Úp mặt - Truyện ngắn của Trương Văn Tuấn

23/11/2014 05:00 GMT+7

Người ta bảo anh về ngay, về liền, về gấp kẻo không kịp.

Anh chạy ào từ trung tâm ra Bình Chánh, rồi xuôi quốc lộ về nhà.

Úp mặt - Truyện ngắn của Trương Văn Tuấn
Minh họa: Tuấn Anh

Mới hôm kia thôi, anh bảo cuối tháng sẽ về. Về thật. Về luôn. Về không đi nữa. Mẹ anh còn cù cưa, nửa tin nửa không. Nghe giọng bà vui nhưng dường như cố nén kẻo lại thất vọng như mấy lần trước. Anh hứa chắc nịch:

 - Lần này về nuôi bò, nuôi dê. Chăn lứa này qua lứa khác. Chứ không phải gà chưa kịp lớn đã đi. Về luôn ấy.

Bà ờ ờ cười khì khì qua điện thoại, vui không nén được.

Vậy mà sáng nay người ta bảo anh về liền kẻo không kịp, bà té úp mặt xuống vũng nước. Té thì đưa lên đây cấp cứu, sao phải gọi anh về liền? Té là gãy chân gãy tay, chứ úp mặt vô vũng nước mà nguy kịch là thế nào? Người ta không trả lời anh, anh cũng chẳng còn tâm trí để hỏi mãi, người ta kêu về thì anh về.

Hay mẹ anh mất rồi mà người ta không đành lòng nói thẳng ra, sợ anh run tay lái. Úp mặt vô vũng nước mà chết? Ờ thì chuyện gì mà không thể xảy ra. Như chuyện có bầu, thèm gì không thèm bỗng dưng thèm con rồi còn chết nữa là.

Đêm đó, cũng có trăng như đêm qua vậy - chỉ khác là trăng quê sáng vằng vặc, trăng Sài Gòn thì chỉ treo lên cho có vì đèn đường đã sáng thay rồi - anh hỏi vợ thèm gì. Thèm gà, thèm vịt, thèm cá nướng, bò xào gì thì sáng anh ra chợ mua về làm. Chị xoa xoa cái bụng bầu ba tháng mấy, chép miệng:

- Tự dưng thèm em bé. Thèm ôm một đứa ngủ.

Ý vợ hợp ý chồng. Hai anh chị rón rén bước xuống giường, quyết định qua sông thăm cu Bo con của bà chị họ. Thằng cu ấy tròn tròn, trắng trẻo, gặp ai cũng cười, quăng đâu nằm đó. Thấy vắng người lâu quá thì hắn u oe vài tiếng ý “có ai đây không?”. Có ai bước lại cạnh hắn để “sao hả cục cưng” thì hắn đưa mấy ngón tay cong cong lên quẹt ngang mũi rồi cười tít mắt, xong lại nằm đó, nheo nheo mắt tự nói u ơ, tự cười một mình.

Nhà cửa hai bên sông đã tắt đèn, yên ắng đến tiếng quẩy dầm cũng nghe mồn một. Trăng sáng đến mức khi chị quay ngang, anh thấy rõ chị cười đến hở hết cả răng vì nghĩ đến thằng bé.

Con sông rộng chừng trăm mét, nước đang bình nên anh nôn nao quẩy vài dầm là sang bên kia. Chồng đi vắng, chị họ thấy vợ chồng cô em đương đêm qua thăm bé, lại ngỏ ý muốn “mượn” cháu về ôm ngủ thì cười rồi mát dạ cho... mượn. Tại thằng bé đẹp, thằng bé ngoan mới được mượn làm mẫu, được mượn ôm ngủ mong đẻ ra đứa y chang vậy. Thêm nữa bà chị họ đang không khỏe trong người, nhờ cô em giữ thằng bé để được một đêm sâu giấc cũng là điều tốt.

Anh chị hí hửng ôm thằng bé, ôm sữa tã trở ra bến sông thì cái xuồng lớn không còn nằm ở bến nữa. Chắc khi anh giữ mũi xuồng vững chắc cho chị bước lên bờ xong thì cũng phủi tay bèm bẹp cùng chị đi thẳng vô nhà người ta mà quên cột dây.

Nhưng anh cũng thấy vững lòng là nước đang đứng, gió từ ngoài thổi vào, chắc chiếc xuồng trôi vô tới đập thì đứng yên đấy. Anh quay sang tháo dây chiếc xuồng nhỏ của ông Tám để qua sông tạm. Định bụng đưa vợ sang nhà, rồi lấy xuồng nhỏ đi tìm xuồng lớn, về đặt xuồng nào vô bến đó, xong xuôi sẽ leo lên giường ôm vợ, ôm thằng bé con mà ngủ.

Vợ anh vùi mặt vào ngực thằng cu, giọng nhẽo nhợt:

- Mẹ giặt bằng gì mà áo cu Bo xơm quá vậy?

Thằng bé cười ằng ặc rồi u ơ đáp trả.

- Cu Bo dọn đồ qua nhà cô Xủy ở duôn nha.

Rồi khi nhìn kỹ đáy xuồng, vợ anh thông báo.

- Cái xuồng lủng phải không anh, nước mỗi lúc một nhiều.

- Ờ, không sao. Lỗ nhỏ xíu. Tới bờ rồi tát.

Vợ anh cúi xuống một tay cầm gàu tát nhè nhẹ. Chị đưa mắt nhìn ra xa hơn.

- Người ta xả cống hay sao mà lục bình từ đó trôi ra nhanh dữ kìa anh.

Anh cười khì khì:

- Ùm. Cái xuồng mình đã trôi vô đó. Một hồi nước lại đẩy xuồng mình trở ra.

Anh mạnh tay quẩy dầm để đưa vợ vô bờ trước. Chỉ còn một phần ba mặt sông nữa thôi.

Á… Một con rắn nước đang yên vị trong khoang xuồng bỗng bị xao động nên oằn người bò lên chân vợ anh. Chị giật mình co người lên làm nghiêng mạnh mạn xuồng, nước ào vô một phát lé đé xuồng. Anh nhoài người sang bên nhảy ùm xuống nước cho xuồng bớt khẳm. Nhưng không kịp nữa. Xuồng nghiêng xong bên này, lại nghiêng sang bên kia nên nước vô đã quá đầy, từ từ chìm xuống. Đứa bé trong tay chị giật mình khóc thét lên.

Tấm ván ở giữa xuồng nổi lềnh đềnh, anh đưa tay đẩy về phía chị.

- Bình tĩnh nghen em, ôm cái ván này.

Anh đưa tay bồng lấy đứa bé. Dòng nước xả ra từ cống ngày càng mạnh thêm. Nhánh sông cong cong chứ không thẳng, con nước vì vậy cũng uốn lượn, đẩy ba người vừa trôi xuôi dòng vừa dạt xa bờ hơn.

Anh cất tiếng kêu cứu lanh lảnh.

Chị giục anh:

- Anh đưa cu Bo vô bờ đi! Em biết lội mà. Em ôm cái ván chờ anh. Không sao đâu.

Nấn ná không được gì. Đứa bé đang khóc ré lên.

- Chờ anh nghen, thả lỏng người ra, ôm ván, ngửa mặt lên.

Anh dặn vợ rồi vừa đạp vừa xuôi theo sức đẩy của dòng nước hì hục mang đứa bé trở vô bờ bên kia. Anh dùng tay nâng đứa bé đang hoảng sợ lên cao hơn đầu, chỉ dùng chân để đạp nước. Việc này không quá khó khăn với anh.

Nhà dân hai bên sông đã sáng đèn sau tiếng kêu cứu đầu tiên. Chạy ra đến bờ sông thì người lột áo, người đẩy ghe xuồng.

Anh vào đến gần thì nói lớn: Vợ con còn ngoài đó.

Sẽ rất mất thời gian nếu chuyền đứa bé từ tay này qua tay kia nên anh đạp nước thẳng vô bờ. Những người đàn ông bơi vèo ngang mặt anh, hướng ra cái đốm đen đang nhấp nhô giữa dòng nước. Người trên bờ mới ra thì ước chừng, phải trừ hao nước đẩy nên chạy dọc trên bờ chừng mười mét mới nhảy xuống sông.

Giao đứa bé cho người đầu tiên gặp, anh đạp bờ, bơi sải trở ra thì nghe người ta ầm ì gọi lớn:

- Thủy đâu?

- Thủy ơi!!!

- Tìm thấy chưa?

Anh bơi ra giữa dòng. Vẫy vùng xoay trái phải. Hụp xuống lại ngoi lên. Cánh đàn ông cũng làm vậy. Cánh đàn bà sức yếu cũng thi nhau quăng phao, thùng nhựa rỗng xuống sông, quăng càng xa càng tốt. Ai cần thì bám.

- Tìm thấy chưa?

Câu hỏi thất thanh vang lanh lảnh trong đêm. Vang vọng đến tận chiều hôm sau.

Người ta tìm thấy chị trong tư thế nằm ngửa nơi bãi bồi, cách chỗ chìm xuồng gần 2 km. Có thể chị nhớ lời anh dặn. Có thể như ông bà xưa nói chết trôi thì nam nằm sấp, nữ nằm ngửa. Có thể do sóng xô.

Mẹ vợ anh ngất lên ngất xuống, các anh chị em vợ mắt sưng hum húp. Mẹ anh nằm ôm ngực thở dốc, nước mắt lăn đục ngầu trên gò má nhăn nheo, không uống nổi một ngụm trà đường mà người hàng xóm đang bưng nài. Họ hàng bạn bè gần xa tới viếng cũng nước mắt sụt sùi.

Anh không khóc được. Anh bình tĩnh lo hậu sự, bảo người ta để chị mặc cái này, rồi gửi kèm bộ đồ em bé kia vô luôn. Vợ con chết vậy thì cúng gì hả chú? Đang có em bé thì mình thêm cái lễ gì không bác?

Hạ huyệt xong, anh bưng mâm vong trở về nhà. Anh ngồi nhìn trừng trừng ra dòng sông. Mắt anh chỉ đỏ lên, lờ đờ vì mấy đêm không ngủ.

Rồi chừng cả tháng sau, nửa đêm nào mẹ cũng nghe anh mớ giãy rầm rầm. Anh không thôi nghĩ: Giá như anh nhớ cột dây xuồng. Nếu cả ba cùng ôm miếng ván đó đạp nước vô bờ thì có tốt hơn không?

Có khi nào chị vẫn đạp nước giữ nguyên chỗ đó đợi anh như anh đã dặn mà anh lại bơi dịch theo dòng nước? Cái lượt anh lặn sâu nhất, có khi nào chệch bên trái một chút là đụng vợ đang quơ quào không? Có khi nào lúc anh hụp xuống thì chị ngoi lên không? Khi anh ngoi lên thì chị lại bị chìm xuống rồi?

Mỗi ý nghĩ đó đều làm anh hoảng hốt rùng mình khi đang đi đường, đang ngồi ăn cơm, khi lim dim ngủ…

Có những cuộc chia ly theo kiểu khi tàu rời bến, xe lăn bánh, phi cơ cất cánh thì người ta khóc bò lết, khóc quặt quẹo... Rồi khi tàu đã khuất, xe đã xa, phi cơ im tiếng người ta nguôi ngoai dần, đứng dậy lau nước mắt.

Có những cuộc chia ly theo kiểu phải khi tàu đã khuất, xe đã xa, phi cơ im tiếng người ta biết là mình không cam tâm chia ly. Không tịnh tiến theo kiểu nguôi ngoai dần, nỗi đau chỉ lớn dần theo năm tháng đã chia ly.

Có những cuộc chia ly theo kiểu năm năm, mười năm sau người ta ngồi cười cười nói nói: Hồi đó lúc... giờ,  ngày... tháng ... năm.... Hồi đó tôi như chết rồi.

Có những cuộc chia ly theo kiểu năm năm, mười năm sau người ta không còn nhớ được giờ ngày tháng năm nào đã chia ly, người ta chỉ bật khóc và hỏi lại cái câu đã hỏi cả vạn lần là tại sao phải chia ly như thế.

Nên năm tháng sau, đôi khi mẹ thấy anh đang ngủ trưa thì ngồi dậy quơ tay tìm kiếm thứ gì đó ở quanh mình. Sáu tháng sau người ta thấy anh đang cuốc đất ngoài vườn tự dưng đứng khóc.

Một sáng thức dậy anh nhìn ra con sông trước nhà rồi trở vô dọn đồ.

- Chắc con lên Bình Chánh làm công nhân với mấy thằng bạn.

Mẹ vội vàng nấu nướng cho anh kịp ăn cơm trưa, nhưng con cá đang giữ trong lu dành cho cơm chiều đành thả lại xuống ao. Một mình bà ăn sao hết.

Anh đi đến giỗ đầu chị thì về. Mẹ anh tóc bạc thêm, má xệ, da nhăn hơn.

Mẹ vợ anh vỗ vỗ vai con rể:

- Ở nhà với chị sui, đi xa chi con ơi.

Anh vâng dạ rồi ở lại nhà. Mẹ anh mừng húm, đi hốt ổ gà về cho anh nuôi, qua nhà hàng xóm xin giống cà, hạt đậu về cho anh trồng. Gà chưa thay lông, cà mới nảy, đậu chưa thành dây anh lại cuốn gói ra đi.

Anh tìm đại một xí nghiệp ở Bình Chánh sống chen chúc với bạn bè cho khỏi cô đơn. Anh làm ca ngày thêm ca tối. Tiền bạc anh gửi phần lớn về nhà. Rảnh rỗi thì nhậu nhẹt cùng anh em chung xí nghiệp. Ngày tháng trôi qua lúc nhanh lúc chậm.

Một dạo bạn bè thấy anh không chơi bời gái gú thì cũng phí tuổi xuân nên bày cuộc nhậu, có mấy em nửa lạ nửa quen góp vui. Tàn tiệc bạn bè rẽ ra đi hướng riêng, anh lất phất về phòng thì có một cô theo sau. Anh nằm vật ra đó nửa muốn nửa không. Thôi thì cứ nằm ì đấy cô muốn làm gì thì làm. Hiểu ý anh nên cô bắt đầu tỉ mẩn, hâm nóng anh.

Anh tỉnh dậy thì thấy mình nằm ở phòng bên của mấy cậu sinh viên. Chúng nói anh về phòng một lúc, cãi vã mấy tiếng với bạn gái rồi sang xin ngủ nhờ. Bạn bè anh về hỏi:

- Không chơi gái thì thôi, sao làm con người ta bầm mặt vậy cha nội?

Anh chẳng nhớ gì. Cũng có thể tụi kia muốn làm tiền, muốn kiếm chuyện. Buổi trưa có vài tên du côn ngoài quán vô đứng chỉ trỏ, nhép miệng chửi thề. Bạn bè kêu anh dọn đi cho lành.

Lần giỗ hai của chị, mẹ vợ kêu anh cưới vợ khác.

- Cưới vợ khác đi con, rồi ở nhà. Đi xa mãi làm gì.

- Trời, con chưa mãn tang mà - Anh cười khì khì.

- Kệ. Giờ ai câu nệ nữa con - Bà ép tới - Cưới đi. Rồi ở nhà với chị sui, đi hoài tội nghiệp chỉ lắm. Chỉ không nói ra nhưng tao hiểu.

Anh ậm ừ.

Mẹ vợ muốn anh lấy cô kia mà theo bà thì cô đẹp người đẹp nết. “May mắn” nữa là cô bị quá lứa lỡ thì nên không chê anh đâu. Anh suy nghĩ ít hôm thì nhờ bà xin số điện thoại, để gặp gỡ nhau trước rồi tính.

Bà trở sang nhà chuyển lời:

- Nhà đó không chê mình nhưng cần gì thì bước tới hỏi cưới luôn chứ không có kiểu gặp gỡ riêng tư đâu.

Cũng phải, dù quá lứa trễ thời thì cũng là con nhà người ta. Đâu thể: cho tui gặp đi, hợp nhau thì cưới. Cho tôi nắm tay cái coi, cho tôi ôm cái nghen, cho tôi hôn cái đi… nếu có cảm giác với nhau thì cưới. Người ta cũng có cái tiêu chuẩn, cái duyên của riêng người ta.

Anh lại đi. Khi nào hay tin mẹ không khỏe thì anh về chơi vài ngày. Khi thấy bà khỏe anh lại đi tiếp.

Mỗi lần tiễn anh bà cũng muốn giả vờ bệnh tiếp để anh ở nhà. Bà muốn nói có anh về nên khỏe tâm lý, chứ thân xác có khỏe đâu. Rằng người già cô đơn nhiều lúc ngủ xong sáng không muốn mở mắt, muốn ngủ tiếp, ngủ luôn cho rồi. Rằng người già sống với con cháu mới thấy có ngày mai. Nghe con nói thèm ăn món này món kia thì sáng mai mới có động lực ngồi dậy. Rằng bà nghĩ nếu sáng nay không dậy nữa thì anh buồn lắm nên bà mới bước ra khỏi giường. Nhưng bà lại thôi, nói chi cho anh nặng lòng.

Dạo này anh nhận giao hàng thuê. Cứ khách mua từ công ty xong thì anh chở về đại lý nhỏ cho họ. Anh dời vào ở khu gần trung tâm.

Mỗi sáng anh thức dậy ra lan can nhìn xuống đầu hẻm thì thấy một cô bán dừa tươi nhìn lên. Anh ra khỏi phòng thì cô hỏi: Đi làm hả? Anh mua đồ ăn về thì cô hỏi: Không tự nấu hả, ăn tiệm sao chịu thấu. Anh nói: Có ai nấu giùm thì ăn, nấu một mình thì làm biếng. Hôm nào cô không hỏi anh thấy thiếu thiếu.

Rồi một chiều nọ cô mang đồ lên phòng anh nấu giúp. Khi cô nói mai qua nấu cho ăn, anh cũng ngập ngừng, nhưng rồi anh cố xua đi cái ngập ngừng đó. Ừm, sang đi. Nấu đi.

Anh thấy mình nên xuống đất xem người ta đánh cờ sẽ tốt hơn ngồi nhìn người phụ nữ đó nấu ăn. Không nhìn sẽ không so sánh. Anh trở lên phòng khi mọi thứ đã sẵn sàng.

Đêm ấy cô ở lại.

Chuyện làm tình với nhau không hoàn toàn là trả nợ bữa cơm, trả nợ những hỏi han quan tâm. Anh cũng muốn thế.

Nhưng xong xuôi anh lại thấy hụt hẫng, tội lỗi. Chẳng biết với ai, với vợ hay với người phụ nữ chưa yêu mà đã lợi dụng cô - bữa ăn và tất cả.

Anh quay lưng ra ngoài cố xua những hụt hẫng. Họ mạnh ai nấy ngủ.

Anh đề nghị cô cùng đi ăn sáng. Cô và anh có những câu hỏi giống nhau: Sáng nay có làm không? Mấy giờ về? Quê ở đâu? Họ chỉ nói tỉnh chứ không nói về huyện, xã chi li. Rồi chìm vào im lặng.

- Sao anh mất hồn vậy?

- Không, đâu có gì.

Họ lại im lặng.

- Anh lấy giúp em lọ tăm và hộp khăn giấy.

Anh vội vàng bỏ đũa, nhìn quanh rồi bước sang bên mang hai thứ cô cần về đặt lên bàn.

Sau khi nuốt ngụm trà đá, cô cười:

- Hai thứ này có sẵn trên bàn rồi, ngay trước mặt mình nè. Anh đâu cần chạy đi đâu xa.

Anh đã bị cô bắt bài, rằng anh đang vô hồn, đến trước mặt có gì anh cũng không biết.

Xe dừa tươi không xuất hiện ở đầu hẻm nữa.

Cô đi mất. Có lẽ cô có nỗi niềm riêng. Có lẽ cô có kinh nghiệm với những lần nấu ăn như thế: mọi chuyện rồi cũng không tới đâu. Có lẽ cô thấy mình không được tôn trọng, thà đi trước còn hơn bị xua đuổi. Có lẽ cô bất an với một gã đàn ông không rõ lai lịch nửa đêm ngủ với cô còn bị mớ đến mức kêu la - hắn bị tâm thần, hắn ẩn mình buôn ma túy, hay là tội phạm bị truy nã đến mức một giấc ngủ yên bình cũng không có?

Anh đi tìm, hỏi han nhưng không ai biết cô ở trọ chỗ nào, giờ đã đi đâu.

Thôi thì anh về quê.

Thi thoảng, đâu đó anh cũng làm vài phụ nữ hụt hẫng theo cách này hay cách khác. Chắc đã đủ dơ để không còn quyền nhớ nhung chuyện cũ. Chắc đủ mệt để về nằm nhà và ngủ ngon. Chắc mấy năm qua, đi nhiều nơi cũng có nhiều cái khi xa sẽ nhớ chứ không riêng gì chuyện cũ.

Anh gọi cho mẹ báo tin vui: Sẽ về luôn, nuôi trồng thứ gì đó từ năm này qua năm nọ, chứ không phải gieo hạt, hạt chưa nảy mầm, nuôi gà gà chưa kịp lớn đã ra đi như trước nữa.

Mẹ anh chưa kịp thấy thế thì đã ra đi.

Người già ra đi thì người ta thương ngậm ngùi chứ ít khóc xót xa như khi gặp người chết trẻ. Còn anh là con nên thụp xuống khóc ngân ngất bên giường mẹ. Anh khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc như thể nhà có hai đám ma.

Mẹ vợ anh vỗ về con rể:

- Ừ khóc đi con, khóc cho nhẹ lòng.

Nơi bàn trà cánh đàn ông ngồi bàn tán với nhau vì sao mẹ anh chết. Bảy giờ sáng người hàng xóm đi ngang thấy mẹ anh nằm úp mặt trên vũng nước mưa nhỏ ở sau nhà. Xung quanh là mớ thức ăn dành cho gà rơi tung tóe. Họ lay mẹ anh dậy thì bà đã đi rồi, cơ thể vừa hết ấm.

Chắc chị Hai chuẩn bị cho gà ăn.

Chắc chị Hai bị đột quỵ.

Té không thì còn may cứu được, úp mặt xuống vũng nước thì mới nguy.

Ờ, dù thế nào cũng ráng ngửa mặt lên mà sống chứ. 

Truyện ngắn của Trương Văn Tuấn

>> Hủy diệt - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền
>> Tom Hanks xuất bản tuyển tập truyện ngắn
>> Bái biệt thanh xuân - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang
>> Vàng mùa mimosa - Truyện ngắn của Trương Thanh Thùy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.