Tháo gỡ các nút thắt cho nông nghiệp để thoát nghèo

31/10/2014 08:00 GMT+7

Tại phiên thảo luận chiều qua (30.10), Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân đã phân tích cụ thể về vấn đề năng suất lao động của VN và những giải pháp nâng cao thu nhập cho người lao động. Theo ông, câu hỏi: “Vì sao năng suất lao động thấp?”, hoàn toàn tương tự câu hỏi: “Vì sao VN nghèo?”.


Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Nhân khẳng định, muốn tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế thì trước hết phải tăng năng suất của từng khu vực trong nền kinh tế: nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Năm 2014, năng suất lao động khu vực công nghiệp gấp 4,8 lần so với khu vực nông nghiệp; còn khu vực dịch vụ gấp 3,5 lần so với khu vực nông nghiệp. Do đó, cần tập trung tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập và năng suất lao động của người nông dân.

Ông Nhân đề nghị lãnh đạo các ngành, các địa phương, các chủ doanh nghiệp, khi bàn về việc làm sao để tăng trưởng bền vững hơn, hiệu quả cao hơn, hãy hỏi 5 câu hỏi: Người lao động được đào tạo ở đâu? Khoa học công nghệ ở đâu? Vốn từ đâu? Đất ở đâu và thị trường ở đâu? Chứ không phải dừng lại ở 2 câu hỏi về vốn và đất. “Thay đổi mô hình tư duy và mô hình phát triển kinh tế là giải pháp gốc cho tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho mỗi người lao động và đất nước”, ông Nhân nói.

“Chính phủ không đạt chỉ tiêu - trách nhiệm của QH ở đâu”

 

Người lao động được đào tạo ở đâu?

Khoa học công nghệ ở đâu? Vốn từ đâu? Đất ở đâu và thị trường ở đâu? Chứ không phải dừng lại ở 2 câu hỏi về vốn và đất. Thay đổi mô hình tư duy và mô hình phát triển kinh tế là giải pháp gốc cho tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho mỗi người lao động và đất nước

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân

Trước đó, phân tích kỹ nhiều vấn đề yếu kém trong điều hành kinh tế - xã hội, nhưng nhiều ĐBQH cũng đã đưa ra được những góp ý đáng quan tâm cho Chính phủ để tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề xã hội trong thời gian tới.

ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) nêu vấn đề: “Hiện nay rất đáng lo ngại là số lượng lao động không có việc làm, nhiều nhất là trong đội ngũ thanh niên. Cử tri bức xúc tình trạng hàng trăm ngàn sinh viên ra trường không có việc làm và vẫn đang gia tăng”. Còn theo ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), số liệu năng suất lao động quá thấp, 50% lực lượng lao động chưa qua đào tạo hiện nay là “rất đáng báo động”. “Hệ thống đào tạo của ta đang rất bất cập nên hệ quả là thiếu hụt đội ngũ cán bộ, công nhân có tay nghề, do đó cần phải đổi mới mạnh mẽ hệ thống giáo dục đào tạo”, ĐB Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) bày tỏ băn khoăn về việc Chính phủ báo cáo hằng năm giải quyết việc làm cho 1,5 - 1,7 triệu lao động, trong đó có hàng trăm nghìn việc làm đến từ các trung tâm giới thiệu việc làm ở T.Ư và địa phương. “Có việc làm nhưng không đủ nuôi sống bản thân có được coi là có việc làm không? Nhiều năm qua số liệu về việc làm, thất nghiệp được công bố thường lạc quan tươi sáng nhưng lại khó thuyết phục được cử tri”, ĐB Nguyệt nói.

Đáng chú ý, ĐB Nguyệt cho rằng cần nhìn nhận nghiêm túc trách nhiệm của QH từ việc giao chỉ tiêu cho Chính phủ. Các chỉ tiêu phải gắn với trách nhiệm giám sát của ĐBQH và QH. Căn cứ vào đâu để giao chỉ tiêu? Khi thực hiện không được thì nguyên nhân do đâu? Do QH giao không thực tế hay giám sát thực hiện không đến nơi đến chốn? Hay do Chính phủ thực hiện không đầy đủ?

Chưa một lần giám sát tối cao ODA

Phát biểu ở hội trường, một số ĐBQH vẫn kêu gọi thu hút vốn ODA cho các công trình, dự án, đặc biệt là dự án Sân bay Long Thành.

Theo ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), mặc dù 20 năm qua, VN đã thu hút gần 78 tỉ USD, hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế - xã hội nhưng thực tế cũng đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Dẫn một số vụ việc tiêu cực điển hình, bà Nga nói: “Có 2 điểm rất cơ bản là QH, người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và người dân, chủ thể phải đóng thuế và trả nợ cuối cùng gần như đứng ngoài quy trình ODA”. Từ đó, bà Nga đề xuất : “QH cần ban hành luật quản lý, sử dụng ODA. Quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA; công khai, minh bạch toàn bộ số vốn, công khai các dự án và quy trình phân bổ; buộc phản biện độc lập trước khi quyết định; quy định về trách nhiệm của QH, về quyền của người dân, Mặt trận, báo chí, hiệp hội chuyên ngành trong quá trình quyết định và sử dụng vốn ODA”.

ĐB Nga cũng nhấn mạnh đến vai trò của QH, khi 20 năm qua, xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực trong sử dụng vốn ODA nhưng QH chưa một lần giám sát tối cao về ODA. Ủy ban Đối ngoại có giám sát, đưa ra kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được tiếp thu đầy đủ. "Chúng tôi đề nghị QH tiến hành giám sát ODA, chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách, những nhóm lợi ích liên quan đến ở cả trong nước và nước tài trợ; phân tích những mặt lợi và bất lợi của ODA... Bất cứ quốc gia nào, nếu phụ thuộc lâu dài vào ODA thì đó là thất bại của chiến lược phát triển”, ĐB Nga kiến nghị.

Mạnh Quân - Trường Sơn

 >> Nông nghiệp và kinh tế biển là mục tiêu trong năm tới
>> Xây dựng 'những cánh đồng lớn' trong nông nghiệp
>> Hình thành 'liên doanh' phát triển, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp
>> Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
>> Ưu tiên đầu tư cho khoa học nông nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.