Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 7: Sống ở chùa, chết về làng

23/11/2014 04:20 GMT+7

Như bài trước đã nói, vào Thuận Hóa, Ngọc Hân từ công chúa đến hoàng hậu vẫn sống ở chùa Kim Tiên. Qua đời, bà lại về quê cha đất tổ…

 

Tượng Hoàng hậu Lê Ngọc Hân được thờ ở đền Ghềnh suốt 200 năm qua
Tượng Hoàng hậu Lê Ngọc Hân được thờ ở đền Ghềnh suốt 200 năm qua - Ảnh: Website Ban Tôn giáo Chính phủ

Chùa Kim Tiên (tổ đình Kim Tiên) hiện ở 14 Thích Tịnh Khiết (hẻm 184/14 Điện Biên Phủ cũ), P.Trường An, TP.Huế. Trú trì là thượng tọa Thích Giác Đạo. Cách đây vài hôm, chúng tôi đã đến vãn chùa.

Không chỉ các sư thầy mà cả các chú tiểu cũng biết công chúa Ngọc Hân từng ở và sinh con tại đây. Nhưng trong chùa hiện không thờ tự bà. Hỏi lý do, họ đều nói không biết…

Chùa Kim Tiên thường gọi là tổ đình Kim Tiên là một ngôi chùa cổ, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhiều vị thiền sư cũng như chư vị hòa thượng kế vị trú trì và trùng tu khởi sắc. Trò chuyện với các sư thầy, được biết, vào thời Tây Sơn Nguyễn Huệ, chùa đã bị trưng dụng làm nơi ở cho Ngọc Hân Công chúa và làm kho chứa vũ khí.

Dưới triều nhà Nguyễn, từ đời vua Gia Long đến trước đời vua Tự Đức, chùa cũng nhiều lần được trùng tu, tôn tạo và đã được các vị hòa thượng Tế Quảng, Đại Quán, Đạo Thành, Tánh Thông, Hải Thuận, Hải Từ, Thanh Đức kế tục đảm nhiệm trụ trì. Sau đó vì chiến tranh loạn lạc, một thời gian dài, chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chùa không có người xuất gia trụ giữ.

Từ năm Giáp Thìn 1964, chư tôn đức trong môn phái cung cử hòa thượng Thích Hưng Dụng đảm nhiệm chức vụ trú trì, tổ đình Kim Tiên ngày mỗi hưng phát. Sau khi đại lão hòa thượng Thích Hưng Dụng  viên tịch vào ngày 7 tháng 11 năm Mậu Dần (1998), môn đồ pháp quyến đã cung cử thượng tọa Thích Giác Đạo kế vị trú trì.

Từ đó đến nay, tổ đình Kim Tiên đã xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục như bảo tháp hòa thượng Thích Hưng Dụng, bảo tháp hòa thượng Thích Chánh Trực, chánh điện, nhà Tăng, nhà hậu, Quan Âm các, dựng thạch bi tháp tổ Tâm Khoan, khuôn viên, la thành (tranh lịch sử Đức Phật), sân vườn...

Cây xanh tươi mát bắt đầu từ cổng đến chánh điện. Những bức trang Phật với những câu thơ ý nghĩa được chạm khắc trên đá được đặt ngoài sân vườn… Tổ đình Kim Tiên ngày nay đã trở thành chốn trang nghiêm, thanh tịnh, hưng phát.

Tri ân người phụ nữ tài hoa, yểu mệnh

Như chúng tôi đã dẫn từ chính sử triều Nguyễn: “Khoảng đầu năm Gia Long, ngụy đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả dối, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích. Tới đây, việc ấy phát giác, vua sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt kẻ ngụy đi”.

Ông Nguyễn Đình Kiu là cháu đời thứ 5 của Công chúa Ngọc Hân, năm 2006 đã hơn 70 tuổi, là người kiên trì làm đơn kiến nghị tôn tạo phần mộ và đền thờ Công chúa Ngọc Hân ở làng Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nội dung kiến nghị trên được ông Kiu gửi đi khắp các cấp chính quyền và các cơ quan văn hóa trong suốt 26 năm qua.

Tháng 5.2006, trong một lá đơn kêu cứu gửi Tổng biên tập Báo Thanh Niên, ông kể lại nỗi lòng chua xót của mình trước diễn tiến không khả quan mấy của sự việc, rồi hạ bút: "Ngọc Hân bị nhà Nguyễn trước kia cuốc mộ là nỗi đau thấu ruột... Ngày nay, Ngọc Hân đang cần lắm một ngôi mộ, một bát nhang thờ tại di tích nơi mình từng sống và được chôn cất nhưng linh hồn công chúa vẫn còn đang ngơ ngẩn, không nơi nương tựa, không cõi đi về"...

Mãi 5 năm sau, ngày 4.7.2011, Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân -  vợ anh hùng dân tộc Quang Trung (Nguyễn Huệ) đã được khánh thành tại quê ngoại bà (làng Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) bằng nguồn huy động chủ yếu từ xã hội hóa.

Di lăng nằm trên diện tích 286 m2, thuộc khu đất bãi Cây Đại của dòng họ Nguyễn Đình. Nơi đây có mộ của Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền (thân mẫu Lê Ngọc Hân) và mộ tượng trưng Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân cùng 2 con (năm 1842, triều Nguyễn đã cho đào hài cốt của Lê Ngọc Hân và 2 con của bà, vứt xuống sông Hồng).

Di lăng Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân gồm cổng chính, lăng mộ Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân, hoàng tử Quang Đức và công chúa Ngọc Bảo, lăng mộ Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, miếu thờ Thổ thần, nhà bia, giếng Ngọc.

Đền thờ được xây mới hoàn toàn, cách khu mộ khoảng 200 m, trên diện tích 1.100 m2, gồm: nghi môn xây kiểu trụ biểu, bốn trụ tạo ba lối đi; đền chính có mặt bằng hình chữ “Đinh”, gồm tiền tế và hậu cung; trong hậu cung đặt tượng đồng hoàng hậu, vua Quang Trung, hoàng tử Quang Đức, công chúa Ngọc Bảo. Tiền tế đặt tượng vua Lê Hiển Tông và Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền. Ngoài ra, khu đền thờ còn có sân, vườn, giếng, lầu hóa vàng, tường rào... Khu tưởng niệm được khánh thành là sự tri ân của hậu thế đối với Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, người con gái tài hoa đất Thăng Long.

Hội đền Ghềnh

Đền Ghềnh (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) có từ 200 năm nay. Bất chấp sắc lệnh của triều Nguyễn, nhân dân vẫn bí mật thờ phụng Hoàng hậu Ngọc Hân dưới danh nghĩa thờ “Mẫu Thoải”. Đền nằm trong ngõ nhỏ cạnh sông Hồng. Trải bao nỗi can qua, đền Ghềnh vẫn được con cháu cụ Ðặng Thị Bản (người công đức tôn tạo) trông nom và dân làng gìn giữ. Hội đền Ghềnh năm nào cũng thu hút đông đảo du khách thập phương. Một trong các nghi thức của hội đền Ghềnh là việc đi thuyền lớn ra giữa sông Hồng, hương khói cho mẹ con hoàng hậu và rước nước thánh về đền. Những người dự hội năm nào cũng thế, không nén được xúc động khi rải tro giấy vàng xuống nơi tro xương của mẹ con Hoàng hậu Ngọc Hân rải xuống khi xưa trên khúc sông này.

Nguyễn Thế Thịnh

>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 6: Số phận bi thương
>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 5: Oan giết vua
>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 4: Nỗi oan thất thân với vua Gia Long
>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 3: Cô độc ở chùa Kim Tiên
>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 2: Duyên rồng - phụng
>> Giải oan cho Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.