Muốn con dẫn đầu, không chỉ tập trung phát triển trí não

21/11/2014 15:00 GMT+7

Với học thuyết Thông minh đa chiều, trẻ có cơ hội phát triển không chỉ 1 mà đến 8 loại thông minh. Nếu cha mẹ chỉ chú trọng phát triển trí não của trẻ là chưa đủ để giúp bé phát triển toàn diện và dẫn đầu. Đó là những thông tin chia sẻ thú vị trong bài nói chuyện của bác sĩ Thái Thanh Thủy, trưởng khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2, TP.HCM.

Từ tâm lý muốn con “dẫn đầu”

Muốn con mình thông minh, dẫn đầu trong tập thể bạn bè là mong ước của hầu hết các bậc cha mẹ, nhất là trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh, sự cạnh tranh về năng lực là yếu tố tiên quyết trong bất kỳ một nghề nghiệp nào. Về cơ bản, đây là những “nguyện vọng đẹp” của các bậc cha mẹ khi gửi gắm niềm tin ở con trẻ. Tuy nhiên, từ tâm lý muốn con mình vượt trội, các bậc cha mẹ thường chú trọng đầu tư trực tiếp vào việc phát triển trí não của trẻ và một vài biểu hiện bên ngoài như chỉ số cân nặng của bé.

Theo kết quả dữ liệu nghiên cứu của công ty Nielsen Việt Nam trên 240 bà mẹ từ 22- 40 tuổi, có con từ 13-36 tháng, vấn đề mẹ quan tâm nhất đối với sự phát triển ở trẻ 1-2 tuổi là cân nặng và từ 1-2 tuổi chủ yếu là phát triển trí não.

 


Liệu chú trọng vào phát triển cân nặng và bổ sung những dưỡng chất phát triển trí não là đủ để bé vượt trội, dẫn đầu?

Trẻ có đến 8 loại thông minh

Với mong muốn giúp đỡ người đọc hiểu rõ mình, nhận ra năng lực bản thân, tăng khả năng học hỏi, phát triển, Thomas Armstrong - giáo sư, tiến sĩ, nhà tâm lý học, nhà giáo dục, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Phát triển con người của Mỹ đã dựa vào học thuyết thông minh đa chiều của Howard Garner để phát triển những nghiên cứu mới, đồng thời phổ biến rộng rãi thuyết này cho cộng đồng.

Theo đó, con người từ khi sinh ra đã có thể sở hữu một hay nhiều hơn các loại hình trí thông minh là: ngôn ngữ, logic toán học, không gian, âm nhạc, khả năng vận động cơ thể, năng lực tương tác, năng lực tự nhận thức bản thân, tự nhiên.

Trong 8 loại hình trí thông minh, trẻ có thể nổi trội đặc biệt ở một khả năng nào đó nhưng cũng có thể sở hữu nhiều loại hình thông minh khác nhau.

Thông minh ngôn ngữ:

Là trí thông minh của những phóng viên, nhà văn, nhà thơ, người kể chuyện, luật sư, người có khả năng ngôn ngữ có thể tranh luận thuyết phục hướng dẫn có hiệu quả thông qua sử dụng lời nói. Họ yêu thích các cách sử dụng âm thanh của từ ngữ thông qua việc chơi chữ, đố từ và cách uốn lưỡi, họ có khả năng nhớ các sự kiện, bậc thầy về đọc và viết.

Thông minh logic toán học

Là trí thông minh đối với những con số và sự logic. Đây là trí thông minh của những nhà khoa học, kế toán viên và những nhà lập trình máy tính. Họ có khả năng xác định nguyên nhân chuỗi các sự kiện, cách tư duy theo dạng nguyên nhân - kết quả, khả năng sáng tạo các giả thuyết, ưa thích các quan điểm dựa trên ý chí.

Thông minh về không gian

Nhạy cảm sắc bén với những chi tiết cụ thể trực quan, suy nghĩ bằng hình ảnh, hình tượng, có khả năng cảm nhận, chuyển đổi và tái tạo những góc độ khác nhau của thế giới không gian trực quan dưới dạng hình ảnh đồ họa. Là đất sáng tạo của các kiến trúc sư, nhiếp ảnh, nghệ sĩ, phi công và kỹ sư cơ khí.

Thông minh về âm nhạc

Có khả năng cảm nhận, thưởng thức và tạo ra các nhịp điệu. Trí thông minh âm nhạc còn có trong tiềm thức của bất kỳ ai miễn là có khả năng nghe tốt, dành thời gian cho âm nhạc, biết hát theo giai điệu và phân biệt được nhiều tiết mục khác nhau với sự chính xác của các giác quan. Điển hình là DJ, nhạc sĩ,nhạc công, giáo viên dạy nhạc, ca sĩ.

Khả năng vận động cơ thể

Là loại thông minh của chính năng lực cơ thể, khả năng điều khiển các hoạt động thân thể của con người và thao tác cầm nắm các vật thể một cách khéo léo. Điển hình là các vận động viên thể thao, thợ may, thợ mộc, thợ cơ khí, bác sĩ phẫu thuật.

Năng lực tương tác

Là năng lực hiểu, cảm nhận, làm việc và tương tác tốt với người xung quanh, cộng đồng. Có khả năng nhìn sự việc dưới góc độ, quan điểm của người khác. Năng lực tương tác hay gặp ở giám đốc, hiệu trưởng, nhà tâm lý, luật sư.

Năng lực tự nhận thức bản thân

Hay còn gọi là trí thông minh nội tâm. Người thuộc loại trí tuệ này có thể dễ dàng hiểu rõ những cảm xúc của bản thân. Sử dụng chính những hiểu biết của mình để vạch ra hướng đi cho cuộc đời. Họ có tính độc lập mạnh mẽ, thích làm việc một mình.

Tự nhiên

Những người này có khả năng quan tâm tự nhiên với thực vật và động vật, nhạy bén, tinh thông việc nhận dạng và phân loại vô số chủng loại động thực vật trong môi trường. Điển hình là những nhà tự nhiên học, nhà sinh thái học, nhà làm vườn, bác sĩ thú y.

Phát triển trí não là chưa đủ để thông minh

Trong khi những yếu tố không can thiệp được như gen di truyền, tố chất bẩm sinh thì có những yếu tố khác cha mẹ có thể tác động để giúp bé phát triển trí thông minh tốt hơn như: dinh dưỡng và học tập. Và trong việc bổ sung dinh dưỡng để hỗ trợ bé phát triển thông minh đa chiều,chỉ tập trung vào các dưỡng chất trợ giúp phát triển não bộ là chưa đủ, mà còn nên bổ sung cho con những dưỡng chất giúp phát triển những yếu tố quan trọng khác như tầm vóc, hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa.

 

 
Trẻ khỏe mạnh sẽ có cơ hội tiếp xúc với môi trường bên ngoài và có khả năng học hỏi được nhiều hơn

Mẹ cần cung cấp dinh dưỡng cho bé phát triển về mặt tầm vóc, trí não, đồng thời hỗ trợhệ miễn dịch và tiêu hóa. Bởi ngoài những dưỡng chất cho trí não, phát triển tầm vóc bao gồm cân nặng, chiều cao giúp trẻ sẵn sàng cho sự vận động. Phát triển hệ miễn dịch giúp bé khỏe mạnh hơn, gia tăng khả năng tiếp xúc, cơ hội học hỏi với môi trường bên ngoài. Trong khi đó, chú trọng hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ cho bé hấp thụ tốt, tối ưu các chất dinh dưỡng thông qua bữa ăn hàng ngày.

Bổ sung dinh dưỡng đúng, đầy đủ được ví như việc tạo nền tảng, điều kiện tốt để trẻ phát triển các loại hình thông minh của mình. Còn việc phát hiện, tối ưu nhất loại hình thông minh của trẻ phụ thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ. Kết hợp hài hòa hai yếu tố này, các bậc cha mẹ đều có quyền tin rằng, con mình sẽ dẫn đầu.

Quỳnh Lam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.