Chây ì để móc túi

12/11/2014 09:00 GMT+7

Sau 9 lần xăng giảm giá, người tiêu dùng ngày càng trở nên phẫn nộ khi giá cước vận tải, giá hàng hóa tiêu dùng cố tình dùng dằng hoặc chỉ giảm tượng trưng.


Người tiêu dùng đang bị móc túi - Ảnh: Ngọc Thắng

Đến cuối giờ sáng mà nhiều lô sạp ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hàng hóa vẫn còn khá nhiều và hầu hết giá cả vẫn được giữ nguyên như cũ. Cô Mai, bán thịt heo ở chợ này phân bua: “Tôi lấy hàng từ các lò mổ và tới giờ này giá thịt chưa giảm. Tôi có hỏi thì họ bảo là do giá xăng giảm không đáng kể nên chưa thể giảm giá được. Nhiều người mua hàng cũng thắc mắc nhưng mình lấy giá cao thì bán cao, giá thấp thì bán thấp, mỗi ký thịt chỉ lời vài ngàn đồng, tôi không thể tự mình giảm giá được", cô Mai phân trần.

Ở hàng đồ khô, chị Thủy thừa nhận: “Giá cả vẫn ổn định, không tăng mà cũng chưa giảm. Có lẽ vì vậy mà sức mua cũng còn chậm”.

Chỉ mới vài doanh nghiệp vận tải “thông báo” giảm giá cước

 

Nếu là hàng hóa bình thường thì người tiêu dùng có thể tẩy chay, nhưng là các mặt hàng thiết yếu, cước vận tải, giá sữa thì không thể. Vấn đề ở chỗ, các cơ quan quản lý phải vào cuộc và có biện pháp mạnh tay hơn để giải quyết

Ông Vương Ngọc Tuấn,
Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng

Ông Đào Sỹ Long, Phó ban Quản lý chợ Tân Định (TP.HCM) cho biết: “Một số mặt hàng thiết yếu như thịt, trứng gia cầm thuộc hệ thống bán hàng bình ổn có giảm theo chỉ đạo chung, còn các mặt hàng tiêu dùng và một số mặt hàng khác vẫn bình ổn vì bà con tiểu thương vẫn còn hàng cũ với giá cao, khi nào họ lấy được hàng giá thấp sẽ giảm giá bán để cạnh tranh với các chợ khác. Mặt khác, bà con tiểu thương ở đây cho biết giá cả cước phí vận tải chưa giảm nên giá cả đầu vào cũng còn cao, do vậy chưa thể giảm giá bán ngay được”.

Đặc biệt, giá sữa trên thị trường không xê dịch bất chấp giá xăng giảm mạnh, giá nguyên liệu sữa nhập khẩu cũng xuống thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Trả lời về vấn đề này, đại diện Công ty sữa Vinamilk giải thích: “Giá một số mặt hàng nguyên liệu sữa trên thế giới đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng 11.2014 thì việc giảm giá bán không thể áp dụng ngay, do Vinamilk đã ký mua nguyên liệu sản xuất cho cả năm. Ngoài ra, thay vì giảm giá, Vinamilk đã tăng cường các hoạt động bán hàng, khuyến mãi trực tiếp cho người tiêu dùng, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ thị phần”.

PV Thanh Niên cũng đã gửi câu hỏi đến các công ty sữa ngoại khác như Abbott, Nestlé... nhưng các doanh nghiệp này đều im lặng không trả lời.

Đối với giá cước vận tải, các hãng taxi như Vinasun, Sasco đã làm các thủ tục để từ ngày 14.11 bắt đầu giảm giá cước với mức giảm 500 đồng/km, việc lập trình toàn bộ xe taxi của hãng theo giá cước mới hoàn tất trong vòng 10 ngày. Tập đoàn Mai Linh cũng thông báo từ ngày 14.11 giảm giá cước taxi với mức giảm 500 - 2.000 đồng/km tùy từng khu vực và từng loại xe. Đại diện hãng taxi Hoàng Long và một số hãng quy mô nhỏ cho biết cũng đang tính toán giảm giá cước nhưng mức giảm chưa thể công bố vì đang chờ "các ông lớn" giảm trước.

Trong lĩnh vực vận tải hành khách đường dài, theo ông Thượng Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Đông, tính đến ngày 10.11 chỉ mới có 5 - 7/230 doanh nghiệp vận tải thông báo giảm giá cước, mức giảm chỉ 5 - 7%.

Nhà nước phải vào cuộc can thiệp

 

Kê khai giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi

Từ ngày 30.11, theo quy định tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC và Công văn số 6544/BTC-QLG của Bộ Tài chính về áp dụng và hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không phải thực hiện đăng ký giá. Thay vào đó, sẽ chuyển sang thực hiện kê khai giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo Cục Quản lý giá, việc kê khai giá sữa bán buôn và bán lẻ này phải tuyệt đối không cao hơn giá tối đa đã đăng ký tại sở và phòng tài chính quận huyện tại các địa phương.

Ng.Nga

TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Giá sữa, cước vận tải, giá hàng hóa khác giảm ít như thế bởi vì họ vin vào cái cớ xăng giảm nhỏ giọt, lại có độ trễ nên cứ hùa nhau im lặng, phớt lờ rồi bơ đi. Đặc biệt các ông vận tải, cứ chây ì ra để thu lời, còn người dân thì thiệt đơn thiệt kép”.

Điều đáng bàn theo ông Long, đối với các mặt hàng nhà nước vẫn đang quản lý như giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá cước vận tải đường sắt, hàng không... có thể dùng biện pháp kinh tế, bình ổn cung - cầu và hành chính. “Trong bối cảnh mà dư luận tràn ngập bức xúc, giá cả rõ ràng không chịu giảm theo giá xăng thì nhà nước phải vào cuộc can thiệp bằng biện pháp hành chính. Phải kiểm tra, thanh tra và ép doanh nghiệp giảm giá chứ không thể cứ hô hào yêu cầu, đề nghị được”, TS Long đề nghị.

Riêng đối với cước vận tải, ông Long đề nghị, ít nhất phải buộc các doanh nghiệp này giảm giá xuống bằng mức chi phí đầu vào 40 - 50% mức giảm của xăng dầu thời gian qua. “Chúng ta không bắt phải giảm bằng mức giá xăng dầu nhưng chí ít phải bằng chi phí đầu vào. Trong hoàn cảnh như vậy, sự bất hợp lý đã rõ, cung - cầu thị trường bị phá vỡ thì cơ quan chức năng phải vào cuộc. Người dân cần nhà nước là ở lúc này chứ còn lúc nào nữa”, TS Long nói.

Về vấn đề này ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nói: “Chúng tôi cũng đang quyết định thành lập các đoàn kiểm tra về từng địa phương, cơ sở. Nhưng vì còn phải trình cấp trên ra quyết định nên chưa tiện thông báo ra dư luận ngay. Trước mắt tập trung vào hai mặt hàng chính là cước vận tải và giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi. Khi xác định được chi phí đầu vào giảm mà doanh nghiệp không chịu giảm chúng tôi sẽ buộc họ phải giảm giá và có hình thức xử lý thích đáng”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng nếu là hàng hóa bình thường thì người tiêu dùng có thể tẩy chay, nhưng là các mặt hàng thiết yếu, cước vận tải, giá sữa thì không thể. Vấn đề ở chỗ, các cơ quan quản lý phải vào cuộc và có biện pháp mạnh tay hơn để giải quyết. Trong vài ngày tới hội sẽ chính thức có văn bản gửi tới các cơ quan chức năng, đề nghị phải có giải pháp thích đáng bảo vệ người tiêu dùng.

“Khi sự việc xảy ra, người ta không thấy bộ nào, ngành nào chỉ khi dư luận lên tiếng, việc đã xong rồi mới vào cuộc. Vấn đề chây ì giảm giá vẫn là móc túi người tiêu dùng. Mà khổ nhất là người nghèo, người lao động khi bị móc túi, họ bị móc bằng các kiểu khác nhau”, ông Tuấn bức xúc nói.

A.Vũ - Q.Thuần - C.Nhân - Đ.Mười

>> Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương giảm giá cước vận tải
>> Đắt như cước vận tải
>> EVN, Petrolimex đều lãi lớn nhờ tăng giá
>> Tăng giá cước 3G: Bắt tay ép người tiêu dùng
>> Hai hãng taxi tăng giá cước
>> Các hãng tàu đồng loạt tăng giá cước 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.