Đề xuất 2 loại nghĩa vụ quân sự

21/11/2014 15:21 GMT+7

(TNO) Tại phiên thảo luận sáng nay 21.11 của Quốc hội về dự luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Tam, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam, cho biết, mặc dù đã có những sửa đổi, bổ sung nhưng dự luật hiện vẫn còn một số bất cập, như việc quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc không được thực hiện công bằng.

>> Cần tăng cán bộ, công chức nhập ngũ
>> Nghĩa vụ quân sự không nhất thiết phải nhập ngũ
>> Không nên phân biệt đối tượng hoãn nhập ngũ
>> Tân binh nhập ngũ: Khát khao đến Trường Sa, bảo vệ chủ quyền
>> Giảm tuổi nhập ngũ và thời gian phục vụ quân ngũ

Đại biểu Tam cho rằng, cần phải có nhận thức mới để khắc phục tình trạng này. Đại biểu này đề xuất 2 hướng thực hiện: tổ chức cho công dân thực hiện luật Nghĩa vụ quân sự phổ thông và nghĩa vụ tham gia lực lượng thường trực. Theo đó, tất cả công dân đến độ tuổi phải thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc thông qua luật Nghĩa vụ quân sự.

Bo-truong-Phung-Quang-Thanh
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tặng hoa động viên tân binh - Ảnh: Hà Linh

Thời gian thực hiện nghĩa vụ phổ thông chỉ cần 6 tháng, với đối tượng tham gia là công dân nam từ 18 - 27 tuổi, trừ đối tượng miễn. Với những đối tượng được hoãn, trước sau gì cũng phải tham gia để đảm công bằng.

Với đối tượng thực hiện nghĩa vụ phổ thông, ông Tam cho rằng Bộ Quốc phòng nên giao cho các quân khu hình thành các trung tâm huấn luyện. Sau khi huấn luyện tân binh 6 tháng đầu năm sẽ chuyển sang huấn luyện lực lượng dự bị động viên này, để vừa đảm bảo tập trung thống nhất vừa không tốn kém xây dựng thao trường.

“Chế độ cho đối tượng này chỉ cần quân trang, tiền ăn, đảm bảo các điều kiện ăn ở huấn luyện tại doanh trại. Đối tượng này không hưởng lương vì đây là nghĩa vụ công dân phải tham gia. Như vậy ngân sách nhà nước cũng không phải tốn kém nhiều. Sau 6 tháng huấn luyện sẽ được trả về địa phương. Như vậy sẽ đảm bảo cơ bản 100% công dân được qua huấn luyện quân sự, nâng cao tính kỷ luật và nhận thức về bảo vệ Tổ quốc”.

Nhóm đối tượng thứ hai là những người thực hiện nghĩa vụ tham gia lực lượng thường trực làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, với thời gian thực hiện nghĩa vụ có thể kéo dài từ 3 - 5 năm. Đối tượng này được tuyển chọn từ những người đã qua huấn luyện tân binh tại các trung tâm.

Với đối tượng này, ông Tam đề nghị phải coi đây là lao động đặc biệt, cần chính sách đãi ngộ thỏa đáng bằng chế độ lương, quân hàm... ở mức cao hơn lao động bình thường ở khối dân sự. “Xác định đầu tư như vậy thì chất lượng sẵn sàng chiến đấu của quân đội mới đảm bảo, đặc biệt là những binh chủng kỹ thuật cao như tàu ngầm, tên lửa, máy bay…”, ông Tam đề xuất.

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, cần tách biệt ra xây dựng một lực lượng thực hiện nghĩa vụ quân sự theo kiểu rất sơ đẳng để có lực lượng dự bị và xây dựng một lực lượng hạ sĩ quan chuyên nghiệp.

“Nếu làm được đây sẽ là đột phá, thể hiện tư duy mới và việc quan trọng hơn ta sẽ có một lực lượng hàng triệu, hàng chục triệu người tham gia lực lượng dự bị quân sự”, ông Thông nói.

Đại biểu Phạm Hồng Hương (Hải Dương) cũng cho rằng, Việt Nam không có tham vọng nhòm ngó chủ quyền lãnh thổ của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hoà bình, tự vệ là rất rõ ràng. Song, đứng trước những nguy cơ, thách thức đang trực tiếp đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc thì Việt Nam không thể không tăng cường tiềm lực quốc phòng, cũng không thể không nghĩ đến việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức và nâng cao chất lượng xây dựng quân đội.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.