Chưa bỏ được con dấu doanh nghiệp

28/11/2014 09:00 GMT+7

Theo luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng, nội dung con dấu và chỉ phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Chưa bỏ được con dấu doanh nghiệp
Các chuyên gia cho rằng một số lĩnh vực như thuế, ngân hàng chưa thể bỏ con dấu - Ảnh: Diệp Đức Minh

Quy định về con dấu tại luật Doanh nghiệp (DN - sửa đổi) được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc tháo gỡ rào cản, khó khăn cho DN do tình trạng lạm dụng, bắt buộc sử dụng con dấu trong tất cả các quan hệ của DN từ trước đến nay.

Việc sử dụng con dấu sẽ còn tùy thuộc vào quá trình phát triển, khi các thủ tục, hoạt động giao dịch điện tử, online diễn ra ngày càng phổ biến thì dùng con dấu sẽ không còn ý nghĩa nữa

Ông Phan Đức Hiếu, Thành viên ban soạn thảo luật DN (sửa đổi)

Chỉ mới là cải cách bước đầu

Thế nhưng, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân khẳng định thông tin bãi bỏ việc sử dụng con dấu là không chính xác. “Không phải bỏ hoàn toàn mà rõ ràng, luật quy định, con dấu do DN quyết định về số lượng, hình thù… cho phù hợp mới mong muốn, tiện lợi cho hoạt động”, ông Ngân nói và cho rằng, thời gian đầu việc DN thực hiện, sử dụng con dấu khác, không phải do cơ quan công an cấp như từ trước đến nay sẽ có những va vấp với quy định ở ngành này, ngành khác mà luật chưa kịp điều chỉnh thì dần dần Quốc hội, Chính phủ sẽ có những quy định đi theo cho phù hợp. “Đây mới là cải cách bước đầu về con dấu”, ông khẳng định.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Công ty TNHH tư vấn VFARM - Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách của Hội Các nhà quản trị DN VN, cũng xác định “chỉ là sửa lại quy định về con dấu”. Ông giải thích: “Trước đây việc cấp, sử dụng con dấu của DN do Bộ Công an quy định. Nay theo luật DN sửa đổi thì mở ra, cho phép DN có quyền có con dấu tự quyết định con dấu, hình thức, nội dung. Như vậy sẽ giúp DN đỡ phiền hà, tốn kém về chi phí, thời gian. Theo quy định mới, không phải tất cả văn bản của DN phải đóng dấu mà chỉ đóng dấu vào văn bản nào pháp luật quy định hoặc do đối tác yêu cầu phải có dấu”. Chẳng hạn, một loạt tài liệu sau này không còn cần dấu như sổ kế toán chỉ cần chữ ký của tổng giám đốc và kế toán trưởng hoặc biên bản họp hội đồng quản trị, các thành viên đã ký thì không cần con dấu.

Khi luật có hiệu lực thi hành, ngành công an cũng không còn quản lý, cấp con dấu cho DN nữa. Lúc đó, DN có thể dùng dấu tròn, vuông, tam giác... như một số nước nhưng vẫn phải có tên DN, mã số đăng ký kinh doanh đồng thời là mã số thuế để cơ quan quản lý, đối tác nhìn vào nhận biết, hoặc tra cứu trên mạng để tìm. “Khác rất nhiều với trước đây, DN dùng một con dấu có hình thức như nhau do cơ quan công an cấp, phải ghi cả tên quận, huyện, nếu DN chuyển địa bàn sang quận khác là phải đi sửa dấu, hoặc làm con dấu mới”, ông Tiền nói.

 

Mở đường xu hướng đơn giản hóa

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, nhận xét: “Điểm tích cực là mở đường cho xu hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm yêu cầu sử dụng con dấu sau này. Nếu các văn bản trong các lĩnh vực khác sau này theo hướng không cần sử dụng con dấu thì phạm vi mà DN không phải áp dụng cũng mở rộng hơn. Đây cũng tạo ra lộ trình thay đổi từng bước có thể chấp nhận được”.

“Có những quan hệ chưa thể bỏ hết”

Vì sao chưa thể bỏ hoàn toàn, không sử dụng con dấu, theo các chuyên gia kinh tế, do con dấu DN còn bị ràng buộc bởi nhiều quy định về giao dịch trong một số bộ luật. Nếu bỏ hoàn toàn sẽ phát sinh số lượng công việc rất lớn và có thể chưa đảm bảo chặt chẽ trong quản lý. Ngoài ra, có một số lượng không nhỏ DN cũng vẫn muốn dùng con dấu. Theo kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, chỉ có 52% số DN được hỏi đồng ý bãi bỏ hoàn toàn con dấu, 30% số DN đề nghị thực hiện như quy định mà Quốc hội đã thông qua. Còn 28% ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về con dấu như từ trước đến nay.

Về vấn đề này, luật gia Vũ Xuân Tiền cho biết: “Trước đây có nhiều tranh luận là có nên bỏ hẳn con dấu không nhưng nhiều người, trong đó có tôi, cũng cho rằng chưa thể bỏ hoàn toàn giai đoạn này vì có những quan hệ chưa thể bỏ hết, bỏ hẳn là loạn lên ngay như với quan hệ giao dịch với cơ quan thuế và ngân hàng. Một cái séc của DN mà không có con dấu thì ngân hàng không cho rút tiền”.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban phụ trách - Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư) và là thành viên ban soạn thảo luật DN (sửa đổi), cũng đánh giá tuy chưa bỏ hoàn toàn được việc phải sử dụng con dấu nhưng riêng quy định mới tại luật này đã là một cải cách lớn, là một thay đổi về tư duy quản lý, khiến hoạt động DN thay đổi theo hướng tích cực hơn. “Do liên quan đến nhiều điều luật khác, do thói quen nên con dấu DN chưa bỏ hoàn toàn. Nhưng việc thực thi quy định này dần dần sẽ đưa đến nhưng thói quen, nhận thức mới, cách tiếp cận mới về con dấu. Việc sử dụng con dấu sẽ còn tùy thuộc vào quá trình phát triển, khi các thủ tục, hoạt động giao dịch điện tử, online diễn ra ngày càng phổ biến thì dùng con dấu sẽ không còn ý nghĩa nữa. Ví dụ như khai thuế điện tử hiện nay đã không dùng con dấu”, ông Hiếu nói.

Xác định việc thay đổi cách sử dụng con dấu, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn con dấu không phải là việc một sớm một chiều, tuy nhiên ông Hiếu tin tưởng: “Có thể ngay trong năm đầu áp dụng, sẽ có ít nhất 70% DN tự khắc dấu, tự dùng con dấu. Chúng tôi sẽ sớm ban hành nghị định hướng dẫn, trong đó có hướng dẫn chi tiết về việc khắc dấu, đăng ký con dấu của DN để thực hiện ngay khi luật chính thức có hiệu lực vào ngày 1.7.2015”.

Điều 44, luật DN (sửa đổi) nêu rõ:

1. DN có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN theo quy định của pháp luật. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:

a) Tên DN;

b) Mã số DN.

 2. DN có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN.

3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.

4. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.

5. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Mạnh Quân

>> Doanh nghiệp được tự quyết định con dấu
>> Bỏ con dấu doanh nghiệp được không ?
>> Cởi trói' cho con dấu
>> Bắt giam kế toán làm giả con dấu, tài liệu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.