Những điều kỳ bí - Kỳ 4: Cổ miếu 'con vua' và rắn thần

27/11/2014 05:00 GMT+7

Ở triền đồi núi Mân, thuộc xóm 1, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có một cổ miếu mà dân trong vùng hay gọi là miếu bà Chúa Ngọc, con của vua nào đó ngày xưa với nhiều chuyện kể thực hư ly kỳ.

>> Những điều kỳ bí - Kỳ 3: Vàng Hời đi ăn, ông hổ đi tu
>> Những điều kỳ bí - Kỳ 2: Ly kỳ miếu xà thần
>> Những điều kỳ bí: Chiếc ngà voi hóa thạch

 Bên trong khu cổ miếu thờ bà Chúa Ngọc - Ảnh: Phạm Anh
Bên trong khu cổ miếu thờ bà Chúa Ngọc - Ảnh: Phạm Anh

Bí ẩn khu cổ miếu

Đưa khách đến cổ miếu, ông Nguyễn Tròn (67 tuổi) cho hay đây là miếu bà Phạm Thị Ngọc Chơn (gọi là miếu bà Chúa Ngọc), con của vua, chị của Nam Hải Đại tướng quân đang thờ trong lăng vạn chài Phước Thiện. Hồi lâu, ông Tròn mới giải thích, vị “đại tướng quân” nọ là con cá voi khổng lồ dạt vào bờ, được dân chài ở đây lấy bộ xương thờ cúng, nhờ thần hiển linh giúp dân chài ra khơi trời yên biển lặng. Hỏi miếu bà Chúa Ngọc là con vua nào, ông Tròn lắc đầu: “Cả thôn chài không biết miếu này có từ bao giờ chứ nói chi việc bà là con ông vua nào”.

Chính diện miếu quay mặt về hướng biển Đông, quanh năm sóng vỗ. Bình đồ miếu hình vuông, ra vào chỉ có 1 cửa chính. Bên trong có một gian để đặt bàn thờ thần. Xung quanh vách miếu xây bằng đá ong và mái miếu lợp ngói âm dương, còn đỉnh mái miếu trang trí lưỡng long tranh châu. Theo lời kể của ông Tròn, trước năm 1975 miếu này rất thịnh, nhưng sau đó thì do mưa bão, chẳng ai ngó ngàng đến, miếu hoang lạnh hương khói. Đến khoảng năm 1988 - 1990, hai vợ chồng ông Phan Bộ (nay 80 tuổi) và vợ là Đặng Thị Thưa (77 tuổi), nhà ở gần miếu thấy hiu quạnh nên dọn dẹp và hương khói hằng ngày. Đến khoảng năm 1996 - 1997, vạn chài ở đây đến “nói chuyện” với vợ chồng ông Bộ, bà Thưa để tái phụng thờ.

Từ đó, miếu bà Chúa Ngọc mới thịnh hẳn lên. Vào giữa đêm 12.2 âm lịch hằng năm, vạn chài ở đây đến cúng miếu bà, rồi sáng hôm sau mới cúng ở lăng đại tướng quân. Riêng gia đình ông Bộ, bà Thưa thì đến ngày 26.2 âm lịch mới đến làm giỗ, bởi “bà báo mộng cho hay ngày đó bà lên trời”. “Ngày nay, ai đi biển khi ngang qua miếu đều quay đầu mũi thuyền và đốt vàng bạc khấn vái. Thiệt tình là dân chài ở đây rất ít người bị bão biển nên dân thôn tôi tin hơn”, ông Tròn nói.

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, khi làm đề tài về di tích vùng đông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), ông đã đến nghiên cứu miếu này. Theo đó, cùng với việc tìm hiểu qua nhiều tài liệu, thì miếu này được xây khoảng thế kỷ 16 - 17, rất có khả năng là miếu thờ Vương phi Mỵ Ê, vợ vua Chiêm Thành là Trà Toàn chứ không phải của “con vua” nào, vì chưa có con vị vua nào chết trên đất này. Cũng theo nghiên cứu của TS Khôi, vào năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông mang quân nam chinh Chiêm Thành, tấn công thành Trà Bàn và bắt sống vua Trà Toàn cùng toàn bộ vương phi, nghệ nhân đưa về đất bắc, vua Lê lúc này đã thích sắc đẹp nàng Mỵ Ê. Khi ngang qua vùng biển Phước Thiện, vua Lê sai người đưa nàng Mỵ Ê đến hầu nên nàng nhảy xuống biển tự vẫn để giữ vẹn danh tiết với quân vương. Xin nói thêm là trên vùng đất nơi có miếu thờ Mỵ Ê là vùng biển xưa có rất nhiều thuyền buôn qua lại.

 Di tích Hòn Cò trước khu miếu cổ - Ảnh: Phạm Anh
Di tích Hòn Cò trước khu miếu cổ - Ảnh: Phạm Anh

Tương truyền, vua Lê Thánh Tông khi tiến quân hay quay về cũng dừng ở đây luyện quân nên đến nay còn nhiều di tích liên quan như: giếng vua, nơi vua Lê sai đào giếng lấy nước; thôn Vạn Tường (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) - nơi vua Lê luyện quân, quân sĩ hô vang “Vạn Tường! Vạn Tường!”. Xét về mặt kiến trúc, theo TS Khôi, miếu thờ bà Chúa Ngọc là một trong những miếu cổ nhất trong hệ thống miếu thờ ở Quảng Ngãi.

Chuyện rắn thần đầu hổ

Ông Tròn kể, bởi quá linh thiêng mà đường vào miếu cây cối um tùm, nên xưa nay người dân rất tin và rất hiếm người lai vãng một mình ra đây. Phía dưới miếu là bóng cây mát mẻ, vào mùa hè có người ngủ trưa ở đây hốt hoảng chạy về nhưng hỏi thì không dám nói. “Một lần, có bà Cảnh (78 tuổi) và bà Tỵ (65 tuổi) là người địa phương đi lấy củi ban trưa ở phía sau miếu. Vài giờ sau cả hai bà hốt hoảng tái mét chạy về. Bà con hỏi vì sao, hai bà nói thấy thần rắn đầu hổ nằm gác phía sau miếu. Một số người dân xung quanh đây nói là có thấy “ông” này nên dần dà ai cũng sợ”, ông Tròn kể.

Về chuyện rắn thần, bà Đặng Thị Thưa nói, chồng là ông Phan Bộ cũng một lần thấy. Hồi đó trời tối vào mùa mưa, ông Bộ ra miếu thắp hương. Vừa mở cửa thấy rắn thần màu đen tuyền gác ngang phía trên, ông Bộ sợ quá khấn: “Nếu để hương khói thì thần nên đi, đừng để cho sợ”. Thế là rắn thần nhẹ nhàng chuyền xuống thấp ra cửa đi luôn.

Tại xóm 1, thôn Phước Thiện này còn có 2 di tích cổ: đó là miếu Ba Cô và di tích Hòn Cò. Tương truyền, di tích Ba Cô vốn là 2 đứa bé gái nhỏ họ Nguyễn và bé trai họ Ngô cùng chơi trong ngôi nhà. Khi nhà phát hỏa cháy rụi, 3 đứa trẻ chết theo. Sau 3 đứa trẻ biến thành 3 con bồ câu đen, khi xuất hiện rồi bay đến đâu là nhà cháy đến đó. Dân trong vùng lập miếu cúng, tình trạng nhà cháy hết hẳn. Còn di tích Hòn Cò nằm trước miếu bà Chúa Ngọc nhìn ra biển. Dân trong vùng bảo Hòn Cò là trái đào trong miệng rồng. Vào tháng 2 âm lịch hằng năm, đàn cò khắp nơi bay về bãi biển bắt cá, tôm và nghỉ trên Hòn Cò, xa trông như hòn đá màu trắng toát, nên mới gọi là Hòn Cò.

Phạm Anh

>> Miếu thờ và mộ cụ Tán Kế được công nhận di tích cấp tỉnh
>> 60 năm gác miếu thờ lính Hoàng Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.