Những di tích kỳ bí - Kỳ 24: Lỗ Ông Tướng

01/11/2014 09:00 GMT+7

Nhiều người dân ở làng Dõng Hòa (xã Bình Hòa, H.Tây Sơn, Bình Định) vẫn... sợ ma khi đi ngang một ao nước có tên gọi Lỗ Ông Tướng, nhất là vào lúc rạng sáng.

>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 23: Đi tìm kho báu của vua Chăm Pa
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 22: Thu phục cọp trắng, khai sơn dựng chùa
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 21: Mộ Bà Vua trong rừng cấm

Lỗ Ông Tướng, nơi tướng Đặng Xuân Phong tắm ngựa - Ảnh: Hoàng Trọng
Lỗ Ông Tướng, nơi tướng Đặng Xuân Phong tắm ngựa - Ảnh: Hoàng Trọng 

Do sự bồi lấp của sông Côn, người dân ở làng Dõng Hòa kể rằng ngày xưa Lỗ Ông Tướng sâu hàng chục mét, nhưng nay đã bị bồi lấp. Tuy nhiên, nhiều người trong làng cho rằng đây là nơi linh thiêng, thường có những câu chuyện thêu dệt kỳ dị và ai cũng có cảm giác sợ hãi khi đi qua nơi này.

Nhất là vào lúc rạng sáng hay những đêm trăng thanh tịnh, có người thấy một vị tướng mặc áo giáp, cưỡi ngựa đi qua lại Lỗ Ông Tướng. “Ngày xưa, đường từ Dõng Hòa đi Phú Phong (H.Tây Sơn) nằm sát mép sông Côn, phải đi ngang qua Lỗ Ông Tướng nên nhiều người gặp chuyện ma quái. Sau này, đường từ Dõng Hòa đi Phú Phong cũng được thay đổi bằng tuyến khác nên chuyện kỳ dị cũng ít dần”, ông Võ Ngọc Châu (80 tuổi), nhà ở gần Lỗ Ông Tướng, cho biết.

“Hồn thiêng tướng quân thử võ nghệ”

Trong số những câu chuyện liêu trai tại Lỗ Ông Tướng, những người già trong làng Dõng Hòa hay nhắc đến chuyện ông Khách Hai bị hồn thiêng tướng quân thử võ nghệ. Ông Khách Hai vốn là người Trung Quốc sang sinh sống tại làng Dõng Hòa, có võ nghệ vào hàng vô địch trong làng. Bà Khách Hai buôn bán ở chợ Dõng Hòa, phải thường xuyên đi qua Lỗ Ông Tướng vào lúc rạng sáng. Nhưng bà là người rất sợ ma nên ông Khách Hai phải dẫn qua Lỗ Ông Tướng. Một hôm, sau khi dẫn vợ đến chợ rồi trở về, ông Khách Hai đi qua Lỗ Ông Tướng thì thấy một vị tướng dáng người cao to, râu dài, mặc áo giáp đen, cưỡi trên con ngựa màu tía. Ông Khách Hai còn đang lúng túng thì vị tướng kia vung đao đánh. Ông Khách Hai đỡ được vài chiêu thì vị tướng biến mất. Về nhà, ông Khách Hai xem lại thì thấy hai cánh tay bị bầm mấy chỗ.

Ông Trần Sanh Quý (78 tuổi, ở làng Dõng Hòa), cháu nội ông Khách Hai, khẳng định câu chuyện trên là do ông nội mình kể khi còn sống. Ông Khách Hai tên thật là Trần Quốc Ân, có học võ trước khi sang sinh sống tại Bình Định.

Theo nhà thơ Trần Viết Dũng (ở thị trấn Phú Phong, H.Tây Sơn), người hay tìm hiểu về lịch sử, văn hóa tại địa phương, làng Dõng Hòa là quê hương của tướng Đặng Xuân Phong thời Tây Sơn. Có tên Lỗ Ông Tướng là do ngày xưa tướng Đặng Xuân Phong và ngựa Ô Du của ông thường tắm ở đây. Trong làng Dõng Hòa còn có Gò Ngựa, là nơi Đặng Xuân Phong luyện tập binh sĩ.

“Kỳ hẹn đáo lai”

Theo ông Trần Sanh Quý, thời Tây Sơn, làng Dõng Hòa được đặt tên là làng Kỳ Đáo, xuất phát từ giai thoại “kỳ hẹn đáo lai” (hẹn đến kỳ gặp lại) của Nguyễn Nhạc. Trước khi dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc hẹn bạn bè và các hào kiệt mỗi tháng hai lần gặp nhau tại điểm bí mật ở làng Dõng Hòa để nắm quân tình, bàn chuyện đại sự. Nguyễn Nhạc cũng hẹn với một người bạn của mình là Châu Văn Tiếp (người tỉnh Phú Yên, gốc Bình Định) đến làng Dõng Hòa để bàn chuyện khởi nghĩa nhưng ông Tiếp thất hẹn không đến mà bỏ vào miền Nam theo chúa Nguyễn.

Nhà thơ Trần Viết Dũng còn kể một cuộc ước hẹn khác tại làng Dõng Hòa giữa Nguyễn Huệ và Đặng Xuân Phong. Truyền thuyết kể lại rằng, Đặng Xuân Phong có tài cưỡi ngựa, bắn cung nên nữ tướng Bùi Thị Xuân và Đại tổng lý Võ Đình Tú xuống Dõng Hòa mời ông tham gia nghĩa quân. Đặng Xuân Phong nhận lời. Khi Nguyễn Huệ trên đường từ Tây Sơn thượng đạo (TX.An Khê, Gia Lai ngày nay) đi đánh dẹp quân chúa Nguyễn ở Phú Yên đã ghé lại làng Dõng Hòa thu nhận Ðặng Xuân Phong và đoàn binh của ông tại Gò Ngựa. Trận đầu ra quân, Ðặng Xuân Phong bắn chết tướng Nguyễn Văn Hiền của quân Nguyễn tại trận, góp phần vào thắng lợi của quân Tây Sơn. Từ Phú Yên trở về, Đặng Xuân Phong được Nguyễn Nhạc cử lãnh binh đi đánh lấy Quảng Nam và ông đã lấy được Thăng Bình, Điện Bàn, giết được 2 tướng nhà Nguyễn là Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân...

Trước khi lên đường ra Thuận Hóa, Nguyễn Huệ có đến thăm Đặng Xuân Phong, nơi ông đang luyện quân tại Gò Ngựa và hẹn ngày gặp lại. Nhưng rồi chinh chiến triền miên, năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi vua rồi đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược, xây dựng bờ cõi. Đặng Xuân Phong ở quê nhà vẫn làm tướng dưới triều Nguyễn Nhạc. Năm 1792, cả thành Hoàng Đế (kinh đô của vương triều Nguyễn Nhạc) như chết lặng khi tin Nguyễn Huệ băng hà ở Phú Xuân (Huế). Đặng Xuân Phong khóc nức nở suốt đường ra Phú Xuân viếng Nguyễn Huệ. Ông ở lại giúp con trai của Nguyễn Huệ là vua Quang Toản. Nhưng rồi lại chán ghét cảnh gian thần lộng hành, nội bộ lục đục, Đặng Xuân Phong từ quan về quê quy ẩn. Khi nhà Tây Sơn mất, ông và gia đình mây ngàn biệt tích.

Cửu diệu tinh

Theo nhà thơ Trần Viết Dũng, truyền thuyết vùng Tây Sơn kể lại rằng, Hòn Trưng, còn gọi là Bút Sơn (thuộc xã Bình Thành, H.Tây Sơn) có tất cả chín cục u, gọi là Cửu diệu tinh, tức là chín ngôi sao sáng chiếu mạng chín nhân kiệt sinh trưởng quanh vùng. Những nhân kiệt này gồm 4 hổ tướng là Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Lê Văn Hưng, Đặng Xuân Phong; 3 phụng thư là Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan và 2 kỳ sĩ là Nguyễn Thung, Võ Xuân Hoài. 9 nhân kiệt này đã giúp nhà Tây Sơn làm nên cơ nghiệp.

Hoàng Trọng

>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 20: Truyền thuyết Thiên Thai tự
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 19: Bí ẩn núi Tam Tòa
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 18: Chùa Hang và những truyền thuyết tâm linh
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 17: Hổ trắng và đôi rắn khổng lồ ở thành Thọ An
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 16: Chuyện kỳ lạ ở chùa Thình Thình
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 15: Kho báu bị yểm bùa ở Lý Sơn
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 14: Giếng trời ở chùa Hang Lý Sơn
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 13: Thầy tu đả hổ
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 11: Hổ trắng ba chân về nghe kinh Phật
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 10: Truyền kỳ những pho tượng Phật lồi
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 9: Dòng sông chảy ngược và cổ tích cây đôi
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 8: Bãi đá Rơ wang và dòng sông ăn thịt người
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 7: Những cây xoài ở chùa Đá Trắng
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 6: Ông Núi linh thiêng
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 5: Khu lăng mộ bí ẩn
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 4: Tường thành cổ dưới biển
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 3: Chuyện liêu trai trong ngôi chùa cổ
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 2: Chuyện ông Đỏ, ông Đen
>> Những di tích kỳ bí - Làng chài được yểm bùa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.