Hành lang chặt chẽ

13/11/2014 05:20 GMT+7

Báo cáo tổng kết 15 năm thi hành luật Báo chí , Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, việc thi hành luật Báo chí vẫn còn những hạn chế, trong đó có tình trạng một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí.

Mặc dù hành vi cản trở tác nghiệp báo chí đã xử lý nghiêm nhưng cũng có nhiều trường hợp việc xử lý chưa thỏa đáng nên gây bất bình trong dư luận.

Đánh giá này của Bộ TT-TT khá tương đồng với kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Mà theo ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban là: "Có những cơ quan đơn vị không cung cấp thông tin cho báo chí, thực hiện quy chế người phát ngôn chưa nghiêm, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động chưa tốt. Thậm chí có cá nhân tổ chức đơn vị xúc phạm nhân phẩm, thân thể nhà báo, thu giữ, hủy hoại phương tiện hành nghề của nhà báo".

Trên thực tế, câu chuyện báo chí bị cản trở trong quá trình tác nghiệp đã càng đáng quan tâm trong những năm gần đây. Kết quả giám sát kể trên của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho thấy tình trạng lơ là cung cấp, phản hồi thông tin báo chí: năm 2013 chỉ khoảng 30% tổng số đơn thư do Đài truyền hình TP.HCM chuyển đi được các cơ quan chức năng xử lý, của Báo Thanh Niên là 27,8%, Báo Pháp luật TP.HCM là 25%, Báo Tuổi Trẻ là 22%.

Nguyên nhân của tình trạng “im lặng là vàng” này, theo Bộ TT-TT, là do một phần cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền chưa nắm rõ được trách nhiệm của việc xử lý kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo quy định trong luật Báo chí. Mặt khác do quy định về trách nhiệm trả lời báo chí trong các văn bản luật còn chung chung, chưa quy định chế tài xử lý khi các cơ quan không thực hiện theo quy định.

Việc xây dựng luật Báo chí mới lần này là một cơ hội lớn để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho các hoạt động của báo chí.

Vấn đề luật hóa thế nào để hạn chế, chấm dứt các hành động cản trở báo chí, đảm bảo hoạt động cung cấp thông tin và trả lời trên báo chí cần được đề cập nhiều hơn, cụ thể hơn. Bởi, báo chí được tạo điều kiện hoạt động đúng pháp luật sẽ là điều kiện quan trọng quyết định thành công của các kênh phản biện xã hội.

Trường Sơn

>> Dự thảo Pháp lệnh của tòa vi phạm luật Báo chí
>> Thực tiễn đòi hỏi Luật Báo chí phải sửa đổi
>> Báo Thanh Niên đóng góp ý kiến cho dự án Luật Báo chí (sửa đổi)
>> Trước khi Quốc hội thông qua dự thảo sửa đổi Luật Báo chí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.