Bảo vệ rừng bằng… niềm tin: Ông chủ hay người làm thuê ?

27/11/2014 09:44 GMT+7

Là chủ rừng, nhưng trên thực tế người dân chỉ có “tiếng” mà không có “miếng” khiến công tác bảo vệ rừng càng thêm khó khăn.

Bảo vệ rừng bằng… niềm tin: Ông chủ hay người làm thuê ?
Đại diện một số nhóm hộ gia đình ở xã Hồng Thượng, H.A Lưới bày tỏ những trăn trở về sự thiệt thòi của họ sau khi nhận BVR - Ảnh: Đình Toàn

“Chủ rừng” thua... lâm tặc

Nam Đông là một trong hai huyện miền núi thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Toàn huyện có 10 xã và 1 thị trấn, trong đó có 7 xã đặc biệt khó khăn và 6 xã là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người đồng bào C’tu chiếm 42% toàn huyện. Trong số các địa phương ở Nam Đông triển khai sớm việc giao rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn/bản quản lý, bảo vệ là xã Hương Lộc. Từ năm 2003 đến nay xã này đã giao được 350ha rừng cho 60 hộ gia đình và 282ha rừng cho 2 nhóm hộ. Ông Trần Đình Tánh, đại diện nhóm hộ nhận BVR ở thôn 1, xã Hương Lộc kể rằng năm 2003 ông cùng một số hộ khác nhận 20ha rừng tự nhiên để bảo vệ. Năm 2006, một cơn bão mạnh đã tàn phá Nam Đông và làm rất nhiều cây gỗ ngã đổ. “Thấy cây gỗ đổ ngã nhiều tôi làm tờ trình xin chính quyền và cơ quan nhà nước khai thác một số cây gãy. Tờ trình chúng tôi được xác nhận của chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn, sau đó đơn chúng tôi được gửi lên cấp trên nhưng mãi vẫn không có hồi âm. Cây gỗ phần bị hư, phần bị mất cắp, cuối cùng chúng tôi cũng như bao chủ rừng khác không thu được đồng nào. Nếu được khai thác thì người dân chúng tôi có hàng chục tỉ đồng từ số cây ngã đổ này!”, ông Tánh buồn bực kể. Giải thích vấn đề này, ông Trương Xàng, Hạt phó Hạt kiểm lâm H.Nam Đông nói rằng có những văn bản, thông tư quy định, phân cấp không rõ ràng nên các cơ quan chức trách của huyện lúc ấy không xử lý được?!

Còn anh Trần Quang Lâm, một người dân tham gia quản lý và BVR ở xã Sơn Thủy, H.A Lưới kể thêm năm 2011, gia đình anh cùng một số người dân khác nhận bảo vệ 30ha rừng tự nhiên. Năm 2012, trong một chuyến tuần tra BVR, anh Lâm và một người dân phát hiện 5 đối tượng đến khai thác gỗ trái phép. Anh Lâm đến nói chuyện với những người xâm hại rừng, giải thích rằng nhà nước đã giao cho anh và bà con, họ không nghe còn đe dọa chúng tôi. “Chúng tôi điện cho kiểm lâm, khi kiểm lâm đến nơi thì họ đã mang gỗ đi xa rồi. Đã có nhiều vụ việc tương tự xảy ra, có vụ số gỗ vi phạm được kiểm lâm thu hồi về, sau này thì bán đấu giá mà chúng tôi thì không được đồng nào. Mất tiền điện thoại, đối mặt với những người hung dữ, mất công vận chuyển gỗ ra khỏi rừng mà lợi ích thì không thấy, hỏi ai mặn mà để giữ rừng nữa?”, anh Lâm bức xúc.

Ai bảo vệ “ông chủ”?

Gần 1 năm qua, với sự hỗ trợ của Oxfam, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung cùng khoa Nông lâm thuộc ĐH Tây Nguyên phối hợp với Mạng lưới đất rừng (Forland) đã tiến hành những cuộc nghiên cứu, tham vấn cộng đồng và hộ gia đình về luật Bảo vệ và phát triển rừng. Ba tỉnh được chọn là Hòa Bình, Đắk Lắk và Thừa Thiên-Huế. Chẳng hạn tại tỉnh Hòa Bình, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều bất cập như, việc lấy rừng của người dân giao cho khu bảo tồn thiên nhiên; rừng sản xuất giao cho hộ gia đình bị quy hoạch sang rừng phòng hộ; người dân thiếu hỗ trợ trong quản lý BVR; rừng và đất lâm nghiệp thì lâm trường thừa, còn người dân thì thiếu… Còn tại tỉnh Đắk Lắk, những bất cập cũng được phát hiện như việc thiếu thể chế hóa và thống nhất trong quản lý ở các cấp về cơ chế hưởng lợi trong giao rừng cộng đồng. Hay việc chưa rõ ràng về cơ chế hỗ trợ cộng đồng phối hợp tuần tra rừng và xử lý vi phạm ở rừng cộng đồng, hoặc thiếu công cụ hỗ trợ nên cộng đồng không thể BVR, kể cả việc người dân thiếu đất canh tác buộc phải phá rừng…

Đặc biệt tại cả 3 tỉnh nói trên đều có thực tế rằng sau một thời gian nhận, bảo vệ và chăm sóc rừng do không có quyền lợi rõ ràng nên người dân cũng dần chán nản. Chẳng hạn ở thôn Than, xã Tân Pheo, H.Đà Bắc và ở thôn Cá, xã Quyết Chiến, H.Tân Lạc (Hòa Bình) - nơi có nhiều đồng bào dân tộc Tày và Mường sinh sống đã được giao đất giao rừng với số lượng cả ngàn hecta thì người dân ở 2 thôn này cho hay bây giờ mỗi tháng tổ bảo vệ rừng mới đi kiểm tra rừng một lần, có khi còn ít hơn. Người dân không mặn mà bởi gần như họ đi tuần tra rừng không công. Ngay cả việc nếu có bắt được người ngoài phá rừng họ cũng không biết xử lý làm sao.

Mới đây, hội thảo về tham vấn luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 do Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung phối hợp với Forland tổ chức tại Thừa Thiên-Huế, nhiều ý kiến của người dân lẫn chuyên gia lâm nghiệp đều đề cập đến những bất cập của luật này. Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế cho rằng luật và các văn bản dưới luật chưa rạch ròi việc xác lập quyền sở hữu đối với hộ gia đình, cộng đồng hay cá nhân. “Xây dựng luật nhưng chỉ nghĩ đến bảo vệ tài nguyên, tài sản của nhà nước mà không chú ý đến quyền lợi, tài sản của người dân thì rất khó”, ông Tuấn nói.

Luật Bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực đã được 10 năm, gồm 88 điều, trong đó có 25 điều đề cập trực tiếp đến hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng. Dù luật và những văn bản dưới luật đề cập, xác định vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư thôn/bản trong việc bảo vệ rừng nhưng thực tế người dân vẫn còn gặp rất nhiều rào cản.

Đình Toàn

>> Bảo vệ rừng bằng… niềm tin: Rối mù chia sẻ quyền lợi
>> Cuộc chiến bảo vệ rừng ngày càng khốc liệt
>> Giữ rừng vùng giáp ranh: Trạm bảo vệ rừng bảo kê phá rừng?
>> Đắk Nông buông lỏng quản lý bảo vệ rừng
>> Đồng lòng bảo vệ rừng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.