Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Hầu hết trường dùng kết quả cụm thi do trường ĐH chủ trì

27/10/2014 08:55 GMT+7

Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 được Bộ GD-ĐT đưa ra góp ý nội bộ lần đầu ngày 23.10. Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã có cuộc trao đổi riêng với Thanh Niên xung quanh nhiều điểm mới của kỳ tuyển sinh 2015.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Hầu hết trường dùng kết quả kỳ thi do trường chủ trì
Phần lớn các trường ĐH sẽ sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển. Trong ảnh, TS dự thi năm 2014 vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ sẽ đưa ra quy định xét tuyển riêng với từng phương thức tuyển sinh: Dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia, tuyển sinh theo đề án riêng và tổ chức thi riêng. Dù các trường tuyển sinh theo hình thức nào, quy chế cũng sẽ quy định ngưỡng tối thiểu, là điều kiện đủ để học sinh vào học ĐH và CĐ. Chẳng hạn, ngưỡng tối thiểu để các trường xét tuyển thí sinh (TS) thông qua học bạ THPT vào ĐH là 6,0 và CĐ là 5,5 điểm. Các trường sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia có cách xác định ngưỡng này cơ bản như năm 2014, tuy nhiên mức điểm cụ thể phụ thuộc vào kết quả thi của TS.

 Thứ trưởng Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bùi Văn Ga - Ảnh: Đ.N.T

Tổ hợp có môn toán và văn nhiều nhất

* Năm 2015 mỗi trường có quyền tự chủ xây dựng đề án tuyển sinh khác nhau với rất nhiều điểm mới. Sau khi tổng hợp các trường, ông có thể tạm phân loại các nhóm đề án không?

- Nhìn từ hình thức tuyển sinh, có thể chia theo 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm trường tổ chức thi riêng, độc lập hoàn toàn với kỳ thi quốc gia của Bộ, nhóm này chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội. Hai nhóm còn lại đều có điểm chung là sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia (toàn bộ hoặc một phần) để xét tuyển TS vào trường. Trong đó, có tới hơn 2/3 số trường sử dụng duy nhất kết quả kỳ thi quốc gia do trường ĐH chủ trì tổ chức để xét tuyển. Nhóm trường còn lại kết hợp kỳ thi này với hình thức xét tuyển học bạ THPT hoặc bổ sung các tiêu chí khác.

Xét về mức độ ổn định, nhóm trường tốp trên giữ được sự ổn định cao nhất từ phương thức xét tuyển đến tổ hợp môn xét tuyển, chủ yếu các trường này dựa vào khối thi truyền thống. Các trường tốp giữa có nhiều biến động hơn khi bổ sung thêm nhiều tổ hợp môn thi mới. Trong khi đó, đề án các trường khó tuyển sinh lại phức tạp hơn khi chọn phương án tuyển sinh riêng, kết hợp xét tuyển kỳ thi quốc gia với kết quả học bạ THPT.

* Trong đề án của một số trường có sự xuất hiện nhiều tổ hợp môn với tên gọi rất lạ như O, O1, A2, B; có trường bỏ khối thi truyền thống để bổ sung tổ hợp mới… Cách làm này có đúng không và ông có thể cho biết những tổ hợp môn nào được các trường chọn nhiều nhất?

- Bộ đã ban hành quy định, các trường phải xây dựng tổ hợp môn trên nguyên tắc đảm bảo sự tồn tại tối thiểu của các khối thi truyền thống, tránh gây xáo trộn cho TS. Vì vậy, trường nào tự ý bỏ tổ hợp môn theo khối thi cũ là không đúng quy định, cần chỉnh sửa cho phù hợp. Khi xây dựng tổ hợp môn mới, mỗi ngành chỉ được sử dụng tối đa 4 tổ hợp.

 

Trường nào tự ý bỏ tổ hợp môn theo khối thi cũ là không đúng quy định, cần chỉnh sửa cho phù hợp. Khi xây dựng tổ hợp môn mới, mỗi ngành chỉ được sử dụng tối đa 4 tổ hợp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Cũng theo quy định, mỗi tổ hợp 3 môn phải có ít nhất một trong 2 môn bắt buộc là toán hoặc văn. Môn toán xuất hiện trong hầu hết các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, trong khi môn văn xuất hiện trong các ngành khoa học xã hội. Như vậy, môn thi được các trường chọn nhiều nhất là toán, kế đến là văn, ngoài ra còn có môn ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh). Các môn còn lại nằm trong danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT. Cá biệt, chỉ có một vài trường chọn môn xét tuyển ngoài các môn thi tốt nghiệp trong đề án tuyển sinh riêng gồm công nghệ, tin học…

Các trường có thể đặt tên cho tổ hợp môn thi mới theo cách gọi của trường với điều kiện không trùng với tên gọi của khối thi truyền thống nhằm tránh rắc rối cho TS.

Khoảng cách các cụm thi

* Với những địa phương chỉ có một trường ĐH thì trường đó được chọn để chủ trì cụm thi không?

- Quy mô mỗi cụm thi do các trường ĐH chủ trì tổ chức sẽ có sức chứa khoảng 30.000 đến 40.000 TS. Các cụm thi sẽ được xây dựng đảm bảo khoảng cách tốt nhất về địa lý để TS không phải di chuyển quá xa, khoảng cách này tối đa chỉ trong phạm vi 3 tỉnh thành.

Tuy nhiên, với những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, số cụm thi có thể được bố trí nhiều hơn phục vụ cả TS các địa phương lân cận. Trường ĐH được chọn để chủ trì cụm thi phải đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, kinh nghiệm tổ chức thi… để đảm bảo tính nghiêm túc, tạo ra kết quả uy tín được xã hội tin cậy và sử dụng. Do vậy, không phải trường ĐH địa phương nào cũng được chọn để chủ trì cụm thi. Vì vậy, sẽ có những địa phương dù có trường ĐH đóng trên địa bàn nhưng TS vẫn phải di chuyển tới tỉnh khác để dự thi.

Không sử dụng điều kiện miễn thi ngoại ngữ

Đại diện nhiều trường ĐH cho biết sẽ không dùng kết quả của TS được miễn thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy định mới của Bộ.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói: “4.0 IELTS (hoặc trình độ tương đương) là rất thấp. Vì vậy các TS dù được miễn thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp nhưng có số điểm dưới 6.0 IELTS muốn xét tuyển vào trường vẫn phải tham gia kỳ thi THPT quốc gia môn tiếng Anh để xét như bình thường. Những TS đạt từ 6.0 IELTS trở lên (hoặc tương đương) sẽ được tuyển thẳng vào trường nếu 2 môn thi còn lại đạt từ 6 điểm trở lên”.

PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng không phải 4.0 IELTS cao hay thấp, mà vì những TS được miễn thi này không có điểm số cụ thể nên trường không có cơ sở để xét tuyển. Vì vậy, TS muốn vào trường bắt buộc phải dự thi môn ngoại ngữ. Tương tự, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho hay trường sẽ yêu cầu TS thi thêm môn này để có điểm xét tuyển. Còn PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, mong muốn xét tuyển thẳng các TS đạt điểm từ 6.0 IELTS trở trên (hoặc tương đương) vào các ngành có xét tuyển môn tiếng Anh.

6 hay 9 nguyện vọng?

Vừa qua, có nhiều thông tin khác nhau khi cho rằng TS có thể đăng ký tối đa 6 hoặc 9 nguyện vọng trong kỳ tuyển sinh 2015. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Đó mới chỉ là những phương án đầu tiên của dự thảo quy chế”. Ông Nghĩa giải thích: “Bộ đã đưa ra dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong số nhiều phương án khác nhau về số nguyện vọng tối đa mà TS có thể đăng ký xét tuyển, có một phương án 6 và một phương án 9 nguyện vọng. Bản nháp đầu tiên của dự thảo này đã được đưa ra để góp ý trong nội bộ ngày 23.10 và cuộc họp đã có nhiều tranh luận mạnh mẽ về số lượng nguyện vọng này”. Tuy nhiên, ông Nghĩa nhấn mạnh Bộ sẽ tiếp tục góp ý nội bộ, trước khi lấy ý kiến rộng rãi của xã hội, trong đó có trường học và bản thân TS.

Hà Ánh (thực hiện)

>> Phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ
>> Phương án tuyển sinh của ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM
>> Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng sơ loại trong tuyển sinh
>> Trường ĐH Sư phạm TP.HCM công bố thông tin tuyển sinh 2015

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.