Bắc Kinh đang dùng quyền lực mềm thu phục Đài Loan

28/11/2014 15:00 GMT+7

(TNO) “Mục tiêu rất đơn giản – đó là tái thống nhất một cách hòa bình”, một nguồn tin thân cận với chính quyền Trung Quốc ở Bắc Kinh nói với Reuters. Quyền lực mềm, không dùng đến lực lượng vũ trang chính là chiến thuật mà Bắc Kinh đang áp dụng, người này cho hay.

>> Kỳ 1: Hé lộ tổ chức ngầm thu phục Đài Loan cho Trung Quốc


Một người biểu tình phản đối Trung Quốc giơ cờ Đài Loan khi một quan chức Trung Quốc đến thăm Đài Loan hồi tháng 6 - Ảnh: Reuters

Thông qua Mặt trận Thống nhất Lao động (UFWD) và các cơ quan nhà nước khác như Văn phòng Các Vấn đề Đài Loan, vốn chịu trách nhiệm thực thi các chính sách về Đài Loan, Bắc Kinh cũng đã cố gây ảnh hưởng chính trị lên vùng lãnh thổ này, chẳng hạn như khéo léo điều doanh nhân Đài Loan tại Trung Quốc về quê bầu cử.

Nhiều người trong số này sẽ trở về quê nhà vào cuối tuần để tham gia bầu cử quan chức, theo Reuters. Khoảng 18,5 triệu cử tri Đài Loan vào ngày 29.11 sẽ đi bầu để chọn ra 11.000 quan chức các cấp, bao gồm cả thị trưởng của 6 thành phố lớn ở hòn đảo 24 triệu dân.

Cuộc bầu cử được xem như thước đo mức độ ủng hộ đảng cầm quyền Quốc Dân Đảng (KMT), vốn có đường lối thân Trung Quốc hơn đảng đối lập ủng hộ độc lập Dân chủ Cấp tiến (DPP).

Một nguồn tin cấp cao từ KMT tiết lộ với Reuters rằng có một số lượng lớn doanh nhân Đài Loan làm ăn ở đại lục dự kiến bỏ phiếu cho đảng này sẽ được bay về quê trên chuyến bay có giá vé cực rẻ do các hãng hàng không Trung Quốc và Đài Loan đài thọ.

“Mục tiêu rất đơn giản – đó là tái thống nhất một cách hòa bình”, một nguồn tin thân cận với chính quyền Trung Quốc ở Bắc Kinh nói với Reuters. Quyền lực mềm, không dùng đến lực lượng vũ trang chính là chiến thuật mà Bắc Kinh đang áp dụng, người này cho hay.

Reuters đã gửi yêu cầu phỏng vấn đến văn phòng của UFDW tại Bắc Kinh, nhưng đã không được hồi âm. Còn Văn phòng Các Vấn đề Đài Loan của Trung Quốc thì phản hồi rằng cơ quan này không bình luận về các cuộc bầu cử trên “đảo” Đài Loan.

UFDW đã có mặt từ lâu ở Hồng Kông, nơi đang được Trung Quốc cai trị theo mô hình “một quốc gia, 2 chế độ” và đây cũng là mô hình mà lãnh đạo Trung Quốc đã đề xuất áp dụng cho Đài Loan, Reuters cho hay.

Hãng tin Anh hồi tháng 7 đã đưa tin cho biết hoạt động của UFDW tại Hồng Kông đã chuyển từ vận động các doanh nhân và học giả sang kích động các nhóm gây rối thân Bắc Kinh nhằm trấn áp những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc..

“Những gì UFDW đang làm tại Đài Loan tương tự như những gì cơ quan này đã làm ở Hồng Kông kể từ những năm 1980 cho đến nay – đó là thâm nhập trên diện rộng một cách ầm thầm và chậm rãi”, Reuters dẫn lời ông Sonny Lo, một giáo sư tại Viện Giáo dục Hồng Kông.

Khác với Hồng Kông, Đài Loan là một vùng lãnh thổ có lực lượng vũ trang riêng, nhưng lại không được Liên Hiệp Quốc công nhận là thành viên và Trung Quốc đã từ chối bác bỏ khả năng sẽ dùng vũ lực để chiếm Đài Loan.

Kể từ sau khi đảng KMT lên nắm quyền hồi năm 2008, quan hệ giữa 2 bờ Eo biển Đài Loan đã trở nên nồng ấm hơn bao giờ hết. Hơn 20 thỏa thuận thương mại, bao gồm việc thành lập đường bay thẳng đầu tiên nối liền Đài Loan và đại lục, đã được 2 bên ký kết, trong khi trước đó dưới thời đảng DPP, không hề có thỏa thuận nào được ký, theo thống kê của Reuters.

Hồi đầu năm 2014, quan chức Đài Loan và Trung Quốc đã tổ chức cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên kể từ năm 1949. Đài Loan cũng đã liên kết chặt chẽ với đại lục về mặt kinh tế, với khoảng 40% hàng hóa xuất khẩu Đài Loan là sang Trung Quốc, và một số doanh nghiệp thuộc các ngành quan trọng như công nghệ có phần lớn cơ sở sản xuất ở đại lục.

Tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu thế giới Foxconn của Đài Loan, vốn là nhà lắp ráp sản phẩm của Apple, có vô số nhà máy ở Trung Quốc.

(Còn tiếp)

Hoàng Uy

>> Bàn tay Bắc Kinh trong bầu cử Đài Loan
>> Đài Loan điều tra kẻ phao tin đồn nông sản VN nhiễm dioxin
>> Quan chức Đài Loan thị sát cơ sở quân sự trái phép ở Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.