Chim lợn

16/11/2014 05:00 GMT+7

Cho đến giờ tôi vẫn không biết loài chim đó có thật không. Cái tên quá quen: chim lợn , một loài chim kiếm ăn về đêm. Dân gian bảo tiếng kêu quéc quéc của nó báo hiệu điềm gở, nhất là những nhà có người đau ốm.

Tôi không trông thấy chim lợn bao giờ. Bố mẹ tôi, anh chị em tôi và cả những người trong thôn Bản Ngoại quê tôi chẳng ai thấy con chim lợn mặt ngang mũi dọc thế nào, nhưng nó cứ hồn nhiên sống trong tâm thức mọi người. Đó là hiểu biết cái không hiểu biết.

Dăm chục năm trước, đất Đại Từ (Thái Nguyên) heo hút không khác gì Mù Cang Chải xa lắc tận Yên Bái. Những năm ấy, dường như bốn mùa phân minh rạch ròi chứ thời tiết không lú lẫn như bây giờ. Mùa xuân mát mẻ, mùa hạ nắng nôi, mùa thu dịu nhẹ và đông thì rét mướt. Những đêm đông, nằm nghe gió hú, lẫn vào trong gió có tiếng chim lợn quéc quéc chập chờn, trong tiếng rì rầm của lá tre, nghe thê lương ảm đạm. Hai mắt tôi chong lên không ngủ được vì một nỗi sợ mơ hồ. Người  già bảo chim lợn kêu là báo hiệu có người chết vì giống này nó đánh hơi tử thi rất tài. Người ta muốn xua đuổi nó nhưng biết nó ở chỗ nào trong cái khoảng đen rì rầm chìm trong màn đêm mênh mông.

Rồi rừng bị phá, tre bị đốn. Làng xóm xưa cây cối um tùm giờ cũn cỡn như cái đầu xù được dũi bằng tông đơ trụi thùi lụi…, nhưng vẫn không ai thấy hình thù con chim lợn. Bố tôi là người tọc mạch, tìm cái gì, mò cái gì bao giờ cũng đến tận cùng. Vậy mà với chim lợn thì ông thua, không tìm ra được nó to bé hình thù ra sao…, trừ tiếng quéc quéc treo lơ lửng trong không gian đêm tối là có thật. Tiếng chim lợn làm cho người ta rờn rợn trong trạng thái mơ hồ kéo dài triền miên theo năm tháng.

Mấy chục năm về thị thành, tối đến ra ngoài nhà có ánh điện, không có những lùm tre đen kịt và bóng đêm lẩn trong đó cùng tiếng kêu chim lợn quéc quéc não nề, nỗi sợ con vật chưa bao giờ thấy hình bóng nó cũng tan dần theo thời gian.

Tôi tự hỏi, không biết trên đời này còn có thứ gì giống con chim lợn, hữu danh vô thực nhưng ám ảnh cả đời người chỉ vì một tiếng kêu mơ hồ trong đêm đông.

Đỗ Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.