Sinh ra thành kẻ giết người

31/10/2014 09:00 GMT+7

Các chuyên gia Thụy Điển phát hiện 2 loại gien có liên quan đến các hành vi gây án đầy bạo lực của tù nhân. Phải chăng có người được sinh ra để trở thành kẻ ác bẩm sinh?


Gien có vẻ như góp phần vào việc cấu thành một kẻ có tố chất tội phạm - Ảnh: FBI

Tam Tự Kinh có câu “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, có nghĩa con người sinh ra với bản tính thiện lương. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của các chuyên gia châu Âu cho thấy có những người tiềm tàng gien ác từ khi mới chào đời. Theo báo cáo trên chuyên san Molecular Pyschiatry, nhóm khoa học gia của Viện Karolinska ở Thụy Điển phát hiện ít nhất từ 4 - 10% trong tổng số các tội ác bạo lực tại Phần Lan có thể được lần ngược về những cá nhân sở hữu 2 loại gien cụ thể, với mỗi loại gien có thể tác động đến hoạt động của não bộ. Đây cũng là cuộc nghiên cứu đầu tiên với quy mô lớn nhìn nhận yếu tố gien di truyền trong lịch sử phân tích tội phạm bạo lực.

Quá trình phân tích chuỗi gien di truyền của 895 tù nhân trong các trại giam ở Phần Lan đã tìm được một biến thể gien gọi là monoamine oxidase A (MAOA). Đây là một loại enzyme có trong não đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hàm lượng chất dẫn truyền thần kinh dopamine và serotonin. Còn gọi là “gien chiến binh”, MAOA đặc biệt xuất hiện với hàm lượng đáng kể trong số nhóm phạm nhân khát máu nhất, tức phạm từ 10 tội ác nghiêm trọng trở lên. Cụ thể, nhóm này dù chỉ có 78 người nhưng chịu trách nhiệm đến 1.154 vụ giết người, thảm sát hàng loạt, mưu đồ sát hại người khác và hành hung. Trưởng nhóm nghiên cứu là Giáo sư Jan Tiihonen cho rằng gien này đóng vai trò trong việc quyết định hoặc kiểm soát hành vi phạm tội ác nghiêm trọng. Gien thứ hai gọi là cadherin 13 (CDH13), tham gia vào quy trình trao đổi giữa các tế bào não và bị phát hiện cũng có liên quan đến những tội ác đầy bạo lực.

Đây không phải là cuộc nghiên cứu đầu tiên cho thấy có khuynh hướng tội phạm nằm ẩn trong gien di truyền, và nhóm chuyên gia đã hứng chịu chỉ trích từ các nhà khoa học khác khi cho rằng có những giới hạn trong cuộc nghiên cứu cũng như hành vi con người là một phạm trù hết sức phức tạp. Tuy nhiên, Giáo sư Tiihonen cho biết có nhiều bằng chứng về sự ảnh hưởng của gien đối với các tội ác bạo lực. “Nếu không có 2 gien này, số trường hợp phạm tội liên quan đến bạo lực tại Phần Lan có thể giảm từ 5 - 10%, nhưng chúng tôi không nắm rõ cơ chế của nó”, tờ The Independent dẫn lời Giáo sư Tiihonen. Dù vậy, ông cho rằng không thể chỉ dựa vào sự có mặt của các gien cụ thể mà quy chụp một người có khả năng trở thành hung thủ giết người, do “có thể tồn tại hàng chục hoặc hàng trăm gien khác có ảnh hưởng nhỏ hơn”.

Malcolm von Schantz, nhà thần kinh học của Đại học Surrey (Anh), cho rằng phát hiện của nhóm chuyên gia Thụy Điển không có nghĩa là vấn đề gien di truyền có thể dùng làm cái cớ để biện luận cho hành vi gây tội ác ở người. Tuy nhiên, những cuộc nghiên cứu như trên trong tương lai có thể dùng để lọc ra những người đối mặt với nguy cơ dễ sa ngã vào con đường tội phạm, để có cách giúp đỡ họ trước khi phạm phải tội ác tày trời.

Hạo Nhiên

>> Cô gái 19 tuổi thú nhận giết người hàng loạt
>> Nữ phát xít giết người hàng loạt ở Đức
>> Mỹ điều tra vụ giết người hàng loạt ghê rợn
>> Pháp bắt nghi can giết người hàng loạt  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.