Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 3: Cô độc ở chùa Kim Tiên

19/11/2014 09:00 GMT+7

Vào Thuận Hóa cùng Nguyễn Huệ, Ngọc Hân công chúa ở tại chùa Kim Tiên. Đó cũng là nơi bà có những ngày hạnh phúc và chuỗi ngày lạnh lẽo của một người đàn bà tài hoa, yểu mệnh.


Chùa Kim Tiên hiện nay - Ảnh: Tuyết Khoa 

Công chúa Ngọc Hân rời đất Thăng Long theo chồng vào Thuận Hóa. Bấy giờ, Nguyễn Huệ ở với bà chính hậu tên Phạm Thị Liên (Bùi Thị Nhạn) tại phủ Dương Xuân. Bà Liên sinh năm 1758, tại tỉnh Quy Nhơn, Bình Định. Khi 16 tuổi (năm 1774), bà được Nguyễn Huệ chọn làm vợ. Bấy giờ Nguyễn Huệ 22 tuổi. Bà là em ruột của các ông Hộ giá Phạm Văn Ngạn, Giả vương Phạm Văn Trị, Thái úy Phạm Văn Tham, Thái úy Phạm Văn Hưng. Bà còn là anh em cùng mẹ khác cha với Thái sư Bùi Đắc Tuyên, Hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhật. Năm 30 tuổi, bà được phong làm Chánh cung hoàng hậu. Tính tình hiền lành, bà gắn bó với Nguyễn Huệ suốt những năm chồng khởi nghiệp, đến cuối đời. Vua Quang Trung rất thương yêu, trân quý bà. Bà sinh 5 người con: 3 trai, 2 gái. Sau này, Quang Toản được lập thái tử.

Hồi đó, những chùa quanh vùng đều được trưng làm nơi ở của quan quân Tây Sơn, Công chúa Ngọc Hân ở tại chùa Kim Tiên, bờ nam suối Tiên, cách phủ Dương Xuân vài trăm mét.

Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung, phong cho Ngọc Hân làm Hữu cung hoàng hậu.

Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, vua cho xây phủ Dương Xuân thành cung điện Đan Dương và phong bà làm Bắc cung hoàng hậu.

 

Ngô Tất Tố nhận xét về bài văn tế: “Theo thiển ý của tôi, đây là bài văn tế ý nghĩa rõ ràng, lời lẽ chải chuốt, dùng điển tích đắc thế... Một người đàn bà mà có tài văn bậc này, chẳng cứ ở ta, ngay như ở Tàu là nước văn học phát đạt cũng ít thấy lắm”.

Viết văn tế cho vua

Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Ngọc Hân đau đớn tự tay viết văn tế cho chồng. Cung điện Đan Dương từ đó thành lăng Đan Dương.

Bài văn tế vua Quang Trung do chính Bắc cung hoàng hậu viết bằng chữ Nôm. Hiện còn nhiều bản chuyển qua quốc ngữ khác nhau và vì thế, có nhiều từ cổ, nhiều điển tích đời nay khá khó hiểu nếu không được chú thích.

Văn tế mở đầu:

Than rằng/Chín từng ngọc sáng bóng trung tinh, ngoài muôn dặm vừa cùng trông vẻ thụy/phút mây che vầng Thái Bạch, trong sáu cung thoắt đã nhạt hơi hương/Tơ đứt tấc lòng ly biệt/Châu sa giọt lệ cương thường...

(Ngô Tất Tố diễn ý: Vua Quang Trung mới lên ngôi báu, như ngôi sao giữa trời, mới rạng vẻ ngọc trên chín tầng mây, các nước vừa thấy cảnh tốt đẹp, bỗng chốc ngài đã tạ thế; như đám mây đen che vầng Thái Bạch khiến cho tất cả sáu cung vì buồn rầu mà nhạt mùi hương. Trong lúc kẻ khuất người còn, tấm lòng (bà) đau đớn như sợi tơ đứt, nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng, giọt lệ rơi xuống như hạt châu sa).

Và kết thúc:

Tiếc thay!/Ngày thoi thắm thoắt/Bóng khích vội vàng/Thuyền ngự tọa đã ngang ghềnh Thái Thủy/Bóng long xa thẳng trỏ lối minh dương/Nẻo hoàng tuyền xa cách mấy trùng, ngao ngán thêm ngừng cơn biệt duệ/Chén hoàng thủy kính dâng một lễ, xét soi xin thấu cõi minh dương.

(Ngô Tất Tố diễn ý: Than rằng, ngày tháng mau chóng, đời người không được bao lâu. Bây giờ thuyền ngài đã khuất, xe ngài đã tới làng, nghĩ đến cảnh ngài ở suối vàng xa cách, (bà) càng ngao ngán, ngẹn ngùng cho cuộc biệt ly. Lạy xin kính dâng một chén rượu nhạt, mong ngài soi xét đến cho).

Khóc chồng

Quang Toản nối ngôi, lấy niên hiệu Cảnh Thịnh. Cậu ruột của vua lúc này là Bùi Đắc Tuyên lấy chùa Thiền Lâm ngay cạnh Đan Dương để ở. Cảnh Thịnh vốn không mấy tài cán nên Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền độc đoán, đưa họ hàng về làm quan, loại bỏ những người xuất thân từ miền Bắc vào.

Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân bị cô lập. Ở chùa Kim Tiên, hằng ngày bà lo kinh kệ, thờ chồng, nuôi con... Tại đây, trong những ngày đau thương, bà đã viết nên 164 câu ngâm Ai tư vãn, áng văn thơ khóc chồng đó không ngờ trở thành một tuyệt phẩm thơ Nôm.

Qua Văn tế vua Quang TrungAi tư vãn, người đời chắc ai cũng thấu hiểu được tấm lòng của Ngọc Hân với Nguyễn Huệ, hẳn không cần bình luận đó là hôn nhân gượng ép hay tình yêu nữa.

Năm 1794, Đô đốc Võ Văn Dũng đã làm chính biến, giết Bùi Đắc Tuyên, phục hồi triều chính, từ đó, bà Ngọc Hân mới được coi trọng. Bằng cớ là bà đã đưa em gái cùng cha khác mẹ Lê Ngọc Bình vào làm chánh cung cho vua Cảnh Thịnh.

Nhưng cuộc đời của người con gái đất Thăng Long tài sắc vẹn toàn không kéo dài được bao lâu, 7 năm sau ngày chồng qua đời, ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4.12.1799) bà hưởng dương 29 tuổi.

Mộ Bắc cung hoàng hậu lúc đầu được táng gần lăng Đan Dương, sau đó nhờ đô đốc tên Hải dời về làng Nành, xã Phù Ninh, nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội.

Trong bài lược sử Công chúa Ngọc Hân, Ngô Tất Tố cho là Lê Ngọc Hân đã tự tử, còn hai con phải thắt cổ mà chết.

Nhiều thuyết cho rằng, công chúa Ngọc Bảo và hoàng tử Quang Đức đều bị Gia Long bức tử, riêng bà Ngọc Hân được cho về quê và mất ở đó. Nhưng sử triều Nguyễn đều chép, hai con của Quang Trung chết trẻ, hài cốt được bí mật đưa về làng Nành.

Nguyễn Thế Thịnh

>> Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 2: Duyên rồng - phụng
>> Giải oan cho Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân
>> Khánh thành di lăng Hoàng hậu Lê Ngọc Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.