Đề xuất kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng

03/11/2014 16:02 GMT+7

(TNO) Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng. Độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

>> Hơn 100 đảng viên trẻ lên đường nhập ngũ
>> Gần 9.000 thanh niên lên đường nhập ngũ
>> Hơn 2.000 thanh niên TP.HCM lên đường nhập ngũ
>> Nghĩa vụ quân sự không nhất thiết phải nhập ngũ

Đây là những nội dung mới của dự luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) được Chính phủ trình ra Quốc hội hôm nay (3.11).

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, việc thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ 24 tháng để bảo đảm đủ thời gian huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Việc kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ cũng nhằm giảm mức độ tổn thất về con người và vũ khí, trang bị khi tác chiến xảy ra; nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở và giảm chi phí ngân sách, thời gian huấn luyện quân nhân dự bị.

Bộ trưởng Thanh cho rằng, luật hiện hành quy định hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau (18 tháng và 24 tháng) là chưa thật sự công bằng, ảnh hưởng đến tư tưởng của hạ sĩ quan và binh sĩ, nhất là đối với đối tượng phục vụ tại ngũ 24 tháng.

Bên cạnh đó việc có hai thời hạn khiến hằng năm phải tổ chức tuyển quân, xuất ngũ hai đợt, gây tốn kém về vật chất và thời gian của các địa phương.

 De-xuat-keo-dai-thoi-gian-tai-ngu-len-24-thang
Thanh niên Quy Nhơn trước giờ lên đường thực hiện nghĩa vụ - Ảnh: Hoàng Trọng

Cũng theo Bộ trưởng Thanh, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân đội còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác do Đảng và Nhà nước giao như: cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh thiên tai, khắc phục hậu quả chiến tranh, công tác dân vận... đã chiếm một phần đáng kể thời gian huấn luyện của bộ đội.

“Nếu thực hiện thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng như hiện nay chưa đủ thời gian cần thiết để nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của quân đội trong thời bình và sẵn sàng động viên trong thời chiến”, Bộ trưởng Thanh nói.

Dự luật cũng bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Lý giải cho quy định này, Bộ trưởng Thanh cho biết luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi nên hằng năm tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên được gọi nhập ngũ vào quân đội thấp. Mặt khác, số công dân được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ để học đại học, sau khi tốt nghiệp phần lớn đã hết độ tuổi gọi nhập ngũ.

Liên quan tới đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, Bộ trưởng Thanh cho biết luật hiện hành quy định tạm hoãn đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục là quá rộng, chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ.

Điều này đã gây ra khó khăn trong quá trình gọi nhập ngũ, đồng thời việc gọi công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học vào phục vụ tại ngũ không nhiều.

Bên cạnh đó một số công dân đã lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Luật hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn đối với công dân: “Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu” đến nay không phù hợp với thực tiễn.

Vì những lý do này, Bộ trưởng Thanh cho biết dự luật quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân “Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu”.

Đồng thời, để bảo đảm chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, dự luật bổ sung quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với một con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.