Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn

19/11/2014 04:40 GMT+7

Tại hội thảo nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh VN hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) tổ chức ngày 18.11, vấn đề khơi thông dòng chảy vốn cho các khu vực này được xới lại.


Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn "cô đơn" và thiếu sự hậu thuẫn từ chính sách - Ảnh: Ngọc Thắng 

Tổng giám đốc BTCI K.Balasingam cho biết trong cộng đồng doanh nghiệp của VN, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới 91% và tạo ra hàng triệu việc làm; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP... Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, hầu hết vẫn gặp phải một số hạn chế cố hữu như khó khăn trong tiếp cận chính sách, ưu đãi, mặt bằng sản xuất và đặc biệt, tiếp cận vốn vay. “Hiện nay chỉ có 30% tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng (NH), 70% còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí vốn rất cao”, ông K.Balasingam chia sẻ.

TS Phạm Ngọc Long, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hiệp hội DNNVV, cho rằng nguyên nhân các DN không thể tiếp cận được vốn và không thể tự lớn có một phần từ các NH, nhưng phần còn lại từ cơ chế chính sách. “Có tới 80 - 90 chính sách cho đối tượng này nhưng dường như toàn ở trên trời, còn DN ở dưới đất. Họ không thể tự lớn, vì môi trường thiếu bình đẳng, không được sự hậu thuẫn ưu đãi của nhà nước”, TS Long nói.

 

Hiện nay chỉ có 30% các DNNVV tiếp cận được nguồn vốn từ NH, 70% còn lại phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí vốn rất cao

Ông K.Balasingam

Đề xuất lập ủy ban chuyên trách

Theo mục tiêu đến 2015, VN có khoảng 600.000 DNNVV, đến năm 2020 nâng lên khoảng 1 triệu. Ông Long cho rằng, nhà nước cần thay đổi quan điểm chạy theo số lượng để chú trọng hơn đến chất lượng, tập trung vào tái cơ cấu. Trước mắt, cần phải lập riêng một ủy ban quốc gia do một phó thủ tướng phụ trách tổng thể về DNNVV. Các quỹ hỗ trợ tài chính, bảo lãnh, các vấn đề tài chính cần tập trung vào một đầu mối là Ngân hàng Nhà nước.

Với vai trò của người cho vay, ông Trần Trung Kiên, Phó giám đốc Khối khách hàng DN - phụ trách miền Bắc của Techcombank, cho biết vấn đề cố hữu đối với các DNNVV khó vay vốn do tính minh bạch thông tin tài chính không cao; tính rủi ro của các phương án vay vốn, dự án và phương thức kinh doanh chưa thực sự khả thi. “Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn, các ông chủ DN nên cáo bạch tài chính hơn nữa, nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

Vẫn theo ông Kiên, hiện nay Techcombank đang tiếp cận DN theo hai cách thức: cho vay theo sản phẩm và cho vay thấu chi. Nếu có tài sản thế chấp phù hợp mà DN không muốn trình bày phương án chi trả, NH có thể giải ngân trong vòng 3 ngày. 

3 lý do để “đến với nhau”

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng (VNBA), có 3 lý do thuận lợi để NH đến với DN và ngược lại. Thứ nhất, càng nhiều nợ xấu, NH càng phải cho vay để giảm và khắc phục tỷ lệ này. Thứ hai, trong lúc NH đang thừa vốn, các DN kêu đói vốn, thì NH phải khao khát tìm DN. Thứ ba, gần như tất cả NH tại VN đều đưa đối tượng DNNVV là đối tượng ưu tiên hàng đầu.

Anh Vũ

>> Mỹ cam kết hợp tác với ASEAN, VN
>> Trung Quốc sẽ chịu áp lực vấn đề biển Đông tại ASEAN
>> ASEAN cần chủ động, trách nhiệm hơn trong duy trì an ninh
>> ASEAN sẽ bàn về IS và Ebola

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.