Mời chuyên gia hiến kế chống ngập

01/11/2014 04:25 GMT+7

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM chiều qua (31.10) đã tổ chức cuộc họp tham vấn các nhà khoa học, các chuyên gia để tìm giải pháp chống ngập trước mắt và lâu dài cho TP.

Mời chuyên gia hiến kế chống ngập
Khu vực Q.7 có nhiều nơi bị ngập nặng do triều cường - Ảnh: Diệp Đức Minh

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước - Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM,  cho biết từ số điểm ngập đầu kỳ năm 2011 là 58, TP đã xóa và giảm ngập được 47 điểm, còn 11 điểm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn xuất hiện 21 trận mưa gây ngập, tổng số điểm ngập là 50 (11 điểm ngập hiện hữu, 10 điểm ảnh hưởng thi công lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, 29 điểm do mưa lớn vượt tần suất).

Làm đê, đắp đập, xây hồ...

 

Nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu tạo tiền đề thì rất mỏng, nhưng làm dự án thì rất là to trong khi lẽ ra phải làm ngược lại. Nghiên cứu về chống ngập phải rộng, phải sâu, còn làm dự án thì nên giải quyết dần dần từng phần, từng vùng, làm nhanh gọn với số tiền vừa phải

Ông Lê Thành Công
Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C

Theo ông Đỗ Tấn Long, sự xuất hiện các trận mưa lớn vượt tần suất theo thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay (theo Quyết định 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, mưa trong 3 giờ đối với tuyến cống cấp 3 là 75,88 mm; tuyến cống cấp 2 là 85,36 mm; kênh, rạch chính cấp 1 là 95,91 mm; đỉnh triều thiết kế là +1,32 m), gây quá tải dẫn đến tình trạng ngập nước tại một số tuyến đường.

Mặt khác, do địa hình TP.HCM tương đối thấp, chịu ảnh hưởng của thủy triều, đã hạn chế việc thoát nước. Ở vùng trung tâm TP có 40% diện tích có cao độ ≤+1,6 m (trong đó tập trung tại các quận: 4, 8, Bình Thạnh), do đó thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường gây ngập cho khu vực.

Để giải quyết ngập do triều căn cơ, ông Long cho rằng phải làm tuyến đê bao dọc theo sông Sài Gòn, cùng với 13 cống đập ngăn triều tại các cửa kênh, rạch. Nhưng đến nay chỉ mới làm được 31/149 km đê bao và 1/13 cống đập. Giải pháp chống triều cường tạm thời trong thời gian qua là lắp đặt các van ngăn triều tại các miệng cống, cửa xả kết hợp với các trạm bơm thoát nước. Bên cạnh đó, giải pháp quy hoạch, xây dựng các hồ điều tiết (tập trung và phân tán) cũng vừa được bổ sung, dự kiến sẽ thí điểm ở một vài khu vực.

 Tổ chức nhóm tư vấn

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C, nhận xét: Chuyện chống ngập của TP hiện đang đi 2 chiều trái ngược nhau. Nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu tạo tiền đề thì rất mỏng, nhưng làm dự án thì rất là to trong khi lẽ ra phải làm ngược lại. Nghiên cứu về chống ngập phải rộng, phải sâu, còn làm dự án thì nên giải quyết dần dần từng phần, từng vùng, làm nhanh gọn với số tiền vừa phải.

PGS-TS Trịnh Công Vấn, Viện trưởng Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mê Kông, cho rằng những nơi ngập do chưa có cống, hay có cống nhưng bị nghẹt, không thoát nước được; hoặc do dẫn dòng không tốt khi thi công dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm gây bức xúc hiện nay, thì không cần các nhà khoa học tham vấn vì nguyên nhân đã quá rõ. Với những nơi có cống, kết nối ra hệ thống kênh rạch đầy đủ hết rồi mà vẫn ngập, các nhà khoa học có thể chia nhau ra thành các nhóm, tập trung nghiên cứu xem và tìm ra giải pháp.

 

Sẽ tổ chức hội thảo

Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Lê Hoàng Minh cho biết buổi làm việc chủ yếu cung cấp thông tin tổng quan về tình hình thực hiện các giải pháp chống ngập trong thời gian qua; tiếp đến sẽ cung cấp chi tiết hơn các số liệu, để các nhà khoa học, chuyên gia đưa ra những giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, sau đó sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề này. Trên cơ sở đó, các sở, ngành sẽ tham mưu cho TP giải quyết bài toán chống ngập.

TS Lê Long (chuyên gia tư vấn độc lập) kiến nghị Sở GTVT tổ chức nhóm tư vấn hiểu biết về chống ngập, về khí tượng thủy văn... để nghiên cứu từng khu vực cụ thể. Nếu không đi vào những việc vừa cụ thể, vừa tổng thể thì sẽ không bao giờ giải quyết được bài toán chống ngập.

“Phải xem xét tổng thể”

Đề cập đến nguyên nhân ngập, TS Vũ Xuân Ái (Trường đại học Bách khoa TP.HCM) khẳng định TP đang lún do khai thác nước ngầm quá nhiều, do TP đã bị bê tông hóa không có chỗ cho nước mưa thấm xuống tầng nước ngầm. Ông đề xuất cần có quan trắc lún và cần có nghiên cứu tổng thể và cụ thể, có cơ quan tư vấn nghiên cứu, điều hành với những số liệu chính xác để chống ngập đúng hướng. 

Đáng chú ý, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, ông Lê Ngọc Quyền phân tích, những năm 1960, đỉnh triều ở trạm Phú An trên sông Sài Gòn chỉ khoảng 1,25 m, đến nay đã lên mức 1,68 m (tăng 43 cm). Trong khi đó, mực nước ở Vũng Tàu trong 30 năm qua chỉ tăng hơn 10 cm. Ông Quyền cho rằng giải pháp chống ngập phải xem xét tổng thể từ chuyện mưa lớn, triều cường, vận hành các hồ chứa xả lũ ở thượng nguồn sông Sài Gòn - Đồng Nai, đến chuyện đô thị hóa làm cho nước chảy tràn không thẩm thấu được xuống đất. Những số liệu đầu vào chuẩn mới đưa ra được những giải pháp công trình chống ngập.

Ông Quyền cho biết sắp tới sẽ bổ sung thêm 8 điểm quan trắc đo mưa, như vậy trên địa bàn TP sẽ có 19 điểm đo mưa, đồng thời sẽ có hệ thống ra đa có thể dự báo mưa trong thời gian cực ngắn (trước 1 - 2 tiếng) cho từng khu vực cụ thể.

Chưa thể giao cho địa phương vận hành hồ chứa, giảm lũ

Đó là ý kiến mà nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo “Vận hành hợp lý liên hồ chứa, giảm lũ cho hạ du - trách nhiệm và thách thức”, do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương (PCLB T.Ư) phối hợp Báo ­Lao Động cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức hôm qua 31.10.

Theo “Quy trình vận hành liên hồ chứa trên một số lưu vực sông” được Thủ tướng Chính phủ ban hành hồi tháng 7.2014, Chủ tịch UBND các tỉnh sẽ làm “nhạc trưởng” trong công tác giữ, xả nước các hồ thủy điện, thủy lợi trong mùa mưa. Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều đại biểu tham dự là lãnh đạo tỉnh cho rằng đến thời điểm này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, rất cần sự điều tiết của T.Ư. Cụ thể, Sông Ba có 6 nhà máy thủy điện, trong đó tỉnh Phú Yên có 3 nhà máy, còn 3 nhà máy nằm ở các tỉnh khác. Tỉnh Phú Yên chỉ được cung cấp thông tin của các đơn vị vận hành các hồ trong tỉnh, còn các hồ ngoài tỉnh thì không có. Đại diện tỉnh Quảng Nam thì đề nghị T.Ư hỗ trợ tỉnh xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du để có cơ sở xây dựng phương án sơ tán dân. Lãnh đạo 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum cũng cho rằng cần có sự phối hợp giữa các địa phương, các đơn vị quản lý hồ chứa. 

Hoàng Trọng

Mai Vọng

>> Hà Nội ì ạch chống ngập
>> Chống ngập từ kinh nghiệm dân gian
>> TP.HCM vay vốn ODA của Thái Lan để chống ngập
>> Hà Nội lên phương án chống ngập
>> TP.HCM thống nhất đầu tư 666 triệu USD chống ngập nước
>> Không thể chống ngập chỉ bằng tiền
>> 8.178 tỉ đồng chống ngập 'chưa hiệu quả
>> Thiếu vốn cho chống ngập
>> Vất vả chống ngập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.