Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống tội phạm

10/11/2014 08:40 GMT+7

Cụm thi đua số 9 (Bộ Công an gồm các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và Đồng Tháp) vừa tổ chức sơ kết những mô hình phòng ngừa tội phạm hiệu quả.

Đại diện các mô hình điển hình giao lưu tại Bình Dương
Đại diện các mô hình điển hình giao lưu tại Bình Dương - Ảnh: Đỗ Trường

Tại buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, học tập các mô hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì an ninh tổ quốc” năm 2014 diễn ra tại Công an tỉnh Bình Dương, các tỉnh thành đã giới thiệu nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Đua xe chết, không được chôn cất đất giáo xứ

Một trong những cách làm hiệu quả để giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) là mô hình của xã Phước Tỉnh (H.Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ông Nguyễn Thành Tuynh, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Phước Tỉnh cho biết, trên địa bàn xã có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo. Người dân xã Phước Tỉnh sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản.

Tuy nhiên, những vấn đề về tệ nạn xã hội như đua xe, tai nạn giao thông trên địa bàn xã diễn biết rất phức tạp. Để vận động bà con giáo dân bài trừ tệ nạn xã hội, ma túy… MTTQ VN xã cùng với chính quyền, công an phối hợp với các nhà thờ, giáo xứ đưa việc tuyên truyền vào trong những buổi sinh hoạt tôn giáo. Ông Tuynh nói: “Để cho đồng bào giáo dân nghiêm túc thực hiện, chúng tôi cùng với giáo xứ đưa ra những quy tắc để cho những gia đình có người vướng vào tệ nạn xã hội phải tuân thủ”. Cụ thể, ông Tuynh cho biết nếu gia đình nào để con em, người thân tổ chức đua xe dẫn đến tai nạn giao thông chết người thì giáo xứ sẽ không cho chôn cất người đó trong nghĩa trang của giáo xứ….

Cùng có cách làm hay trong việc vận động đồng bào có đạo đảm bảo tốt ANTT cũng phải kể đến mô hình “Xóm đạo an toàn” ở khu phố 2 (thị trấn Châu Thành, H.Châu Thành, Tây Ninh). Ông Trần Kim Quy, Tổ trưởng Ban điều hành “Xóm đạo an toàn” ở khu phố 2 cho biết bên cạnh việc đặt ra những quy tắc để bà con giáo dân thực hiện thì việc vận động những người có uy tín trong gia đình, sống tốt đời, đẹp đạo để cho con cháu noi theo, cũng là một cách làm hay.

Tấn công tội phạm, giúp người lầm lỡ

Đó là những mô hình hay ở Đồng Nai, Bình Dương và Bến Tre. Một mô hình tấn công tội phạm hiệu quả được tổ chức bằng Đội xung kích tự quản ở ấp Tân Định (xã Tân Thủy, H.Ba Tri, Bến Tre). Đội xung kích ở đây được tổ chức từ 20-30 dân tình nguyện, ban ngày thì đi làm, ban đêm thì tham gia các hoạt động tuần tra, mật phục để bắt trộm, giúp cho xóm ấp bình yên. Cùng tổ chức Đội xung kích tình nguyện như ở Bến Tre là mô hình Công nhân xung kích bảo vệ nhà máy ở công ty TNHH MTV may mặc Bình Dương. Ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc nhân sự cho biết công ty đã hoạt động được 25 năm nhưng đến nay chưa một lần xảy ra đình công, lãn công. Mặc khác, trong đợt công nhân gây rối xảy ra ở Bình Dương tháng 5.2014, nhờ có đội ngũ công nhân xung kích cùng với Ban chấp hành công đoàn của công ty đã bảo vệ an toàn nhà máy không bị đập phá.

Ngoài ra, các mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” của Công an xã Khánh Hưng (H.Vĩnh Hưng, Long An); gắn bảng điện thoại của công an nơi công cộng của Công an phường 2 (TP.Sa Đéc, Đồng Tháp)… cũng đem lại những hiệu quả lớn trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Bên cạnh công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, Công an tỉnh Đồng Nai có một mô hình giúp người phạm tội sau khi ra tù có công ăn việc làm ổn định, cũng là một biện pháp làm giảm tội phạm hiệu quả. Thượng tá Bùi Vi Về, Phó trưởng phòng Xây dựng phong trào (Công an tỉnh Đồng Nai) cho biết ở Đồng Nai đã xây dựng được “Quỹ doanh nhân với ANTT” quyên góp được trên 13 tỉ đồng để cho người phạm tội sau khi ra tù vay vốn làm ăn. Quỹ này đã giải ngân được 12 tỉ đồng cho trên 534 người vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống.

Đỗ Trường

>> Báo chí góp phần phòng ngừa tội phạm
>> Mạnh tay trấn áp tội phạm
>> Ra quân trấn áp tội phạm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.