Bảo vệ rừng bằng… niềm tin: Rối mù chia sẻ quyền lợi

26/11/2014 08:49 GMT+7

Khuyến khích người dân, cộng đồng thôn bản tham gia quản lý, bảo vệ rừng là chính sách được thực hiện trong nhiều năm qua. Thế nhưng, một chuyên gia lâm nghiệp nhận định rằng việc người dân tham gia bảo vệ rừng hiện chủ yếu chỉ... bằng niềm tin.

Công việc cực nhọc, đối mặt với nhiều hiểm nguy trong khi người tham gia bảo vệ rừng hầu như chỉ là hai bàn tay trắng.

Các lực lượng ở cộng đồng thôn/bản trong một lần tham gia tuần tra rừng ở H.Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: CRD cung cấp

Tay không bắt giặc

Ông Nguyễn Văn Hội, người Pa Kô, hiện đang làm Bí thư Chi bộ ở thôn Cân Tôm, xã Hồng Thượng, H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Cuối năm 2011, khi huyện có chủ trương giao rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn quản lý, ông Hội đại diện cho 12 hộ gia đình trong thôn được UBND H.A Lưới giao gần 94ha rừng tự nhiên để quản lý và bảo vệ rừng (BVR). Số diện tích rừng của nhóm ông Hội nằm tít trên non cao giáp với nước bạn Lào. Mỗi chuyến đi tuần tra rừng, nhóm ông Hội thường phải đi vài ba ngày đường, mà toàn là “chui bụi lủi bờ” chứ không có đường mòn. Người đàn ông 64 tuổi này nói rằng khi nhận rừng ai cũng nghĩ đơn giản giữ rừng là vì “lợi ích trăm năm”, rừng bảo vệ chính đời sống của mọi người. Không chỉ thế, như bao nhóm hộ khác ở A Lưới, khi nhận rừng người dân đều được hứa hẹn sẽ có một khoản kinh phí hỗ trợ để tuần tra BVR, nhưng đã gần 3 năm nay điều này vẫn chỉ là lời hứa hão. “Ngay cả cái rựa phát rừng, áo mưa đi rừng người ta hứa trang cấp cho chúng tôi nhưng đến nay vẫn không thấy”, ông Hội ngán ngẩm.

Cho đến nay, riêng tại xã Hồng Thượng, UBND H.A Lưới đã ra quyết định giao rừng tự nhiên cho 12 nhóm hộ gia đình (119 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) quản lý, bảo vệ với tổng diện tích là 927,40ha, thời hạn giao là 50 năm. Sau khi nhận rừng, hầu hết những hộ dân đều góp gạo, chung tiền, tự túc mọi thứ trong những chuyến tuần tra BVR. Ông Nguyễn Văn Xó, trưởng nhóm của nhóm hộ gia đình nhận rừng ở thôn Cân Te kể rằng nhóm của ông có 14 hộ nhận BVR hơn 77ha. Sau 3 năm nhận rừng thấy quyền lợi không rõ ràng nên đã có 1 hộ xin ra khỏi nhóm, bỏ cuộc. “Kinh phí nhiều hay ít thì cũng phải cấp cho bà con chứ kiểu tay không bắt giặc thế này không sớm thì muộn sẽ còn nhiều hộ khác xin rút”, ông Xó thở dài. Cùng chung tâm trạng với người dân, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Thượng kể rằng để giao rừng cho cộng đồng, nhóm hộ quản lý đã có nhiều cuộc họp được tổ chức. Trong mỗi cuộc họp chính ông cũng nói với người dân sẽ được hỗ trợ kinh phí mỗi hecta chừng 100 - 150 ngàn đồng, trích từ phí dịch vụ môi trường rừng. “Nghe thông tin rồi tôi nói lại thế thôi chứ nó vẫn còn trên giấy. Người dân hỏi khi nào có thì tôi cũng không dám hứa. Với cái đà này vài ba năm nữa e là người dân sẽ nản mà xin rút lui thôi”.

Mơ hồ về quyền lợi

Không chỉ người dân chưa được hỗ trợ kinh phí để BVR mà thủ tục hành chính nhiêu khê cũng đã khiến họ ngán ngẩm. Chẳng hạn, năm 2011, UBND H.A Lưới có quyết định giao rừng cho 12 nhóm hộ tại xã Hồng Thượng, đến năm 2013 huyện mới cấp “sổ đỏ” (tức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất), nhưng mãi đến tháng 6.2014 các nhóm hộ mới thực nhận. Cùng thời điểm năm 2011, UBND H.A Lưới cũng ra quyết định giao trên 524ha rừng tự nhiên cho 11 nhóm hộ và 5 gia đình tại xã Sơn Thủy quản lý và bảo vệ. Địa phương này còn “thảm” hơn xã Hồng Thượng khi đến nay người dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Lý giải việc này, một cán bộ của Phòng TN-MT H.A Lưới cho hay do quy định của pháp luật hiện hành không quy định đối tượng được cấp “sổ đỏ” để quản lý và BVR dành cho “nhóm hộ”, mà chỉ dành cho cộng đồng thôn/bản hoặc hộ gia đình. Do lấn cấn việc này nên phòng này vẫn chưa thể tham mưu cho UBND huyện cấp sổ đỏ cho bà con được.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại H.A Lưới khi nhận quản lý BVR cứ sau 10 năm người dân sẽ được hưởng 2% số trữ lượng rừng phát sinh so với trữ lượng ban đầu được giao. Đây chính là quyền lợi được “số hóa” rõ ràng nhất mà người dân biết được khi đứng ra nhận rừng. Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào việc giữ rừng và chăm rừng có tốt hay không, trong khi đó số diện tích rừng mà người dân được giao phần lớn là trạng thái rừng trung bình và rừng nghèo, lại là những khu vực rừng hiểm trở, đi lại khó khăn. Khi được hỏi vì lý do gì bà con đứng ra nhận rừng để bảo vệ, thì ngoài con số hưởng lợi trữ lượng rừng 2% sau 10 năm, họ nói chung chung rằng giữ rừng là “vì lợi ích muôn đời”. Bình luận về việc người dân hưởng được trữ lượng rừng phát sinh sau thời gian dài bảo vệ, PSG.TS Hoàng Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung (thuộc ĐH Nông lâm Huế) nói rằng khi đánh giá trữ lượng để hưởng lợi thì cần lập hội đồng. Người dân họ nói tiền khai thác được trữ lượng này không đủ để trả cho hội đồng. Còn ông Nguyễn Hữu Lễ, Chủ tịch CLB Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế kể: “Rừng có trữ lượng giàu không mấy được giao, mà toàn giao xương xẩu. Tôi đi xã Hồng Trung, H.A Lưới, người dân họ biểu sẽ trả lại thôi. Cụ thể là có gia đình chính sách hẳn hoi, có nhu cầu rồi làm đơn xin khai thác gỗ để giải quyết nhu cầu. Không được chấp nhận họ vào khai thác lén. Hợp pháp không được, họ làm phi pháp, mà phi pháp lại càng không được”.

Đình Toàn

 >> Cuộc chiến bảo vệ rừng ngày càng khốc liệt
>> Giữ rừng vùng giáp ranh: Trạm bảo vệ rừng bảo kê phá rừng?
>> Đồng lòng bảo vệ rừng
>> Đắk Nông buông lỏng quản lý bảo vệ rừng
>> Bảo vệ rừng xẻ gỗ rừng di tích lịch sử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.