Những tác nhân không ngờ gây hen suyễn

20/11/2014 21:23 GMT+7

(TNO) Các chất ô nhiễm, chẳng hạn như khí thải giao thông hay khói thuốc lá, là những nguyên nhân thường biết gây ra các vấn đề về phổi, bao gồm cả bệnh hen suyễn . Tuy nhiên, còn có một số chất kích thích khác có mặt trong nhà hoặc xe hơi gây ra các triệu chứng hen suyễn khiến bạn ít ngờ tới.


Có nhiều tác nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn của bạn - Ảnh: Shutterstock

Pháo hoa. Trong những năm qua đã có nhiều báo cáo cho biết pháo hoa là một trong những tác nhân gây ra cơn suyễn. Theo ghi nhận trên tạp chí Annals of Allergy, Asthma & Immunology vào năm 2000, một bé gái Mỹ, 9 tuổi đã lên cơn hen và tử vong sau khi chơi trò pháo hoa cầm tay trong một buổi dã ngoại. Theo các nhà khoa học, pháo hoa và các loại pháo khác chứa rất nhiều hóa chất, đặc biệt là sulphur dioxide có thể kích thích cơn hen khi hít phải một lượng nhất định.

Túi khí. Theo Health, bệnh nhân hen suyễn ngồi trong những chiếc ô tô bị tai nạn có nguy cơ lên cơn hen dữ dội. Một nhóm các nhà nghiên cứu tại General Motors khẳng định 10/24 những người mắc bệnh hen ngồi 20 phút ở ghế sau ô tô khi túi khí bật ra đã lên cơn hen kinh khủng. Kết luận này được đổ lỗi do những hợp chất tạo ra khí nén để giúp túi khí bung ra là thủ phạm chính.

Bột mì. Khi hít vào với số lượng lớn, bụi bột mì có thể gây sưng phổi, và đó là lý do giải thích vì sao có hội chứng hen ở những người làm bánh mì. Nhiều thợ làm bánh chuyên nghiệp thường có xu hướng phát triển bệnh hen suyễn do dị ứng với bột mì (hoặc các thành phần khác tương tự). Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả những người làm bánh không bị dị ứng vẫn có thể mắc bệnh hen do phổi bị tổn thương vì hít phải bụi bột mì trong thời gian dài.

Thiết bị gas. Nitơ đioxit (NO2), một loại khí phát ra từ các thiết bị gas có liên quan đến triệu chứng hen suyễn ở trẻ em. Một nghiên cứu năm 2008 được tiến hành trên 150 trẻ em hen suyễn ở Baltimore (Mỹ) trong khoảng thời gian 6 tháng phát hiện trẻ em sống trong những ngôi nhà có nồng độ khí NO2 cao thường xuyên có triệu chứng thở khò khè, ho và tức ngực. Theo các nhà nghiên cứu, NO2 có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn ngay cả khi nó chỉ thoát ra một lượng nhỏ từ bếp gas hay lò sưởi.

Nến. Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học tại Đại học Nam Carolina (Mỹ) cho thấy chất parafin, thành phần chính làm ra nến, tỏa ra khí toluene và benzene chính là một trong những tác nhân làm bộc phát cơn hen. Để ánh sáng ngọn nến làm bữa tối lãng mạn hơn và không đe dọa đến sức khỏe, bạn cần tránh thắp ở những nơi kín gió và thắp với lượng vừa phải.

Máy in. Máy in laser và máy photocopy phát ra các hạt siêu mịn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hô hấp. Một bài báo đăng trên tạp chí Allergy cho biết một nữ nhân viên văn phòng 44 tuổi tại Anh liên tục bị hen và dị ứng 15-20 phút sau mỗi lần dùng máy photocopy.

Năm 2009, tạp chí New England Journal of Medicine cũng phát hiện trường hợp một phụ nữ 62 tuổi bị ho, hắt hơi và thở khò khè khi ngồi bán vé số trong một quán nhỏ. Các bác sĩ kết luận rằng mực được sử dụng để in vé số chính là thủ phạm gây bệnh dị ứng cho bà, bởi khi bà rời khỏi quầy vé số, các triệu chứng ho, hắt hơi, khó thở ngay lập tức biến mất.

Nhựa. Mặc dù nhựa không trực tiếp làm tổn thương phổi, nhưng các sản phẩm gia dụng làm từ nhựa chứa chất dẻo có tên polyvinyl clorua (PVC), như: rèm tắm, thảm nhà, đồ nội thất giả da, đồ chơi… thải ra trong không khí hợp chất hóa học được gọi là phthalate lại gây hại cho đường hô hấp. Một nghiên cứu năm 2007 được thực hiện tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ) phát hiện mức độ phthalate cao có liên quan tới nguy cơ gia tăng triệu chứng hen suyễn, thở khò khè và ho.

Ngọc Khuê

>> Tắm nắng có thể cắt cơn hen suyễn
>> Mẹ bị cảm lạnh, con dễ có nguy cơ hen suyễn
>> Hiểu thêm về dị ứng và hen suyễn
>> Kiểm soát chứng hen suyễn ở trẻ
>> Phát hiện mới về bệnh hen suyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.