Nhật cùng lúc tập trận với Mỹ và Nga

28/10/2014 07:00 GMT+7

Việc Nhật Bản cùng lúc tổ chức tập trận riêng với Mỹ và Nga được nhận định là Tokyo đang nỗ lực cân bằng quan hệ với Washington lẫn Moscow.

Ngày 27.10, lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) và lục quân Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung 12 ngày ở Hokkaido, đảo nằm ở cực bắc của Nhật. Theo Bloomberg, tham gia tập trận có tổng cộng 2.000 quân nhân và phía Mỹ còn triển khai thêm trực thăng chiến đấu Apache và xe bọc thép Stryker.

 
Binh sĩ Mỹ và Nhật trong một cuộc tập trận chung - Ảnh: Nydailynews.com

Trong khi đó, khu trục hạm JS Hamagiri thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật đang thăm thành phố Vladivostok của Nga. Chuyến thăm kéo dài 5 ngày, dự kiến kết thúc vào ngày mai. Theo kế hoạch, hôm nay, tàu JS Hamagiri diễn tập tìm kiếm và cứu hộ với hải quân Nga. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Moscow sáp nhập vùng Crimea vào lãnh thổ Nga hồi tháng 3, động thái được cho là đã khiến Thủ tướng Nhật Shinzo Abe “làm mặt lạnh” với Nga.

Giới quan sát nhận định 2 cuộc tập trận trên cho thấy ông Abe đang muốn cân bằng nỗ lực hàn gắn quan hệ với Nga với nhu cầu đẩy mạnh quan hệ đồng minh với Mỹ trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực ngày càng phức tạp, theo Bloomberg.

Một số dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Nga và Nhật vẫn muốn cải thiện quan hệ song phương dù bị ảnh hưởng bởi tình hình Ukraine. Cụ thể, Thủ tướng Abe hồi tháng 9 hoãn tổ chức chuyến thăm Tokyo của ông Putin, nhưng hai ông đã trao đổi qua điện thoại ít nhất 2 lần và từng có cuộc gặp không chính thức bên lề Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 10 diễn ra ở Ý trong ngày 16 - 17.10.

 

Binh sĩ của lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản - Ảnh: AFP

Chuyên gia Sheila Smith, thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở Washington, nhận định trong bối cảnh Crimea bị sáp nhập vào Nga và Moscow “can thiệp quân sự vào Ukraine”, chuyến thăm cấp nhà nước khó có thể diễn ra, nhưng “có lý do để Nhật đeo đuổi lợi ích của họ với Nga”.

Lý do đó được cho là Tokyo đang muốn kết thúc tranh chấp chủ quyền với Moscow và muốn tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Nga. Ngoài ra, tình hình an ninh khu vực ngày càng phức tạp mà có thể xuất phát từ tranh chấp chủ quyền và chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng được xem là lý do để Nhật muốn hàn gắn quan hệ với Nga.

Văn Khoa

>> Đối thoại Đối tác chiến lược VN - Nhật Bản lần thứ năm
>> Nhật Bản phóng vệ tinh thời tiết mới
>> Bão Phanfone ập vào Nhật Bản
>> Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Bình Định xuất khẩu cá ngừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.