Những dấu son thủy điện Hòa Bình

21/11/2014 08:00 GMT+7

Dù không còn chiếm tỷ trọng sản lượng điện lớn trong hệ thống điện quốc gia như khi mới đi vào vận hành, nhưng đến nay, Nhà máy thủy điện Hòa Bình vẫn chiếm khoảng 8% sản lượng điện hàng năm của cả nước, giữ vai trò là một trong những nguồn cung chủ lực cho hệ thống điện quốc gia.

 Từ khi thủy điện Hòa Bình đưa vào khai thác, đồng bằng Bắc bộ không còn bị ngập lụt - Ảnh Bùi Ngọc
Từ khi thủy điện Hòa Bình đưa vào khai thác, đồng bằng Bắc bộ không còn bị ngập lụt
- Ảnh Bùi Ngọc

Từng được mệnh danh là “công trình thế kỷ” của đất nước, thủy điện Hòa Bình là bậc thang dưới cùng thuộc hệ thống các bậc thang thủy điện trên sông Đà, với 8 tổ máy, tổng công suất đặt là 1.920 MW.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình, cho biết: “Từ khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành, tính đến ngày cuối tháng 10.2014, công ty đã sản xuất được 185 tỉ kWh. Đây là mức đóng góp sản lượng điện đứng thứ hai cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sau Nhiệt điện Phú Mỹ”.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình nhiều năm đạt sản lượng 9 - 10 tỉ kWh, vượt xa so với mức thiết kế (8,16 tỉ kWh). Đặc biệt, sau khi có thêm hồ chứa thủy điện Sơn La (là bậc thang phía trên), hiệu quả phát điện của thủy điện Hòa Bình tăng lên rõ rệt. Trong năm 2013, Công ty thủy điện Hòa Bình đã sản xuất được trên 10,05 tỉ kWh, vượt 3,59% so với kế hoạch. Trong năm 2014, công ty phấn đấu sản xuất được trên 10,7 tỉ kWh điện. “Năm nay dự báo là năm khó khăn do khô hạn kéo dài, nhưng chúng tôi quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu mà Tập đoàn Điện lực VN giao", ông Minh nhấn mạnh.

Với ưu điểm là nhà máy thủy điện có hệ thống thiết bị được thiết kế đồng bộ, các tổ máy của Nhà máy thủy điện Hòa Bình đảm nhận tốt vai trò duy trì ổn định chất lượng điện năng, cũng như chuyển đổi nhanh các tình huống sự cố lớn trên hệ thống điện, nhất là việc đảm bảo cấp điện ổn định cho Thủ đô Hà Nội, góp phần duy trì ổn định chất lượng điện năng cho cả hệ thống.

Sau 26 năm kể từ khi vận hành tổ máy số 1, Nhà máy thủy điện Hòa Bình không chỉ giữ vai trò là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện quốc gia mà còn hoàn thành tốt nhiệm vụ chống lũ, chống hạn và cải thiện giao thông đường thủy, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Tính đến nay, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã cắt được 45 trận lũ có đỉnh từ 7.000 m3/s trở lên. Đặc biệt, trận lũ lớn nhất mà hồ Hòa Bình cắt được là trận lũ năm 1996, với lưu lượng nước về lên tới 22.650 m3/s. Hồ Hòa Bình đã cắt lũ giữ lại hồ hơn 9.000 m3/s, chỉ xả xuống hạ lưu 13.000 m3/s. “Nhờ có hồ Hòa Bình cắt lũ, mức nước tại Hà Nội khi đó đã không vượt quá ngưỡng nguy hiểm. Theo tính toán, nếu năm đó không có hồ Hòa Bình, mức nước tại Hà Nội đạt 13,46 m, vượt ngưỡng an toàn 0,16 m. Nếu vậy, toàn bộ Thủ đô Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ bị đe dọa, có nguy cơ vỡ đê những nơi xung yếu, riêng thị xã Hòa Bình lúc đó chắc chắn sẽ bị ngập trắng trong nước”, ông Minh chia sẻ.

Hàng năm, hồ Hòa Bình cùng các hồ thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà xả nước tăng cường thêm nhiều tỉ m3, cấp đủ nước phục vụ cho đổ ải và gieo cấy lúa vụ Đông Xuân vùng đồng bằng Bắc bộ. Năm 2014, riêng hồ Thủy điện Hòa Bình xả khoảng 2,7 tỉ m3 nước chống hạn cho vụ Đông Xuân.

Ông Trần Kim Phàn, Chánh văn phòng  Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình cho biết: “Từ khi Công trình thuỷ điện Hoà Bình đưa vào khai thác đến nay, vùng đồng bằng Bắc bộ không còn xảy ra ngập lụt hoặc đe dọa bị ngập lụt. Sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân vùng ven hạ lưu sông Đà và sông Hồng cơ bản ổn định”. (Bùi Ngọc)

Nguồn: EVN

>> Thủy điện Hòa Bình sẽ phải hạn chế phát điện
>> Lãng du trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.