Lụi tàn ngư dân gốc Việt ở Louisiana

01/11/2014 08:20 GMT+7

Siêu bão Katrina năm 2005 và thảm họa tràn dầu năm 2010 đã gần như đánh gục cộng đồng ngư dân gốc Việt ở bang Louisiana, Mỹ.

>> Ngư dân gốc Việt kiện luật sư về vụ tràn dầu BP

 Tàu của ngư dân gốc Việt tại cảng New Orleans - Ảnh: WBRZ
Tàu của ngư dân gốc Việt tại cảng New Orleans - Ảnh: WBRZ

Tạp chí National Journal số mới nhất vừa đăng bài phóng sự mang tên Sự chấm dứt của thế hệ người câu tôm gốc Việt tại Louisiana? về nỗi hoang mang của cộng đồng người gốc Việt ở đây sau gần 10 năm chống chọi với hậu quả của 2 thảm họa khủng khiếp.

Kiệt sức

Người Việt bắt đầu định cư ở Louisiana từ đầu thập niên 1980 và đến năm 2013, họ trở thành cộng đồng gốc Á lớn nhất bang này với hơn 17.000 người. Xuất thân từ một dân tộc gắn liền với biển nên làm ngư dân là lựa chọn hết sức tự nhiên đối với những người Việt sinh sống tại một bang duyên hải như Louisiana, nhất là tại New Orleans, thành phố lớn nhất bang và là một trong những hải cảng quan trọng nhất của Mỹ. Theo Hiệp hội Tôm Louisiana, cộng đồng gốc Việt chiếm khoảng 1/4 tổng số hộ đăng ký đánh bắt tôm của bang.

Tuy nhiên, siêu bão Katrina năm 2005 và sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico hồi tháng 4.2010 cộng với những tính chất đặc thù của cộng đồng khiến ngư dân gốc Việt đã gần như kiệt sức trong nỗ lực tiếp tục đưa tàu ra khơi, theo National Journal.

Trên con tàu 2 lưới dài 20 m ở cửa sông Mississippi, thuyền trưởng Phước Nguyễn thành kính thắp hương khấn tạ trời phật rồi đốt giấy tiền vàng bạc và ném từng nắm kẹo đủ màu sắc xuống nước. Nguyễn đang cúng trả lễ sau khi tàu của ông kéo được lượng tôm lớn trị giá 40.000 USD sau một tuần đánh bắt ngoài vịnh Mexico. Đây là lần hiếm hoi gia đình Nguyễn nhận được món quà lớn từ biển cả sau gần 10 năm không thể chật vật hơn. Đứng cạnh chồng, ánh mắt bà Sandy Nguyễn vẫn rất xa xăm nhìn ra biển. “Lâu lắm rồi mới được một lần như vầy. Sắp tới không biết ra sao”, bà nói với National Journal.

Năm 2005, miền đông nam nước Mỹ chìm trong cơn cuồng nộ của siêu bão Katrina với ít nhất 1.883 người thiệt mạng. Bang Louisiana là nơi thiệt hại nặng nề nhất và cộng đồng ngư dân địa phương kiệt quệ khi siêu bão quét sạch mọi con tàu ở khu vực sông Mississippi đổ ra biển. Họ gắng gượng đứng dậy được 5 năm thì giàn khoan dầu Deep Water Horizon của Tập đoàn BP nổ tung ngoài khơi vịnh Mexico, gây ra thảm họa tràn dầu nghiêm trọng nhất lịch sử và đầu độc hệ sinh thái của vùng đồng bằng Mississippi. Cá tôm chết trắng mặt nước, có vớt lên bán cũng không ai dám mua. Tàu thuyền nằm bờ, ngư dân chán nản ngồi nhà, dẫn đến bạo lực gia đình và đủ thứ tệ nạn phát sinh.

Bỏ nghề

Bên cạnh đó, ngư dân gốc Việt vẫn giữ thói quen sinh hoạt khép kín trong cộng đồng và thích tiền mặt. Điều này càng khiến họ điêu đứng sau siêu bão Katrina khi nhiều gia đình không thể nhận hỗ trợ từ chính quyền do không đăng ký hoạt động với Sở Thuế vụ Mỹ. Họ cũng không thể chứng minh thu nhập để yêu cầu BP bồi thường sau vụ tràn dầu.

Tình cảnh trên cũng khiến thế hệ người Việt trẻ ở Louisiana không còn mặn mà với cá tôm. Nhiều gia đình đã bỏ hẳn nghề, vào sâu trong nội địa để chuyển sang các công việc chân tay khác. “Tụi nhỏ giờ một là cố ăn học để sang bang khác kiếm việc, hai là thà làm du thủ du thực chứ không bám biển”, một ngư dân nói. Anh Dương Trần, chủ Công ty D & C Seafood chuyên thu mua hải sản từ đồng hương, cũng ngậm ngùi: “Con cái chúng tôi không muốn làm ngư dân nữa”. Hiện nay, doanh nghiệp của anh chỉ còn hoạt động cầm chừng sau khi đã tổn thất gần 1 triệu USD sau bão Katrina và như nhận định của National Journal, có lẽ văn hóa đánh bắt của người Việt tại Louisiana sẽ sớm đến hồi kết thúc.

Tôm Louisiana vẫn an toàn

Hơn 4 năm kể từ khi thảm họa tràn dầu, một cuộc nghiên cứu của Đại học Tulane đã chứng minh tôm đánh bắt tại vùng Louisiana an toàn để ăn. Theo báo cáo đăng trên chuyên san Environmental Heath Perspectives, kết quả nghiên cứu được rút ra sau quá trình theo dõi sâu rộng sức khỏe của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại New Orleans và các chuyên gia không ghi nhận bất cứ tình trạng bất thường nào ở những người thường xuyên ăn tôm. Công trình này do Giáo sư Mark Wilson của Đại học Tulane hợp tác với Daniel Nguyễn và Tập Bùi, 2 nhân viên của một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ ngư dân tại Louisiana.

Thụy Miên

>> Mỹ: Hơn 100 nạn nhân của trận cuồng phong Katrina vẫn chưa được chôn cất
>> Đoạt giải Pulitzer báo chí "nhờ" bão Katrina
>> Ông Bush lại bị chỉ trích về vụ Katrina
>> 5 tháng sau bão Katrina: Hàng ngàn gia đình gốc Việt vẫn khốn khó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.