Phải xây dựng chương trình phù hợp với điều kiện thực tế VN

29/10/2014 11:45 GMT+7

Có thể nói, Nghị quyết 29 - NQ/T.Ư thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là vấn đề tâm huyết, trăn trở của nhiều giới, nhiều ngành cũng như đông đảo các tầng lớp nhân dân.


Giáo sư Đào Trọng Thi - Ảnh: Ngọc Thắng












 
Là người gắn bó với công tác giáo dục lâu năm, cùng với vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng, Giáo sư Đào Trọng Thi đã chia sẻ nhiều góc nhìn đáng quan tâm xung quanh vấn đề đang rất thời sự trên.

* Thưa ông, chúng ta đang triển khai Nghị quyết 29 - NQ/T.Ư về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, làm thế nào để huy động trí tuệ của chuyên gia, của xã hội để xây dựng thực hiện đề án này?

- Có thể nói, nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục phổ thông hiện nay đang được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Bởi vì hầu như không một gia đình nào không có con em đang cắp sách đến trường, đặc biệt là các trường phổ thông. Đề án đổi mới giáo dục trong chương trình SGK mà Chính phủ đã trình QH xem xét để thông qua nghị quyết. Đây là Nghị quyết tạo điều kiện và hành lang pháp lý để đề án đổi mới SGK được triển khai thực hiện. Hiện nay đề án đang được sự tham gia nhiệt tình của các giới, các ngành cũng như của đông đảo nhân dân và các ĐBQH.

* Mục tiêu căn bản của giáo dục là chuyển nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực. Vậy thưa ông, chúng ta cần đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy và SGK giáo dục phổ thông như thế nào?

- Nội dung cốt lõi của Nghị quyết 29 - NQ/T.Ư của Hội nghị T.Ư lần thứ 8 chính là chuyển mục đích giáo dục của chúng ta từ việc chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang việc phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Để làm được điều đó, trước hết phải thay đổi về nội dung, về chương trình, về phương pháp dạy học và kiểm tra cũng như đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông cũng như của các cấp học khác. Tiếp theo phải thay đổi, đổi mới một cách toàn diện từ rất nhiều các góc độ, phương diện, từ rất nhiều khâu trong hệ thống giáo dục. Bắt đầu chương trình đổi mới SGK, có thể nói đây là nội dung trung tâm, khi mà đổi mới chương trình SGK thì sẽ kéo theo sự đổi mới của các khâu khác, ví dụ về phương pháp dạy học, về kiểm tra đánh giá và về tổ chức hoạt động giáo dục.

 
Thay đổi trong xây dựng chương trình SGK cũng như các mặt khác của giáo dục vừa phải dựa vào kinh nghiệm quốc tế vừa phù hợp với điều kiện VN - Ảnh: Đ.N.T

* Việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK là một hướng đi phù hợp, nhưng phải được quy định rất chặt chẽ. Theo ông, chúng ta có nên khảo sát một số mô hình áp dụng hiệu quả các chương trình giảng dạy của nước ngoài tại các trường, nhất là các trường có mô hình quốc tế để rút ra kinh nghiệm?

 

Một mặt học tập, đúc kết các tinh hoa của các nước tiên tiến, mặt khác cũng phải tự thân xây dựng một chương trình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của VN. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong công cuộc đổi mới giáo dục đào tạo VN

Giáo sư Đào Trọng Thi

- Thực ra mà nói, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta làm chương trình về SGK. Đã có nhiều lần đổi mới chương trình SGK, trong mỗi lần đổi mới đó đều nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến của các nước trên thế giới và kết hợp với những kinh nghiệm mà chúng ta tích lũy được; trên cơ sở đánh giá những kết quả thực hiện các chương trình SGK của những lần trước. Tôi nghĩ rằng, trong lần này cũng vậy thôi, để thực hiện đổi mới chương trình SGK cần phải tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm để rút ra những bài học bổ ích. Đồng thời, cũng là để cập nhật những kinh nghiệm tiên tiến mà thế giới đạt được cho đến bây giờ. Nhưng chúng ta không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm của quốc tế, vì còn phải phù hợp với điều kiện thực tế ở VN. Tôi phải nói rằng, chúng ta đã từng có bài học vì quá sa đà vào việc chạy theo các kinh nghiệm của các nước, có thể sẽ không phù hợp với thực tiễn ở VN mà bởi vậy chúng ta không đạt được mục tiêu đề ra. Cho nên, một mặt học tập, đúc kết các tinh hoa của các nước tiên tiến, mặt khác cũng phải tự thân xây dựng một chương trình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của VN. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong công cuộc đổi mới giáo dục đào tạo VN.

* Trong các hoạt động xã hội hóa giáo dục, việc áp dụng khung chương trình giảng dạy của một số nước cũng đã từng bước được áp dụng tại một số trường ở một số địa phương. Cụ thể như TP.HCM đã xây dựng chương trình tích hợp giữa Chương trình quốc gia tiếng Anh và Chương trình của Bộ GD- ĐT tại cả 3 cấp học cho các môn toán, tiếng Anh, khoa học và đang đưa vào triển khai. Ông đánh giá việc này như thế nào?

- ­­Bản thân trong chương trình đã bắt buộc phải có yếu tố hội nhập quốc tế rồi. Bên cạnh tiếp thu những kinh nghiệm tốt của quốc tế, cũng phải xây dựng một chương trình làm sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế đối với VN. Hiện nay, nền giáo dục VN cũng đang rất đa dạng và nhu cầu cũng rất đa dạng. Có thể có một bộ phận nhân dân, một bộ phận học sinh có điều kiện muốn được tiếp cận với những chương trình tiên tiến của các nước, nhằm vào những mục đích khác nhau. Trong đó, có những mục đích để tiếp cận một chương trình giáo dục chất lượng cao hơn hoặc thậm chí sau khi tốt nghiệp giáo dục phổ thông ở trong nước thì đi du học ở nước ngoài. Bởi vậy, khi học chương trình phổ thông mà đã sát với chương trình của quốc tế thì sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp tục học tập ở các nước tiên tiến.

Tôi cho rằng, bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu đại trà của học sinh, chúng ta có thể tổ chức để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận học sinh, phụ huynh có điều kiện để tiếp cận với những chương trình chất lượng cao, tiếp cận những chương trình quốc tế thì đây cũng là điều rất hợp lý.

* Vừa qua UBTVQH cũng đang có ý kiến về dự thảo nghị quyết QH về đổi mới chương trình SGK, nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến cho rằng còn nhiều nội dung chung chung, nhiều nội dung thì lại quá mở và như thế thì rất khó thực hiện thưa ông?

- Vừa qua, Chính phủ có trình QH trước hết là trình UBTVQH Đề án đổi mới chương trình, SGK. Việc xây dựng, phê chuẩn triển khai thực hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ chứ không phải thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của QH. Nhưng trong đề án này, Chính phủ có đề xuất một số nội dung ra ngoài khuôn khổ pháp luật hiện hành. Một số nội dung không phù hợp với luật Giáo dục hiện hành và không phù hợp với Nghị quyết 40 của QH năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Bởi vậy, QH cần xem xét đề án và nghị quyết để tạo ra một hành lang pháp lý, cho phép Chính phủ có thể triển khai những nội dung đổi mới vượt ngoài khuôn khổ thẩm quyền của Chính phủ.

Chính vì vậy mà Nghị quyết của QH không phải để chúng ta thông qua đề án của Chính phủ mà quy định một số quan điểm, chủ trương mới của Đảng về đổi mới giáo dục phổ thông. Chúng ta quy định một số vấn đề bất cập trong luật Giáo dục, để tạo điều kiện cho Chính phủ triển khai, thực  hiện theo nội dung mới.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phi Vũ

>> Giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì hội thảo về cải cách giáo dục ĐH Việt Nam
>> Đề xuất lập ủy ban cải cách giáo dục
>> Cải cách giáo dục năm 2015, chưa bắt đầu sẽ không kịp
>> Bước đột phá trong cải cách giáo dục
>> Cải cách giáo dục đại học để hội nhập
>> Cải cách giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên
>> Cải cách giáo dục: Những vấn đề cũ và mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.