Sống sót ở độ cao hơn 15.000m

11/11/2014 09:30 GMT+7

Khi bị đẩy đến ranh giới sống chết, con người có thể tạo nên điều kỳ diệu, và đó là trường hợp của phi công trên tàu không gian SpaceShipTwo vừa nổ tung ở độ cao 18.300 m.

Sống sót ở độ cao hơn 15.000 m 1
Mảnh vụn còn lại của SpaceShipTwo - Ảnh: Reuters

Chiếc máy bay xấu số của hãng Virgin Galactic vào ngày 31.10 vừa vượt bức tường âm thanh và phóng thẳng lên trời ở vận tốc 1.470 km/giờ (Mach 1,2) thì bắt đầu phân rã, bị xé toạc bởi các lực khí động mạnh mẽ. Các phi công bị trói chặt vào ghế điều khiển trong cái xác tơi tả của chiếc SpaceShipTwo. Ở độ cao hơn 15.000 m, với những ngón tay tê cóng vì lạnh, Peter Siebold (43 tuổi) bằng cách nào đó đã xoay xở để thoát khỏi nấm mồ đang bay. Sau hơn 1 tuần dưỡng thương, Siebold đã xuất viện và bắt đầu kể lại câu chuyện của mình.

Theo Reuters, ông Siebold, phi công từng điều khiển các máy bay không gian của Virgin Galactic trong cả thập niên, đã buộc phải dựa vào kinh nghiệm và bản năng mới có thể sống sót. Ông được trang bị dù nhưng không có bộ đồ không gian chuyên dụng cần thiết để bảo vệ cơ thể trong điều kiện khủng khiếp khi lao xuống trái đất với tốc độ như một viên đạn lao khỏi nòng. Ở độ cao gần gấp đôi đỉnh Everest, không khí mỏng đến mức nguy hiểm và nhiệt độ vào khoảng âm 48 độ C. Siebold kể lại mình đã bị ngất đi cho đến khi dù tự bung ở độ cao 6.096 m thì tỉnh lại và đáp lên sa mạc Mojave trong tình trạng bả vai bị va đập mạnh. Và trên hết, ông vẫn còn sống sót. “Việc ông ấy sống sót sau cú nhảy từ độ cao 15.240 m quả là vô cùng ấn tượng”, theo phi công lành nghề Paul Tackabury, từng nằm trong Ban Giám đốc hãng Scaled Composites trước khi sáp nhập vào Northrop Grumman Corp.

Sống sót ở độ cao hơn 15.000 m 2
Phi công Peter Siebold

Phi công bay chung tên Michael Alsbury (39 tuổi) không có được kinh nghiệm và vận may như Siebold và đã chết trên ghế lái. Theo thống kê, vào thế kỷ qua đã có hàng trăm phi công lái thử như Alsbury thiệt mạng trong lúc thi hành nhiệm vụ. Căn cứ không quân Edwards, nơi một số máy bay bí mật nhất của Mỹ được thử nghiệm, đã được đặt tên theo đại tá Glen Edwards, người tử nạn trên máy bay vào năm 1948. Siebold đã gia nhập hàng ngũ những cú nhảy để đời của các phi công lái máy bay thử nghiệm, những người đã đánh cược với thần chết bằng kỹ năng, niềm tin và trên hết là may mắn của chính họ, theo New York Daily News.

Có lẽ không người nào biết rõ những gì mà phi công Siebold đã trải qua bằng Bob Hoover, phi công lái thử 92 tuổi, từng 5 lần thoát chết trong các vụ tai nạn máy bay. Vào tháng 10.1947, ông bật khỏi ghế trên một trong những chiến đấu cơ đầu tiên của thế giới là Republic F-84, trúng phải phần đuôi đang bay với vận tốc 800 km/giờ khiến cả hai chân đều gãy và mặt nát bấy. Vài năm sau, ông bị mắc kẹt trong chiếc F-100 Super Sabre lao thẳng xuống sa mạc, nảy lên cao 60 m trước khi đập mạnh một lần nữa. Kết quả là Hoover bị gãy lưng, và đội cứu hộ phải chẻ nát máy bay mới lôi được ông này ra ngoài. Tuy nhiên, viên phi công can trường vẫn tiếp tục sự nghiệp của mình và khi về hưu đã bay trên 300 loại máy bay khác nhau. Vậy mà ông cũng phải thừa nhận Siebold đã thoát chết một cách phi thường!

Hạo Nhiên

>> Tàu du lịch vũ trụ SpaceShipTwo nổ khi bay thử
>> Phi thuyền SpaceShipTwo đạt độ cao 21.640 m
>> SpaceShipTwo lập kỷ lục mới về độ cao
>> Tàu vũ trụ SpaceShipTwo thử nghiệm hiệu suất tên lửa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.