Chất vấn trước phiên chất vấn

31/10/2014 03:00 GMT+7

Đã thành thông lệ, tại các phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, hầu hết các thành viên Chính phủ (trừ lý do đi công tác hay công việc đột xuất) đều có mặt, tham dự đầy đủ.

Trong số các thành viên Chính phủ ấy, có những người đồng thời là ĐBQH, nhưng có những người không phải là ĐBQH thì họ đến với tư cách khách mời.

ĐBQH từ lâu đã coi đây là chuyện đương nhiên vì mọi thành viên Chính phủ đều nên đến nghe ý kiến phát biểu, thảo luận của họ vì ĐBQH chính là đại diện cho tiếng nói của cử tri: họ sẽ nêu lên những vấn đề đồng thuận hay bức xúc về những vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật trong những ngành, lĩnh vực mà các bộ trưởng, thành viên Chính phủ phụ trách.

Quan trọng hơn, chính ở phiên thảo luận về kinh tế -xã hội, có nhiều ĐBQH nêu lên những vấn đề, câu hỏi rất “nóng” mà cần các bộ trưởng - “tư lệnh ngành” giải đáp ngay để trả lời cho cử tri - nhiều người đang theo dõi truyền hình trực tiếp. Sự thiếu vắng của một thành viên Chính phủ nào, khi câu chuyện được đẩy lên cao trào, có thể lái câu chuyện đó đi theo một hướng khác mà Chính phủ không mong muốn.

Trong ngày hôm qua, đã có 2 bộ trưởng sau khi nghe ý kiến của ĐBQH đã đứng lên phát biểu là Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Minh Quang và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Bộ trưởng Quang đã giải tỏa được một vấn đề cử tri rất quan tâm là việc người dân rất khó khăn trong chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây thanh long, được cho là hiệu quả cao hơn nhiều ở một số địa phương. Còn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã giải đáp khá thuyết phục trước QH về thực trạng nợ công của VN.

Những phát biểu, nhiều khi thực chất là những câu trả lời của các thành viên Chính phủ như vậy rất quan trọng, đôi khi nó ẩn chứa cả những cam kết, lời hứa trước ĐBQH, trước cử tri nên cũng được ghi nhận như trả lời của họ trong phiên chất vấn về trách nhiệm. Cho nên, Chính phủ, các thành viên Chính phủ rất ý thức về điều này và thông thường, nhiều bộ trưởng khi dự các phiên họp toàn thể về kinh tế - xã hội chuẩn bị khá kỹ tài liệu để mang theo, thậm chí đưa cả các trợ lý, cán bộ đi theo để giúp việc, hỗ trợ trả lời khi cần thiết.

Thực tế, lãnh đạo Văn phòng QH, khi công bố chương trình kỳ họp nhiều khi đã không coi phiên chất vấn được ấn định 2 - 3 ngày cuối kỳ họp là khoảng thời gian chất vấn thành viên Chính phủ duy nhất mà phiên thảo luận kinh tế - xã hội cũng đã để ĐBQH và các bộ trưởng hỏi, đáp, trao đổi.

Duy chỉ có điều, trong những phiên thảo luận như vậy, có không nhiều các bộ trưởng chủ động, sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí về những điều ĐBQH còn quan tâm, cử tri quan tâm mà không có đủ thời gian trình bày trên hội trường.

Mạnh Quân

>> Bộ trưởng sẽ không còn đọc văn bản tại phiên chất vấn
>> Phiên chất vấn ngắn ngủi
>> Nhiều bức xúc tại phiên chất vấn của HĐND tỉnh Tiền Giang
>> Hàng loạt vấn đề nóng trước phiên chất vấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.