Kê khai tài sản, thu nhập của người được lấy phiếu tín nhiệm

28/11/2014 16:40 GMT+7

(TNO) Trong phiên bế mạc chiều nay (28.11), Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm , bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Trong đó, nghị quyết bổ sung quy định người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tài sản, thu nhập. Ba mức lấy phiếu tín nhiệm vẫn giữ nguyên.

>> Truyền hình trực tuyến: Bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13

 
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết - Ảnh: Ngọc Thắng

Với ý kiến của nhiều đại biểu (ĐB) QH đề nghị bổ sung quy định người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, Ủy ban Thường vụ QH đã đồng ý tiếp thu. Theo đó, dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) đã được bổ sung nội dung kê khai tài sản, thu nhập cá nhân vào khoản 3 Điều 6.

Về mức độ tín nhiệm, trước các ý kiến của một số ĐBQH chỉ cần hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm, theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ QH vẫn đề nghị QH cho giữ quy định về ba mức độ tín nhiệm như cũ (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp).

Theo báo cáo giải trình, việc giữa nguyên ba mức độ tín nhiệm nhằm phân biệt rõ tính chất khác nhau giữa việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm là một bước chuẩn bị trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH, ĐB HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ QH trình QH, thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.

Khi đó, người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, ĐB HĐND đánh giá “không tín nhiệm” thì có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình QH, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó.

Đồng thời, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cũng chỉ thực hiện 1 lần/nhiệm kỳ, vào năm thứ ba của nhiệm kỳ QH.

Đã có 453 ĐB tham gia biểu quyết (chiếm 91,15% tổng số ĐBQH), trong đó, có 405 ĐB tán thành (chiếm 81,49%), 35 ĐB không tán thành (chiếm 7,04%) và 13 ĐB không biếu quyết (2,62%). Như vậy, QH đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Thông qua các nghị quyết quan trọng

Trong phiên bế mạc, QH cũng thông qua các nghị quyết: Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, QH khoá 13 và Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.


Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp - Ảnh: Ngọc Thắng 

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận ghi nhận các kết quả tích cực về kinh tế - xã hội trong năm 2014. Đồng thời, chủ tịch QH nhấn mạnh năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, là năm đầu tiên triển khai kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) và tiến hành đại hội Đảng các cấp.

Ông Hùng đề nghị Chính phủ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư công; bảo đảm nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia trong giới hạn an toàn; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của Đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Qua giám sát tối cao chuyên đề về việc tái cơ cấu kinh tế, QH khẳng định chủ trương tái cơ cấu kinh tế là đúng đắn và kịp thời. Trong ba năm qua, việc tái cơ cấu kinh tế đã thu được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên vẫn còn những mặt hạn chế cần điều chỉnh, khắc phục để những năm tiếp theo thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

Trong kỳ họp này, QH đã thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến 12 dự thảo luật khác. Theo đó, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan bảo đảm điều kiện thực hiện và nhanh chóng đưa các luật, nghị quyết QH đã thông qua vào đời sống.

Nguyên Mi

>> Mặc định tín nhiệm trước khi bỏ phiếu?
>> Tín nhiệm và không tín nhiệm
>> Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo cao cấp
>> Quốc hội ấn định 6 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh
>> Quốc hội đồng ý ‘mở cửa’ thị trường nhà ở cho người nước ngoài
>> Luật không bắt buộc đại biểu Quốc hội phải có mặt 100%

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.