Doanh nghiệp vận tải trốn tọa đàm 'giảm giá'

14/11/2014 03:41 GMT+7

Chiều qua, Bộ GTVT đã tổ chức tọa đàm về giảm giá cước vận tải nhưng lại không có mặt bất kỳ doanh nghiệp vận tải đường bộ nào, dù đã được mời.

Nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ chưa chịu giảm giá cước dù giá xăng dầu liên tục - Ảnh: Ngọc Thắng
Nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ chưa chịu giảm giá cước dù giá xăng dầu liên tục giảm mạnh - Ảnh: Ngọc Thắng

Cuộc tọa đàm do ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chủ trì với tư cách “điều phối” thông tin, lắng nghe đại diện doanh nghiệp (DN) và cơ quan quản lý.

Cước phí vận tải VN cao gấp 3 Hàn Quốc

Theo ông Hùng, tính đến tháng 11.2014, giá xăng đã giảm 12,1%, giá dầu giảm 16% so với đầu năm 2014, nhưng giá cước vận tải bất động. Ông Hùng cũng cung cấp thông tin, cước vận tải của VN không cao, khoảng 0,148 USD/tấn/km, so với Hàn Quốc là 0,766 USD/tấn/km. Nhưng cước phí vận tải hàng hóa trên thu nhập bình quân đầu người thì VN là 0,12%, trong khi Hàn Quốc chỉ là 0,04%, tức là theo thu nhập bình quân, cước phí vận tải VN cao gấp 3 lần Hàn Quốc. “Tổng chi phí vận tải của VN là 11,8% GDP theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, của Mỹ dưới 4,5%, Singapore khoảng 4,8%, Nhật 6%. Con số này cho thấy VN tuy nghèo nhưng tiêu hoành tráng. Nếu giảm được chi phí vận tải sẽ đóng góp được rất nhiều cho sản xuất kinh doanh và chi phí xã hội”, ông Hùng nói.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ phó Vụ Vận tải, giá cước vận tải hiện nay (trừ một số đường hàng không) vận hành theo cơ chế thị trường, đặc biệt với giá cước đường bộ, DN chỉ thực hiện kê khai giá tại các sở tài chính sau đó được tăng mà không cần cho phép. Cơ quan quản lý không thể bắt ép các DN giảm giá cước. Về phía Bộ cũng đã yêu cầu các sở GTVT phối hợp xem xét giá cước ô tô, đề nghị các DN giảm giá cước.

Anh em sợ không dám đến

Lý giải cho sự vắng mặt của các DN vận tải đường bộ tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN nói: “Tiếc là các DN vận tải được mời không dám đến, hay không muốn đến. Các DN năm nay “được mùa” kiểm tra, nên anh em có thể sợ không dám đến mà đang chuẩn bị cho đợt kiểm tra giá sắp tới”. Ông Thanh cũng có phần trình bày rất dài nêu lại những khó khăn của DN vận tải khi giá xăng tăng nhanh, tăng mạnh. “Nhiều câu hỏi làm chúng tôi đau lòng, mấy năm vừa rồi nhiên liệu tăng vù vù, không ai chia sẻ với chúng tôi có khó khăn không, chả ai nói tôi phải chỉ đạo tăng giá cước. Khi còn đương chức, tôi ký một văn bản đề nghị các DN tăng cước 4 - 5% bị kỷ luật ngay”, ông Thanh nói và biện minh thêm: “Giá xăng dầu giảm, người dân không chấp nhận giá cước vận tải cứ lừng khừng, tôi nói anh em giảm giá, nhưng DN lại lo giảm rồi giá xăng tăng lên”.

Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng, giá xăng giảm bình quân 1,1%/tháng, dầu diesel giảm 1,5%/tháng, phân tích cho thấy với tỷ lệ giảm giá như trên giá cước vận tải đường bộ đã có thể giảm từ 5,6 - 8%.

Hàng không, đường thủy, đường sắt giảm mạnh

Trong khi giá cước vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng lớn im ắng hoặc chỉ giảm rất nhẹ sau khi các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu, thì giá cước hàng không, đường thủy, đường sắt đều đang giảm mạnh. Theo Vụ Vận tải, giá cước vận tải đường sắt tương đối thấp, đặc biệt tuyến cự ly dài, tuyến Hà Nội - Sài Gòn khoảng 1 triệu đồng/tấn hàng bằng 50% giá cước vận chuyển container và 33% giá cước hàng rời bằng đường bộ. Giá cước vận tải đường thủy theo giá thị trường nhưng rất thấp, một số DN phải tính dưới mức giá thành để cạnh tranh với các phương thức khác. Ông Trần Hữu Luận, Phó tổng giám đốc Tổng công ty vận tải thủy cho biết, giá nhiên liệu trước đây chiếm 30% giá cước, nhưng nhờ đầu tư thay mới máy móc nên chỉ còn chiếm 16 - 17%, giúp DN này ít chịu ảnh hưởng của biến động giá nhiên liệu. Thời điểm tăng cước gần đây nhất của DN là cách đây 3 năm.

Mai Hà

>> Lập 3 đoàn kiểm tra giá cước vận tải và giá sữa
>> Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương giảm giá cước vận tải
>> Đắt như cước vận tải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.