NXB Giáo dục VN sẽ cập nhật thông tin vào sách giáo khoa

27/11/2014 05:05 GMT+7

Loạt bài Học những điều đã quá lạc hậu trên Báo Thanh Niên từ ngày 24.11 phản ánh tình trạng kiến thức, thông tin quá lạc hậu trong sách giáo khoa (SGK) khiến cả học sinh và giáo viên đều lúng túng.


Nhiều kiến thức trong SGK không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay nhưng học sinh vẫn phải học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

>> Học những điều đã quá lạc hậu - Kỳ 3: Thay đổi cách làm và quan điểm về sách giáo khoa
>> Học những điều đã quá lạc hậu - Kỳ 2: Đánh mất niềm tin người học
>> Học những điều đã quá lạc hậu

Trả lời Báo Thanh Niên về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục VN, giải thích: “SGK được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT. SGK hiện hành được các tác giả do Bộ lựa chọn biên soạn và Hội đồng quốc gia thẩm định trước khi Bộ ban hành. Những số liệu về các lĩnh vực tự nhiên, xã hội được dẫn trong sách hầu như đều được các tác giả SGK cập nhật từ Tổng cục Thống kê và ghi rõ nguồn, thời điểm thống kê số liệu. Việc sử dụng các số liệu chủ yếu để minh họa làm rõ cho nội dung bài học. Với những số liệu này, giáo viên hoàn toàn có thể cập nhật, làm mới trong bài giảng của mình. Và đây cũng chính là một yêu cầu về mặt chuyên môn và phương pháp mà các cấp lãnh đạo quản lý giáo dục vẫn thường nêu ra với giáo viên”.

Ông Tùng cho rằng một trong những yêu cầu đối với SGK được ghi trong luật Giáo dục là phải mang tính ổn định. Tuy nhiên, NXB cũng đã và đang xin phép Bộ cập nhật một số thông tin trong SGK với một số trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn sau khi Hiến pháp 2013 được ban hành và một số bộ luật mới được sửa đổi bổ sung, NXB đang tiến hành các bước điều chỉnh những nội dung có liên quan đến nội dung sách giáo dục công dân ở một số lớp, sau khi đã xin phép Bộ.

Dị bản trong cùng một cuốn SGK

Khi có những ý kiến về sai sót, bất hợp lý... trong SGK hoặc các ấn phẩm khác của NXB Giáo dục VN, bao giờ đại diện NXB này cũng có những giải thích khá chặt chẽ. Tuy vậy, phụ huynh, học sinh và cả giáo viên vẫn luôn phải nhận những sản phẩm ít nhiều có lỗi mà không có lựa chọn nào khác.

Chẳng hạn cùng SGK Tiếng Việt lớp 1, tập 1 nhưng dữ liệu ở trang 115 (bài đọc số 56) và trang 127 (bài đọc số 62) lại không giống ở 2 cuốn khác nhau. Bài đọc số 56 trong cuốn SGK in tại Công ty cổ phần in SGK Hòa Phát của TP.Đà Nẵng là “Nắng đã lên. Lúa trên nương đã chín. Trai gái bản mường cùng vui vào hội”; trong khi đó cuốn SGK in tại Công ty cổ phần in tổng hợp Cần Thơ, TP.Cần Thơ ghi: “... Lúa trên nương đã chín vàng” .

Tương tự như vậy, dữ liệu ở bài đọc 62 cuốn in tại Đà Nẵng: “Vàng mơ như trái chín. Nhành giẻ treo nơi nào” thì cuốn in ở Cần Thơ sửa thành: “... Chùm giẻ treo nơi nào”. Cả hai cuốn SGK này đều cho thông tin nộp lưu chiểu vào tháng 1.2014. Nhớ rằng khái niệm “chín” và “chín vàng” không hoàn toàn giống nhau, “nhành” và “chùm” hoàn toàn khác xa nhau.

Nhiều năm nay, thí sinh thi ĐH, CĐ luôn chờ đợi thông tin từ tài liệu Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ của NXB Giáo dục VN bởi đây được xem là thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT. Thế nhưng năm nào cũng như năm nào, có những sai sót, dù được báo chí phản ảnh, vẫn giữ nguyên.

Những sai sót này tuy không lớn nhưng lặp đi lặp lại, làm mất niềm tin với “khách hàng” và thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong việc viết, xuất bản SGK hiện hành.

NHIÊN AN

Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc

>> Phải công bằng trong việc biên soạn SGK
>> Bộ soạn SGK, cá nhân nào hăng hái nữa ?
>> 3 lý do để Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK
>> Chỉ để kiến thức cần thiết trong SGK môn ngữ văn
>> Về đề án đổi mới SGK, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Hơn 34.000 tỉ đồng là 'sơ suất đáng tiếc
>> Thi tốt nghiệp THPT: Sẽ đưa văn bản ngoài SGK vào đề văn
>> Dở khóc dở cười ngữ liệu SGK

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.