Mất mạng vì độc dược

10/11/2014 09:00 GMT+7

Dù nhiều loại cây, lá, hoa, quả là cây thuốc, dược liệu nhưng nếu không biết cách dùng, dùng bừa bãi sẽ nguy hiểm đến tính mạng mà trong thực tế đã xảy ra đến mức quan ngại.

Mất mạng vì độc dược

Mất mạng vì độc dược
Bệnh nhân bị ổ nhiễm trùng do tự đắp lá không rõ loại (ảnh trên), và bệnh nhân bị dị ứng nặng do tự dùng lá không rõ loại (ảnh dưới) - Ảnh: Thúy Anh - Ngọc Thắng

Đầu tháng 11.2014, do bị viêm xoang, anh N.Đ.T (38 tuổi, ngụ H.Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) được một người hàng xóm bày cách chữa trị bằng quả cà độc dược thái mỏng, phơi khô rồi đem đốt lên để xông khói vào mũi.

 

Cách giải độc

Theo lương y Vũ Quốc Trung, khi bị trúng độc do dùng cây, lá, kể cả cây, lá không rõ loại thì cần làm các động tác gây nôn ói, uống nhiều nước, uống than hoạt tính (nếu có) - nhằm làm giảm, làm loãng độc chất, rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Suýt chết vì cà độc dược

Anh T. làm theo cách mách đó nhưng vì sau mấy ngày làm như vậy thấy bệnh không thuyên giảm, nôn nóng, anh đã lấy quả cà độc dược đem nấu lấy nước uống, do anh nghĩ rằng làm như thế bệnh sẽ mau khỏi hơn. Sau khi uống nước cà độc dược, anh T. bị trúng độc - toàn thân nóng bừng, vật vã, hoa mắt, rồi mê man... Người nhà lập tức đưa anh đến bệnh viện huyện, thấy nguy hiểm, bệnh viện huyện phải chuyển anh T. đến bệnh viện tuyến tỉnh để cấp cứu. Bác sĩ Vũ Ngọc Lân, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, chống độc (Bệnh viện đa khoa Nghệ An), cho biết: “Anh T. nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bị kích thích mạnh, vật vã, mắc hội chứng cường giao cảm, da toàn thân nóng, đỏ, đồng tử giãn và mất ý thức hoàn toàn. Khi tiếp nhận, chúng tôi cho truyền nước, dùng các loại thuốc giải độc, bơm than hoạt tính vào dạ dày để giải độc. Sau hơn 4 giờ cấp cứu, nạn nhân mới qua cơn nguy kịch, rất may mắn, nếu trễ có nguy cơ tử vong”. Theo bác sĩ Vũ Ngọc Lân, trong quả cà độc dược có chứa atropine, scopolamine và hyoscyamine, là những chất có khả năng gây ảo giác và làm liệt cơ. Các chất này làm gián đoạn hoạt động của hệ thần kinh đối giao cảm.

Cuối tháng 7 vừa qua, 6 người ở xã Sơn Long, huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) cũng suýt mất mạng vì ăn cà độc dược. Những người này hái lá của cây cà độc dược về nấu ăn, và cả 6 người đều bị trúng độc - với triệu chứng nôn ói, da đỏ bừng, rối loạn thần kinh. Rất may, họ đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, và sau 2 ngày điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, 6 người được cứu sống. Bà Đinh Thị Xiêm (60 tuổi) - một trong 6 người bị trúng độc cà độc dược, cho biết: “Lâu nay cứ nghĩ lá của cây cà độc dược giống như một loại rau xanh nên hái về nấu ăn. Ai ngờ, ăn xong ai cũng bị nôn thốc, nôn tháo…”.

Theo lương y Vũ Quốc Trung (hội viên Hội Đông y VN): “Cà độc dược là một dược liệu thuộc nhóm độc bảng A. Loại cây này thường mọc hoang ở các tỉnh phía bắc. Cà độc dược giống cây cà chua, nhưng thân có gai, quả giống quả cà pháo nhưng nhỏ hơn và có màu vàng cam. Người ta thường dùng cà độc dược phơi khô đốt để xông chữa hen phế quản, hen suyễn. Nhưng, vì thuộc nhóm độc bảng A, nên việc sử dụng phải có chuyên môn, nếu không rất nguy hiểm, có thể tử vong”.

Mất mạng vì độc dược
Quả cà độc dược - Ảnh: T.L

Chết vì tự đắp thuốc

Giữa tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhi H.T.T.M (13 tuổi, ở tỉnh An Giang) vào viện trong tình trạng nguy kịch, không còn khả năng chữa trị, và bé đã tử vong chỉ sau một ngày nhập viện. M. nhập viện trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở, suy các tạng phủ... Nguyên nhân do trước đó M. bị rắn cắn, người nhà không đưa em đi bệnh viện, mà dùng lá không rõ loại nhai đắp lên vết cắn. Làm một tuần như vậy thì M. trở nặng - cẳng chân bị rắn cắn bầm tím lan đến đầu gối, có chỗ bị hoại tử da, suy hô hấp. Lúc này người nhà đưa em đi bệnh viện thì đã trễ.

Mới đây, Trung tâm dị ứng  miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nam 42 tuổi từ Sơn La chuyển về trong tình trạng viêm, loét các hốc tự nhiên (niêm mạc mắt, mũi…), bong tróc nhiều phần da trên cơ thể. Bệnh nhân cho hay trước khi nhập viện, anh bị đau dạ dày, khớp nên được người quen chỉ dùng một số lá cây (không rõ loại) để chữa. Trước đó, trung tâm cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.H (37 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng mi mắt, vùng mặt bị sưng phù nề, nổi ban đỏ, ngứa khắp cả người. Đây là hậu quả sau 5 ngày chị H. tự uống lá cây để điều trị đau dạ dày. Qua người khác truyền miệng, chị H. dùng một loại lá cây (không rõ tên) đem đun nước uống hằng ngày. Nguy kịch hơn là bệnh nhân T.T.M (55 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) vào trung tâm trong tình trạng sưng phù và bề mặt da bong tróc toàn thân, bị loét niêm mạc các hốc tự nhiên như mắt, miệng. Đây là trường hợp rất nặng, nguy hiểm tính mạng do bệnh nhân có sẵn bệnh suy thận mãn. Người này cũng tự chữa trị bằng cây lá không rõ tên đem nấu uống.

Dòi làm ổ trên cơ thể

Bác sĩ Bùi Văn Khánh (Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai), cho biết: “Trung tâm thường xuyên tiếp nhận các trường hợp dị ứng do tự ý dùng cây lá không rõ loại để trị các bệnh dạ dày, khớp, thận, gan… Nhiều trường hợp dị ứng rất nặng như nổi ban, phù, viêm gan, suy thận cấp”.

PGS-TS Ngô Văn Toàn (Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) cũng cho biết gần đây bệnh viện này tiếp nhận nhiều trường hợp bị nhiễm trùng, bị các ổ loét lớn, sâu thậm chí có dòi, do bệnh nhân tự đắp lá để trị u, nhọt, gãy xương, viêm khớp. “Với trường hợp bị gãy xương, việc người bệnh tự ý dùng cây lá đắp chữa có thể gây tật do không được nắn chỉnh hoặc phẫu thuật sắp xếp lại phần xương bị trật, gãy; và việc tự đắp lá đó còn có thể gây nhiễm trùng do không đảm bảo vệ sinh, nguy hiểm cho tính mạng”, PGS-TS Ngô Văn Toàn khuyến cáo.

“Thầy lang vườn” bán thuốc bừa gây chết người

Tháng 6 vừa qua, bà H. (ngụ H.Yên Thành, Nghệ An) nhập viện cấp cứu và bị suy thận do uống loại lá cây không rõ tên. Người nhà bà H. kể: “Do bị loãng xương, nên bà đã dùng mấy gói lá cây phơi khô, gọi là thuốc nam mua từ một thầy lang để chữa bệnh. Bà H. nấu uống khoảng một tháng thì không những bệnh không giảm mà phải vào viện”. Bác sĩ xác định bà H. bị suy thận độ 3, nghi ngờ thủ phạm là do dùng loại thuốc nam không rõ loại.

Nguy hiểm hơn, tại tỉnh Quảng Ngãi, liên tiếp trong tháng 9 và 10 vừa qua, có 1 người tử vong và 4 người phải nhập viện do dùng cây lá gọi là thuốc nam không rõ nguồn gốc của các “thầy lang vườn”. Bà L.T.K.H (52 tuổi, ở TP.Quảng Ngãi) cho hay do bị thoái hóa cột sống nên ai bày cái gì bà H. cũng uống thử. Đến khi bà dùng cây lá không rõ loại của “thầy lang” tên Vân thì bị trúng độc. Mặc dù không biết đó là cây thuốc gì, có độc tố hay không, nhưng bà mua luôn 10 thang, cộng với thuốc bôi ngoài da, miếng dán, cao động vật, với tổng số tiền 700.000 đồng. Uống đến 10 thang, thì bà H. bị tức ngực, khó thở, sốt. Qua xét nghiệm ở bệnh viện cho thấy bà H. bị men gan tăng cao, có thời điểm gấp gần 10 lần bình thường! Qua kiểm tra của Sở Y tế Quảng Ngãi cho thấy hai “thầy lang vườn” Đỗ Văn Vân và Phạm Nên đều không có chuyên môn, bằng cấp gì.

Thanh Niên

>> Suýt mất mạng vì uống nước cà độc dược để trị viêm xoang
>> Suýt mất mạng vì ăn cà độc dược
>> Ghê sợ loại độc dược "Hơi thở của quỷ
>> Ăn cà độc dược, 4 người nhập viện cấp cứu
>> “Đông dược” hay độc dược ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.