Lún, nứt tháp cổ Mỹ Sơn

30/10/2014 05:00 GMT+7

Ngày 29.10, ông Nguyễn Công Khiết, Phó ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn (Quảng Nam), cho biết các khu tháp cổ B3, B5 tại di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đang bị lún, nứt nghiêm trọng cần ưu tiên can thiệp.

Kiểm tra, xử lý lún nứt tại tháp B3 Mỹ Sơn  - Ảnh: H.X.H
Kiểm tra, xử lý lún nứt tại tháp B3 Mỹ Sơn - Ảnh: H.X.H 

Kết quả kiểm tra hiện trạng toàn bộ khu tháp Chăm cho thấy 2 khu tháp này đối diện nguy cơ hư hại lớn nhất trong số các khu tháp bị hư hại như F1, F2, B4, B6, C2, C3, C7, D4, E3, E6, E8...

Hiện ban quản lý tiếp tục giám sát, đối chiếu hiện trạng nứt lún giữa các năm để kịp thời đề xuất hướng bảo tồn. Đáng lo ngại, khu tháp này đang chịu tác động mạnh của mưa lũ và nguy cơ xâm hại từ dòng nước khe Thẻ, nhưng không thể can thiệp để xây dựng kè chống xói lở vì nằm trong vùng lõi di tích (Báo Thanh Niên từng phản ánh).

Trong đợt lũ đầu mùa năm nay, nhiều tour du lịch phải hủy vì “vướng” dòng nước xiết.

Từ năm 1992, kiến trúc sư Kazik (Ba Lan) đã cho xây tường gia cố ở hướng tây, kiềng tường tháp để cứu vãn khu tháp B3, nhưng đến năm 2006 các chuyên gia Nhật Bản khi khoan tầng địa chất đã phát hiện mạch nước ngầm từ suối khe Thẻ (nhánh phía tây) gây thấm và ảnh hưởng đến chân tháp.

Đến nay, tháp nghiêng hơn 8 độ về phía tây nam và xuất hiện nhiều vết nứt dài 6 m, rộng 8 - 12 cm. Hồi tháng 9.2013, Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) đào thám sát nghiên cứu tại cửa tháp B3, khoan thăm dò khảo sát tại các điểm B3, B5 và khe suối... nhưng vẫn chưa có phương án chống nghiêng lún hiệu quả.

H.X.H

>> Phục dựng 3D khu di tích Mỹ Sơn
>> Lần đầu áp dụng công nghệ sinh học, nano bảo vệ Mỹ Sơn
>> Du khách đến Thánh địa Mỹ Sơn tăng vọt
>> Khách du lịch đến Mỹ Sơn tăng cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.