Tái cơ cấu kinh tế chậm, chưa rõ nét

01/11/2014 13:05 GMT+7

(TNO) Thảo luận tại hội trường sáng nay 1.11, nhiều các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá tái cơ cấu còn chậm và chưa có định hình rõ nét.

 
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế - Ảnh: Ngọc Thắng

Cắt giảm 1.550 dự án, sắp xếp lại 272 doanh nghiệp nhà nước

Mở đầu phiên họp, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH, đã trình bày Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng (NH) (giai đoạn 2011-2015).

Theo báo cáo, ba năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế (2011-2014), đã đạt được kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực với việc duy trì tốc độ tăng trưởng và thu nhập bình quân đầu người tăng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng.

Về tái cơ cấu đầu tư công, QH đánh giá vốn đầu tư khu vực Nhà nước vẫn giữ tỉ trọng cao trong tổng đầu tư xã hội, giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng của nước ta.

Thời gian qua, phân bổ ngân sách nhà nước đã tập trung hơn, ưu tiên cho dự án quan trọng, cấp bách và cắt giảm các dự án thiếu hiệu quả. Cụ thể, trong ba năm (2011-2014), có 1.550 dự án bị cắt giảm. Năm 2012, đã cắt giảm 1.288 dự án, năm 2013 cắt giảm 220 dự án, năm 2014 cắt giảm 42 dự án.

Song song đó, có 272 DNNN được tái cơ cấu, sắp xếp lại. Giai đoạn năm 2011-2013 cả nước sắp xếp 180 DN, trong đó cổ phần hóa 99 DN; trong 9 tháng của năm 2014, sắp xếp 92 DN, trong đó cổ phần hóa 71 DN. Theo kế hoạch đến cuối năm 2014 sẽ có 200 DN được cổ phần hóa.

Trong giai đoạn 2011-2013, đã thoái vốn được 3.940 tỉ đồng và 7 tháng của năm 2014 đã thoái vốn 2.975 tỉ đồng.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã cơ cấu lại 8/9 NH yếu kém.

 
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đánh giá tiến độ thực hiện tái cơ cấu kinh tế còn chậm - Ảnh: Ngọc Thắng

Tuy nhiên, báo cáo của QH đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của nước ta ước thực hiện bình quân 5 năm (2011-2015) đạt 5,78%, không đạt mục tiêu QH đề ra (6,5-7%). Mặt khác, xuất siêu thiếu bền vững vì có yếu tố DN trong nước gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên giảm nhập khẩu. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế giảm, năng suất lao động thấp và còn chưa đáp ứng được yêu cầu số lượng, chất lượng.

Mặt khác, hiện bội chi ngân sách vẫn ở mức cao, chỉ số nghĩa vụ trả nợ công vượt mức 25% so tổng thu ngân sách năm 2014. Đầu tư vào công nghệ, những ngành có khả năng dẫn dắt chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại chưa đáp ứng nhu cầu. Đầu tư dàn trải, chưa đúng tiến độ, chất lượng công trình thấp, không hiệu quả còn chưa được xử lý triệt để.

Tổng số nợ xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ cả nước tính đến ngày 30.6.2014 là 44.594 tỉ đồng, của 18.376 dự án.

Tái cơ cấu còn chậm

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đánh giá, tiến độ thực hiện tái cơ cấu kinh tế, các tập đoàn, DNNN và việc thoái vốn còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, hàm lượng khoa học kỹ thuật trong công nghiệp còn lạc hậu; nông nghiệp thì vẫn sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, manh mún; năng suất lao động thấp.

ĐB Khá nêu thực tế: “Một số DN vẫn còn mang dáng dấp thời bao cấp, thừa thầy thiếu thợ, cắt giảm biên chế thì không biết cắt giảm ai vì đụng đến con anh A, cháu chị B”.

“Khó nhìn nhận, đánh giá, giám sát quá trình tái cơ cấu kinh tế vì mục tiêu tái cơ cấu trong đề án còn chung chung, với lộ trình thực hiện quá dài (từ 2011 đến năm 2020) trong khi đó thiếu sự lượng hóa, mục tiêu, chỉ tiêu cho từng giai đoạn. Đến nay, quá trình tái cơ cấu đã đi được 1/3 đoạn đường nhưng vẫn không thấy rõ những mục tiêu gì đã làm được”, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đánh giá.

Mặc dù ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã được qua 3 năm thực hiện nhưng ĐB Cao Sĩ Kiêm cũng có cùng quan điểm, việc tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ triển khai rất chậm, chưa có đề án cơ cấu nợ công, toàn bộ tái cơ cấu những năm qua chưa gắn với mô hình tăng trưởng.


ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) có ý kiến về việc tái cơ cấu tập đoàn, DNNN - Ảnh: Ngọc Thắng 

Qua đó, ĐB Khá kiến nghị cần tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chức năng làm chủ DN, cái gì xã hội, DN tư nhân làm được thì Nhà nước không làm; tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, DN.

“Việc tái cơ cấu phải thật sự là bình mới và rượu cũng mới”, ĐB Khá đề nghị.

Đồng quan điểm, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng), cũng có ý kiến với việc tái cơ cấu tập đoàn, DNNN thì các bộ ngành dứt khoát phải không còn làm chủ quản DNNN nào, địa phương chỉ chủ quản DN công ích.

Trong khi đó, theo ĐB Hà Đăng Quang (Quảng Bình), luật, chính sách còn chưa hoàn thiện nên thiếu các quy định cụ thể về phân công quản lý và trách nhiệm trong quản lý đầu tư công, chưa phân bổ nguồn đầu tư hợp lý. Trong đó, đầu tư cho nông nghiệp, giáo dục, y tế còn thấp.

Qua đó, ĐB Quang đề nghị, tái cơ cấu đầu tư công cần có tư duy đổi mới mạnh mẽ, huy động vốn từ tư nhân. Nhà nước cần xây dựng cơ chế cụ thể để chuyển dự án đầu tư Nhà nước sang tư nhân, coi phần Nhà nước đã đầu tư là phần góp vốn của Nhà nước.

Đặc biệt, “tái cơ cấu đầu tư công phải tính đến yếu tố vùng miền và ưu tiên lĩnh vực quan trọng, lâu dài. Cụ thể ưu tiên các vùng miền nghèo, khó huy động vốn tư nhân; ưu tiên cho nông nghiệp, y tế, giáo dục và khoa học công nghệ”, ĐB Quang phát biểu.

Chiều nay, các ĐBQH vẫn tiếp tục phát biểu ý kiến thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN và NH.

Nguyên Mi

>> Quốc hội hiến kế giảm chi
>> Chạy trên 'đường ray cũ', kinh tế Việt Nam khó phát triển
>> Tham nhũng nhà công vụ' phải coi là tội danh hình sự
>> Tránh lệ thuộc vào vốn ODA
>> Bộ trưởng Bộ Tài chính: 'Nợ công tiến sát giới hạn cho phép

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.