Tuyên án vụ án bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT

14/11/2014 00:48 GMT+7

Ngày 13.11, TAND Q.Tân Phú (TP.HCM) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “ cố ý gây thương tích ” dẫn đến chết người và tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Bằng (37 tuổi, ngụ Bến Tre) 12 năm tù, Võ Văn Tòng (19 tuổi, ngụ Tiền Giang) 4 năm tù.

Bị cáo Bằng (bên phải) trả lời câu hỏi của HĐXX
Bị cáo Bằng (bên phải) trả lời câu hỏi của HĐXX - Ảnh: Phan Thương

Theo cáo trạng, tối 9.4.2013, sau khi uống bia, trên đường về, ông Trần Văn Hiền (43 tuổi, ngụ P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM) bị Tổ tuần tra CSGT Công an Q.Tân Phú đóng chốt trước bãi xe Thanh Bằng (số 512 Lê Trọng Tấn, P.Tân Thạnh, Q.Tân Phú) ra hiệu dừng xe và lập biên bản tạm giữ xe do trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá giới hạn quy định.

“Lúc nãy mày chửi dữ há”

Ông Hiền cự cãi và có lời lẽ nhục mạ lực lượng CSGT, đồng thời đập bể ĐTDĐ của mình. Khi mọi chuyện lắng xuống, ông Hiền chịu đón xe ôm về thì bị cáo Lê Thanh Bằng (chủ bãi xe Thanh Bằng - PV) rủ Tòng đuổi theo đánh ông Hiền. Khi đuổi kịp, Bằng xuống xe, một tay nắm cổ áo Hiền, nói “lúc nãy mày chửi dữ há”, một tay đấm vào mặt nạn nhân. Dù ông Hiền xin tha nhưng Bằng vẫn tiếp tục đánh mạnh khiến nạn nhân bất tỉnh và tử vong sau đó.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Bằng khai, khoảng 21 giờ ngày 9.4.2013, đi nhậu về thấy con khóc, vợ chưa về nên bực bội. “Bị cáo lấy xe ra để đi tìm vợ thì thấy Tòng ngồi gần tổ CSGT đang làm nhiệm vụ nên tới hỏi có chuyện gì. Tòng bảo ông Hiền say rượu bị CSGT giữ xe, lập biên bản vi phạm, ông Hiền đưa tiền để xin bỏ qua nhưng bị từ chối nên quay sang chửi bới, cầm điện thoại dọa quay phim, chụp hình và tự đập vỡ điện thoại của mình. Bị cáo thấy chuyện bất bình, nên rủ Tòng: “Có đi đánh nó không?” để dằn mặt cho bõ ghét. Được Tòng hưởng ứng “đánh thì đánh” nên cả hai đuổi theo”, Bằng khai.

Về phía Tòng, bị cáo thừa nhận toàn bộ nội dung cáo trạng cũng như lời khai của Bằng. Tòng nói mình có tham gia nhưng không hề đánh ông Hiền, chỉ đứng ngoài nhìn.

“Bị cáo chỉ biết anh Công, anh Hiếu trong đội CSGT”

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18.12.2013, cả hai bị cáo thừa nhận có quen biết, thường xuyên đi theo đội CSGT tuần tra để xem xử phạt vi phạm như thế nào. Từ lời khai này, nghi vấn liệu có phải CSGT gọi điện thoại “chỉ đạo” Bằng và Tòng đi đánh người bị hại hay không được đặt ra và HĐXX đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo đề nghị của Viện Kiểm sát.

Đến tháng 9.2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.Tân Phú có kết luận điều tra bổ sung, trong đó có nêu: “Theo công văn trả lời từ MobiFone, vì lý do kỹ thuật nên phía công ty đã không lưu trữ được nội dung thoại, tin nhắn từ các số di động của hai bị cáo đang sử dụng. Từ đó, các cơ quan tố tụng cho rằng, không thể chứng minh được việc CSGT đã “điều” hai bị cáo đuổi theo, đánh nạn nhân”.

Tại phiên xử ngày 13.11, Bằng cho biết: “Chỉ biết anh Công, anh Hiếu trong đội CSGT do có vài lần họ đóng chốt tại đây chứ không thân”, và khẳng định CSGT không xúi giục bị cáo đánh người. Đại diện Viện Kiểm sát hỏi tiếp: “Vậy CSGT đứng chốt trước bãi xe của bị cáo là do bị cáo cho thuê hay mượn, có ăn chia lợi nhuận gì không?”, Bằng trả lời: “Bị cáo chỉ cho họ ngồi nhờ, đóng chốt, mượn bộ bàn ghế để lập biên bản vi phạm chứ không thu lợi gì ở đây”.

Luật sư đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung

Trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người đại diện hợp pháp của người bị hại, cho rằng dù hai lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng các cơ quan tố tụng chưa làm rõ được nghi vấn có hay không mối quan hệ trên mức bình thường giữa tổ tuần tra CSGT và hai bị cáo.

Cụ thể, luật sư nêu trong quá trình điều tra, lấy lời khai, Tòng khai: “Tôi với anh Hải (cán bộ CSGT Q.Tân Phú) quen biết với nhau hơn một năm. Khoảng một tháng nay, khi rảnh tôi có đến bãi xe của anh Bằng để ngồi chơi với anh Hải và tổ CSGT, xem họ làm nhiệm vụ xử lý xe vi phạm giao thông”. Đồng thời, theo bút lục trong hồ sơ vụ án, vợ bị cáo Bằng cũng khai: “Chồng tôi kinh doanh cho thuê xe nên có nhiều mối quan hệ và có quen với một số CSGT Q.Tân Phú”.

Theo luật sư Hưng, dù phía MobiFone khẳng định không lưu trữ được nội dung thoại, tin nhắn từ các số di động của hai bị cáo đang sử dụng nhưng ít nhất cũng phải xác định được chủ thuê bao của các số điện thoại gọi điện đến trước, trong và sau khi vụ án xảy ra. Hơn nữa, trong các bản tường trình của các CSGT thì không ai thừa nhận có cự cãi trực tiếp với ông Hiền. Vậy, ông Hiền có cự cãi hay không, cự cãi với ai, cự cãi những gì cần phải làm rõ để xác định động cơ, mục đích gây án của các bị cáo… Vì vậy, luật sư Hưng đề nghị HĐXX trả hồ sơ, điều tra bổ sung. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng không có cơ sở để trả hồ sơ điều tra bổ sung như luật sư Hưng đề nghị.

Tòa bác việc triệu tập CSGT

Trong phần thủ tục mở phiên tòa, luật sư Nguyễn Kiều Hưng đề nghị hoãn phiên tòa, triệu tập Tổ tuần tra CSGT Công an Q.Tân Phú vào thời điểm xảy ra vụ án tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy trong quá trình điều tra và trả hồ sơ điều tra bổ sung, đã không chứng minh được tổ tuần tra CSGT có liên quan đến vụ án nên không có cơ sở để triệu tập.

 

Phan Thương - Công Nguyên

>> Hoãn phiên tòa xử vụ cự cãi CSGT bị đánh chết
>> Phản hồi bài 'Bị đòn vì cự cãi CSGT': Sẽ xác minh và xử lý nghiêm
>> Bị đòn vì cự cãi CSGT - Kỳ 2: Những “người lạ”
>> Video clip: Bị đòn vì cự cãi CSGT
>> Bị đòn vì cự cãi CSGT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.