
>> Đừng lấy tiền nhà nước soạn sách giáo khoa
>> Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa
>> Thiếu hứng thú vì sách giáo khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.