Nghịch lý luật chờ thông tư và sự dàn trải trách nhiệm

30/10/2014 15:15 GMT+7

Luật chờ nghị định , rồi nghị định lại chờ thông tư. Sự bất hợp lý này đã và đang tồn tại ở nước ta. Cũng từ đây đã phát sinh nhiều hệ lụy.

Luật chờ nghị định, rồi nghị định lại chờ thông tư. Đó là sự bất hợp lý đã và đang tồn tại ở nước ta. Cũng từ đây đã phát sinh nhiều hệ lụy.


Chỉ vì phải chờ thông tư hướng dẫn xử lý người nghiện mà vẫn còn cảnh 
  con nghiện hàng đá hung hăng đánh người giữa đường thế này - Ảnh: Nam Anh

Những quy tắc quan trọng điều chỉnh hành vi, trật tự xã hội thông qua luật đều do Quốc hội là cơ quan dân cử ban hành, nhưng thực tế nội dung không thể áp dụng được ngay vào cuộc sống mà phải chờ thông tư hướng dẫn. Chưa có thông tư thì nội dung luật vẫn cứ nằm trên giấy, không thể đi vào cuộc sống dù đã được thông qua.

Một bất cập tồn tại lâu nay, đó là luật chờ nghị định, rồi nghị định lại chờ thông tư. Nhiều hệ lụy phát sinh từ sự bất hợp lý này.

Đơn cử, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa 13 thông qua từ kỳ họp thứ 3 ngày 20.6.2012, có hiệu lực từ ngày 1.7.2013. Nhưng sự chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành của các bộ ngành liên quan về xử lý người nghiện khiến nhiều tỉnh, thành như “ngồi trên lửa”.Tình trạng tội phạm liên quan đến người nghiện tăng liên tục, trở thành mối nguy lớn đối với môi trường sống yên lành của người dân.

Như thông tin trên báo chí, với đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, thành phố sẵn sàng kế hoạch đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện nhưng vẫn không làm được vì sợ bị người nghiện “kiện ngược”. Vậy là mong muốn “ngân sách chỉ tốn 1 đồng (giúp cho người nghiện cai nghiện) nhưng để cho xã hội đỡ tốn 1 triệu (ngăn chặn được hậu quả của người nghiện gây ra khi tự do tiêm chích ma túy nơi công cộng)” cũng chỉ đang dừng lại ở mức… mong muốn!

 
Tại sao các bộ ngành đã soạn được thông tư chi tiết để hướng dẫn thi hành thì lý do gì không đưa thẳng vào luật (bằng hình thức phụ lục kèm theo luật) để áp dụng được ngay? Phải chăng các bộ ngành muốn “giành” quyền về mình để có đặc quyền, đặc lợi thông qua cơ chế xin - cho, còn hiệu quả thực thi như thế nào là vấn đề không cần phải được xem xét đúng mức?

Có trường hợp thông tư hướng dẫn thi hành luật không đầy đủ nội dung luật đã quy định trước đó. Đơn cử: Dạy nghề thường xuyên và Chương trình dạy nghề thường xuyên được quy định tại Điều 32, Điều 33 của luật Dạy nghề. Tuy nhiên, Điều 1 Thông tư 29/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề chỉ áp dụng đối với trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Do đó, phạm vi điều chỉnh về đăng ký hoạt động dạy nghề thiếu “hình thức dạy nghề thường xuyên”.

Nhiều ý kiến ví von là “mình tự trói tay mình” với kiểu thực thi pháp luật như thế. Các địa phương không ai dám tự “cởi trói” cho mình mà chỉ biết trông chờ vào bộ ngành ở trung ương.

Tại sao các bộ ngành đã soạn được thông tư chi tiết để hướng dẫn thi hành thì lý do gì không đưa thẳng vào luật (bằng hình thức phụ lục kèm theo luật) để áp dụng được ngay?

Sự chia đều vai trò quản lý của các bộ ngành trong luật cũng để lại hậu quả là thủ tục quá rườm rà, dàn trải trách nhiệm, khi xảy ra chuyện thì không biết “gõ” ai vì giữa các cơ quan “cứ nhìn qua ngó lại”.

Doanh nghiệp đã từng “kêu trời” về chuyện chỉ 1 cây xúc xích mà hiện đang có tới 7 bộ quản lý, gồm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Công an), trong khi tại nhiều nước chỉ có duy nhất Cục quản lý thực phẩm chịu trách nhiệm việc này thôi.

Thực tế thì không có văn bản luật nào đủ “tròn trịa” để làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng vấn đề đặt ra là việc xây dựng, thực thi luật phải tính đến và hướng đến mục tiêu cao nhất: lợi ích quốc gia, sự thuận lợi cho đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Thực thi Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013, rất nhiều luật sẽ được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới. Ngay như kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 đang diễn ra dự kiến sẽ thông qua 18 dự án luật và cho ý kiến lần đầu 12 dự án luật khác.

Cử tri có quyền đòi hỏi cơ quan đại diện cho mình cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác xây dựng pháp luật. Luật phải quy định chặt chẽ, khoa học phù hợp với thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của người dân. Đồng thời, cần phải giám sát chặt chẽ và có quy định rõ ràng về thời gian phải thi hành để luật sau khi ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống.

Đình Nguyên*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là một người dân đang sống ở TP.HCM

>> Luật chờ nghị định
>> Xử phạt hành vi cản trở tố tụng phải chờ luật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.