Ngành vận tải đáng xấu hổ

10/11/2014 04:49 GMT+7

Điều đó để nói về việc các hãng vận tải chây ì, cố giữ nguyên giá cước dù xăng đã giảm giá đến 9 lần, tương đương gần 17% trong vòng 3 tháng qua. Các hãng taxi thì lấy lý do “khó khăn điều chỉnh đồng hồ cước”; các hãng vận tải thì viện cớ "chờ độ trễ", đã ký hợp đồng vận chuyển từ trước... để trốn giảm giá.

Đáng nói là những lý do này không hề được nhắc đến khi tăng giá. Họ từng nhanh chóng tăng giá, chẳng cần "độ trễ" hay gặp khó khăn gì. Thật đáng xấu hổ cho các doanh nghiệp này khi ngay cả các tiểu thương bán rau, thịt ngoài chợ cũng đã thể hiện sự sòng phẳng bằng việc chính thức giảm giá sau khi xăng giảm gần 1.000 đồng/lít vào cuối tuần qua. Cũng thật đáng xấu hổ cho sự chây ì của các doanh nghiệp này khi đến các cơ quan có thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cũng đã phải lên tiếng yêu cầu xem xét giảm giá... Ấy vậy mà đến nay, cước vận tải hầu như vẫn được giữ nguyên, một số hãng taxi thì giảm cho có, không tương xứng với mức giảm của nhiên liệu đầu vào.

Nếu chứng kiến sự hân hoan, “hò” nhau đi mua khi xăng giảm giá của hàng trăm, hàng ngàn người dân sẽ thấy, sự chây ì giảm giá cước của các hãng vận tải đang làm ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu kích cầu sức mua mà Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực. Nếu chứng kiến niềm vui "nhỏ nhoi" của hàng triệu bà nội trợ khi bớt được vài ngàn đồng từ việc giá thịt, rau điều chỉnh theo xăng sẽ thấy, sự im lặng có chủ ý của giá cước có thể đem lại món lợi cho các hãng vận tải nhưng thiệt hại thì cả nền kinh tế phải gánh chịu. Chúng ta đã "nhìn" thấy suốt mấy tháng qua, mỗi lần xăng dầu giảm giá, người dân đều có tâm lý ngóng chờ giá hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, dịch vụ... sẽ giảm theo, để có điều kiện "nới" hầu bao trong chi tiêu hằng ngày. Nhưng do giá cước giữ nguyên nên mặt bằng giá cả trên thị trường cũng đứng im. Cộng với tâm lý thất vọng với cách hành xử thiếu sòng phẳng của ngành vận tải, người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu, sức mua yếu vẫn hoàn yếu.

Xăng dầu chiếm từ 40 - 50% chi phí cấu thành cước vận tải. Từ đầu năm tới nay, giá xăng RON 92 đã giảm tới 9 lần với tổng là 4.250 đồng/lít, kéo giá xăng đã rơi xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Riêng giá dầu diesel đã giảm tới 15 lần với tổng 3.580 đồng/lít; dầu hỏa cũng giảm 12 lần với tổng mức giảm là 3.250 đồng/lít... nên bất luận các hãng vận tải ngụy biện thế nào, việc im lặng của họ thực sự đáng xấu hổ.

Nếu cước vận tải giảm sòng phẳng, nếu xăng dầu giảm tương ứng với mức giảm của giá thế giới, nếu các doanh nghiệp thực sự sòng phẳng với người tiêu dùng... chắc chắn đã tạo cơ sở thuận lợi để giảm giá thành hàng hóa - dịch vụ, kích thích sức mua, tháo tồn kho, tạo đà cho sản xuất thoát khỏi sự trì trệ hiện tại. Chỉ tiếc rằng ngành nào cũng tìm cách tối đa hóa lợi nhuận cho riêng mình, bất chấp cái lợi chung của cả nền kinh tế...

Với kiểu kinh doanh này, có lẽ giải pháp cuối cùng vẫn phải là các bộ, ngành có thẩm quyền phải vào cuộc để đòi lại công bằng cho người tiêu dùng đang chịu thiệt thòi từ sự im lặng đáng xấu hổ này.

Nguyên Khanh

>> Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương giảm giá cước vận tải
>> Cần có giải pháp giảm giá cước
>> Làm ngơ chuyện giảm giá cước
>> Xăng giảm giá, cước taxi chưa giảm
>> Giảm giá cước taxi, bao giờ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.