Vàng mùa mimosa - Truyện ngắn của Trương Thanh Thùy

26/10/2014 03:00 GMT+7

Ngày chị mất, anh nhắn tôi đúng một tin nhắn, không hơn. Chỉ một tin nhắn mà đọc đau rát hết gan hết ruột và tôi nghĩ, mãi mãi cũng không thể nào tôi có thể quên. Anh nhắn: chị đã chiến đấu đến phút cuối cùng và chị cười khi nắm tay chào anh, chị đi!

Vàng mùa mimosa - Truyện ngắn của Trương Thanh Thùy 
Minh họa: Tuấn Anh

Anh không thuộc mẫu đàn ông quá lý tưởng với đàn bà. Anh không đẹp, không ga lăng, không trau chuốt vẻ bề ngoài của bản thân. Anh cũng không có cái cách nói chuyện lấy lòng người khác, cái gì thích thì nói, không thì thôi, chẳng  ngại người khác nghe sẽ cảm thấy gì, dĩ nhiên, anh chưa từng nói gì mất lòng ai, nhưng đại khái, nói đẹp lòng cũng không!

Anh ngông và bất cần. Anh ngông theo cái kiểu, thầy bảo anh phát triển vẽ phong cảnh đi, vì cách cảm nhận màu sắc của anh rất khác, anh không cãi cũng chả bàn luận gì thêm, anh vẽ chân dung, toàn vẽ chân dung. Anh vẽ chị. Còn cái bất cần của anh nằm ở cái chỗ, thằng bạn học cùng lớp bảo, mày vẽ cho tao tấm chân dung, tao qua môn, tao đèo mày đi học hết học kỳ, anh cười khẩy, lết bộ mười mấy cây số từ Chợ Lớn đến trường và nghĩ, mình chả cần leo lên xe của nó sau một sự ngả giá sòng phẳng quá như vậy!

Anh điên khùng như cái điên của bao kẻ sinh ra cho nghệ thuật, thêm chút vị của anh, cái điên ấy thành dị thường và nhiều màu sắc. Anh chỉ ra khỏi phòng trọ - dĩ nhiên là ngoài giờ đến lớp - sau chín giờ đêm. Anh bảo, đó là giờ giới nghiêm. Anh bảo, những đứa làm nghệ thuật, những đứa làm công việc sáng tạo thì nghiễm nhiên là do đấng sáng tạo sinh ra. Và, giờ giới nghiêm là giờ của đấng sáng tạo. Trong những câu chuyện ít khi nào liên quan, chẳng bao giờ liền mạch, có câu chuyện về giờ giới nghiêm thời anh đi học, bị cảnh sát bắt về đồn, nằm ngoài ghế đá một đêm, đêm sau, lại chọn giờ của đấng sáng tạo để ra đường, để bị cảnh sát bắt về đồn, xin vào xà lim ngủ để biết thế nào là phòng giam. Anh kể, đêm ấy, anh thức suốt đêm, ngồi vẽ rồng cho “đại bàng” của phòng giam, trò chuyện với gã suốt đêm và nhận ra, sâu trong tâm hồn con người - dẫu là người tốt hay kẻ bị xã hội cho là xấu, cũng có gì đó đẹp đẽ lắm, sâu sắc lắm và đáng trân trọng lắm. Anh bảo, đó là lần đầu tiên trong đời, anh vẽ một thứ không phải là chân dung.

Anh gặp chị vào một đêm Sài Gòn lất phất mưa ở cái giờ mà anh bảo đấng sáng tạo đã sáng tạo ra hai con người thích làm việc sáng tạo gặp được nhau. Chị đội nón lá, rặt mùi quê toát lên ở cái vành nón cong cong ươn ướt. Chị rướn cái nhìn về phía anh, cười, hỏi, có mua tranh không, dẫu, tranh chị vẽ, theo anh nhìn nhận lúc ấy, chẳng có gì là đặc sắc.

Sau hôm đó, ngày nào anh cũng ra đường sớm hơn giờ giới nghiêm, đến chỗ lần đầu tiên nhìn thấy chị, moi móc hết tiền bạc trong túi, mua cho chị một bức tranh, cốt chỉ để chị vui. Anh bảo, cũng muốn ra đường vào chín giờ đêm, cũng muốn thử xem, có phải, đấng sáng tạo đã tạo ra lần gặp gỡ ấy hay không, nhưng nghĩ lại, có thể người chỉ cho anh một lần đó trong đời, những lần còn lại phải do chính anh làm, không thể cứ ù lì ngồi đó, đợi chờ sự ban cho từ một đấng mà anh vẫn luôn tin.

Khi biết anh đang học làm họa sĩ, chị có vẻ ngượng. Nhưng, đằng sau cái ngượng ấy là cả một sự tự tin mà anh bảo, suốt đời, con người ta cứ đốt đuốc đi tìm với hy vọng có thể vấy vào đời mình một lý do để sống tiếp, để đấu tranh tiếp và khắc khoải mong thành công. Anh bảo, tình yêu không bao giờ có lý do. Nên, anh không bao giờ có thể nói tại sao anh lại yêu chị, nhưng anh khẳng định, chính cái màu của sự tự tin trong chị đã chinh phục hoàn toàn trái tim anh tưởng chỉ đập cho màu sắc và khuôn hình.

Anh vẽ nhiều, cũng vẫn chỉ là chân dung của những người anh từng thấy. Anh mang tranh mình đem bán trước những cái nhìn, cái cười đầy mỉa mai. Cũng phải, chẳng ai lại đi mua tranh của một người hoàn toàn xa lạ đem về chưng trong nhà, lại thêm cái nỗi, nét đẹp của những con người anh vẽ không nằm trong khái niệm đẹp của đa phần con người. Với người ta, đẹp là mắt sâu, là mày cong, là mũi thẳng, là miệng chúm chím, là má lúm đồng tiền... Còn với anh, đẹp là cái cong cong đôi vai gánh nặng, đẹp là nhem nhuốc quệt tay bẩn che hẳn nửa mặt lau bớt nhọc nhằn, đẹp là vai áo rách mà tay trân niu một tấm áo mới xinh cho ai đó, không phải mình… Nên, anh vẽ đẹp mấy, tranh anh cũng chẳng bán được. Chị cười, bảo, anh không có duyên buôn bán, anh chẳng có duyên làm giàu, nên thôi, cứ quay về với giấy, với chì, với cọ, loay hoay làm gì để bào mòn nhúm lửa trong anh đã tự thổi bùng lên.

Sau cái cười ấy - cái cười cảm thông và thấu hiểu của chị - anh chỉ còn vẽ chân dung của mỗi mình chị. Anh bảo, ở mỗi góc nghiêng khác nhau, cái cười của chị đều rất khác, nhiều màu sắc và đầy những câu chuyện mà có lẽ, chỉ anh và đấng sáng tạo nhìn thấy. Không biết bởi chị có duyên buôn bán hay có duyên làm giàu, mà những bức chân dung anh vẽ chị, đã cố giấu trong cái gian phòng trọ chật húm của anh, người ta cũng ùn ùn kéo đến đòi mua cho bằng được. Có tiền, việc đầu tiên anh làm là kéo chị đến trường anh, ghi tên cho chị học.

Chị học, như chưa từng bao giờ trong đời còn có gì khác để làm. Bạn bè bảo, anh không những chỉ yêu chị như một người yêu một người, anh yêu chị như một người thầy nhìn thấy tài năng của một con người và dùng tình yêu của mình để phát triển tài năng ấy. Nhưng, cái cụm phía sau khiến tình yêu anh dành cho chị trong mắt mọi người xung quanh chỉ là một thứ hão huyền sẽ nhanh tan biến sau khi chị đã trở thành một họa sĩ tài giỏi như anh mong muốn. Họ nghĩ vậy, họ nói vậy, không có nghĩa họ khẳng định khi thành tài hay thành danh, chị sẽ bỏ anh, điều buồn cười là họ nghĩ, anh sẽ bỏ chị và đi săn lùng một tài năng nữ khác để phát triển như đang làm với chị. Căn bản, trong mắt họ - những kẻ mà anh vẫn định nghĩa là anh chị em của anh cùng một người cha là đấng sáng tạo - anh cũng chỉ là một người đàn ông bình thường, cũng loay hoay, trăn trở với những thứ rất hữu hình, rất thật, rất bản năng. Họ nghĩ, anh chỉ yêu được một thời chứ không thể yêu một đời!

Anh chị cưới nhau trong yên lặng theo như mong muốn của chị. Anh bảo, như vậy là thiệt thòi cho chị, nhưng chị lại nghĩ vậy là thừa đủ, hoặc chí ít, là đủ với anh - với chị và là thừa với những kẻ cứ tặc lưỡi, lắc đầu bảo, rồi anh chị cũng chả ở cạnh nhau được bao năm. Anh đưa chị đi Đà Lạt hưởng trăng mật bằng cách xe đò. Anh bảo, trải nghiệm luôn luôn hay, và khi con người cứ thỏa thuê mình bằng những tiện dụng, sự trải nghiệm trở thành xa xỉ ngay. Chị không ỏn ẻn, không e ngại, cứ thế, bình thản ngồi sát cửa sổ xe, ù ù la làng bắt khách khiến tài xế, phụ xe tròn dẹt mắt nhìn nhau rồi len lén nhìn anh đang khoái trá cười. Anh nghĩ, đời, chỉ mình chị là làm được điều ấy! Và, chỉ anh may mắn mới có được người phụ nữ có một không hai này.

Trăng mật của anh chị vào đúng mùa mimosa rộ vàng, cũng là mùa của những ngày dài mưa dầm ê ẩm đất đai. Anh dẫn chị đi khắp dọc hết từng con đường nhoèn nhoẹt ướt đất đỏ. Có lúc, chị trơn ngã, anh cười, đứng im nhìn và hỏi chị, cảm giác mông cảm nhận đất có khác chân cảm nhận đất không? Sau lần đấy, chị chân đất suốt mùa, bởi, chị hiểu, trái tim của kẻ sáng tạo túa dọc khắp cơ thể, và, để trái tim mở rộng hơn, chỉ khi cơ thể biết cách cảm nhận mọi thứ. Anh nhìn chị và bảo, rồi có ngày, anh sẽ mua hẳn một cái đồi vắng thật vắng, chỉ chị và anh, để chị được quyền trần truồng hoang sơ cảm nhận trời đất. Sau câu anh nói, những tranh chị vẽ thường mang màu của đất đỏ bazan. Anh gọi, đấy là định mệnh của một tình yêu biết nơi tìm về yên ổn cho cả hai.

Anh vẫn mải miết vẽ chân dung. Anh vẫn mải miết vẽ chị. Nhưng, bức vẽ ở đợt trăng mật này bắt đầu khác, bởi, thấp thoáng sau cái cười nhiều màu của chị là vàng rực một nhánh mimosa. Chị không cần nói - không bao giờ - không nhiên anh sẽ cảm nhận được, sẽ hiểu rõ những gì chị yêu, chị thích, chị lưu luyến. Những ngày tháng, người ta tìm đến anh hỏi mua mấy bức chân dung của chị vẫn dài dài ra. Anh từ chối. Chị bán. Không phải chị tham tiền đến độ bán đi những gì anh đã làm ra bằng trái tim anh chứ không phải chỉ bằng đôi tay anh. Chị bán, vì đơn giản thôi, hụt đi một bức, ắt anh sẽ vẽ một bức khác. Và, chị nghĩ, chỉ khi ngồi đó, lặng thinh nhìn anh, cười nụ cười không khi nào giống nhau, là khi chị sống đúng với cái đàn bà nhất, và, chỉ khi ấy, chị mới thật sự hạnh phúc. Kể cả bức chị và mimosa người ta cũng đến tìm. Anh cương quyết không bán. Chị lại muốn làm ngược ý anh. Cũng chỉ với lý do đơn giản mà chị từng nghĩ. Lần đấy là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất anh trừng mắt với chị, bảo, đừng bán trái tim anh, đừng bán tình yêu anh, như thế là em đang giết phần thiêng liêng mà đấng sáng tạo đã cho anh. Chị khóc! Không phải vì bị anh mắng. Chị khóc! Vì chị thấy mình còn trẻ dại và ấu trĩ quá, nhất là trước anh.

Kết thúc chuyến trăng mật, anh dùng số tiền hậu hĩnh người ta đặt hàng anh vẽ lại bức tranh khác để mua một chiếc xe máy cà tàng, chở chị ngược về thành phố. Anh dừng vài lần cùng chị ngắm hoa, ngắm cảnh. Khi chị không để ý, anh ngắt một nhánh mimosa cài vào sau xe, sát nơi chị sẽ ngồi. Chị quay lại xe, nhìn anh, nhìn nhánh mimosa bằng cặp mắt bàng hoàng và chua xót. Chị bảo, mimosa sẽ hết vàng, sẽ hết rực rỡ, sẽ hết kiêu hãnh chỉ sau khi rời cành ít phút. Anh nghe lòng mình thổn thức một nỗi niềm. Anh vòng tay ôm chị, hôn chị cái hôn mà nhành mimosa muốn được làm. Đó là lần đầu tiên, anh tin, mimosa có mùi vị.

Chị có mang. Anh lao vào làm việc kiếm tiền mà không đánh mất phần điên khùng nghệ sĩ. Chuyến nào đi dàn dựng, anh cũng ghé mua một thứ gì là đặc sản nơi anh qua, cùng với câu chuyện đương nhiên có tên chị trong đấy. Khi thì, bánh tráng này mà hai vợ chồng ra ban công nướng, ăn, nhìn chiều thì hay quá! Khi thì, sẽ phải bóp mũi chị và nhét múi sầu riêng béo ngậy này vào cái miệng xinh trên gương mặt đang nhăn nhó khổ sở bởi cố trải nghiệm thêm. Khi thì hét toáng lên giữa rừng mimosa hưng hửng vàng chưa rộ, rằng “em đâu rồi, mùa này là mùa của riêng em mà”!

Những ngày giữa mùa vàng mimosa, anh dùng chiếc xe máy cà tàng đã được tân trang lại chở chị lên Đà Lạt hưởng trăng mật lần năm, lần sáu, lần mười lăm… Anh chị vẫn thói quen cũ, không điện đàm, không máy chụp ảnh, chỉ đôi mắt và trái tim giữ lại mọi thứ rồi toát lên tranh vẽ. Chị chê anh, vẽ nhàm chán mãi một bức tranh chị cùng mimosa mà năm nào cũng vẽ. Anh cười, bảo, ai bảo chị không tham tiền, nếu chị tham, chắc anh đã vẽ rồng vẽ rắn trong đấy để bán cho người ta. Vì chị keo kiệt với bản thân chị quá, chẳng bảo anh đem thêm đồng nào về sau những đồng còm cõi chỉ đủ sữa cho con và đủ rau cháo cho anh chị, nên, anh cứ thản nhiên mà vẽ dày thêm cho tình yêu của mình.

Một đêm, sau lần trưởng đoàn trả anh số tiền mà anh gọi là kinh khủng so với suy nghĩ của anh, anh thật đã một lần bỏ ra hết cả số tiền ấy, thuê hẳn một vườn mimosa của một đại gia cương quyết không nhận tiền, chỉ xin xỏ anh một bức tranh rồng mà họ nợ anh từ xà lim đêm nọ, để chị được trần truồng ướp vàng mình theo rực vàng mùa mimosa, anh thất thần nhìn vào bức tranh chị vẽ - cũng là khi chị hoàn toàn hoang sơ - chỉ một nửa gương mặt sạm đen ướt mồ hôi cùng rợp vàng những li ti tròn nhỏ mimosa xoáy quanh. Anh biết đó là anh! Anh biết chị đã vẽ anh! Người đàn ông mà với chị là luôn luôn có một nửa bí ẩn, nửa còn lại cũng chưa từng có thể rõ ràng. Anh òa khóc!

Chị xin anh lên Đà Lạt lại, sớm hơn dự định mọi năm, khi mimosa vừa thay lá. Anh không đồng ý - lần đầu tiên anh quyết từ chối ý thích quá lạ đời của một người phụ nữ không bao giờ chịu giống ai - với lý do anh đã nhận lời theo đoàn đi dàn dựng. Chị cười rồi gật. Chị một mình tìm về với mùa mimosa chưa kịp vàng không có anh. Anh giận lắm, đến độ, cả đám theo anh bấy lâu nay bỗng dấy lại nỗi sợ về lời lẽ độc địa ngày xưa được nói đi nói lại nhiều đến độ người nghe tin, đó là một lời nguyền, rằng, anh chị đã đến lúc phân ly. Nhưng, sau cơn giận ấy, anh tuyệt không nói gì ngoài câu, mua ít xoài ngọt về cho chị ăn, bởi chị thích mùi xoài lắm, nhưng sợ chua.

Anh đón chị trong bơ phờ cảm xúc. Chị giấu anh, anh biết! Nhưng gã bác sĩ từng lẽo đẽo vác cọ theo anh chạy dọc công viên vài tháng ròng ấy cương quyết phải nói thật, cho dù, rõ ràng, nó biết, sự thật rất có thể giết chết phần con của đấng sáng tạo trong anh.

Chị không giấu anh nữa, nhưng tuyệt cũng không chịu nói năng gì về chuyện thời gian anh có thể dành cho anh bắt đầu đếm ngược. Con gái anh chị - thêm một đứa con khác của đấng sáng tạo - nằng nặc đòi bỏ học bổng về nước chăm mẹ. Chị gạt đi, bảo, đi mà trải nghiệm cho đủ, bởi đời nó không thể nào may mắn như chị để tìm thấy một người như anh mà vấy trải nghiệm của người kia vào mình. Anh gạt đi, bảo, con về là lấy bớt một phần của ba, ba cần thêm thời gian ở với mẹ. Hình như con bé đã không khóc. Hình như nó cười. Nó biết, đó là giây phút viên mãn thật sự của mẹ nó, và, nó thuận theo con đường mà đấng sáng tạo đã vẽ ra.

Thời gian làm việc của anh chuyển sang đêm. Anh ngủ chỉ tầm hai đến ba giờ một ngày. Đêm làm việc. Ngày dành cho chị. Chị không đếm ngược ngày của mình. Chị đếm ngược ngày để được trở về với mimosa vẫn trinh nguyên, kiêu hãnh rực vàng từ từng đốm tròn nhỏ li ti. Mùa mimosa cuối cùng của chị, chị đã vẽ một bức vẽ mà bất kỳ ai nhìn thấy cũng nài nỉ, van xin anh hãy bán nó đi với cái giá mà anh có thể mua được chiếc xe con xịn để lăn đi trên con đường trải nghiệm cứ dài ra hoài của anh. Mùa mimosa cuối cùng ấy, anh vẫn vẽ bức tranh anh đã vẽ đến lần thứ bốn mươi ba. Đó là lần thứ bốn mươi bốn.

Căn nhà của đại gia cho anh mượn ở tạm treo đầy những bức chân dung anh vẽ chị cùng mimosa với màu vàng muôn thuở. Chị nằm liệt giường nhưng cái cười vẫn rong chơi giữa vườn mimosa rờm rợp ngoài cửa sổ. Chị bảo anh, khỏa thân tâm hồn thật ra cũng hạnh phúc như khi thật sự khỏa thân lăn lộn giữa rừng mimosa vậy, vì, chị biết, lúc nào anh cũng nhìn, cũng chiêm ngưỡng và cũng yêu thương. Anh ngồi cạnh giường, tay đan tay chị như những ngày còn trẻ yêu đương, đưa bàn tay gầy guộc run rẩy của chị lên môi anh sạm đen khói thuốc, hôn cái hôn dài nồng nàn như mùa mimosa từ khi bắt đầu rộ đến hồi sắp tắt. Anh không khóc! Anh chấp nhận làm theo quyết định của đấng sáng tạo, bởi anh biết, chị cũng đã sẵn sàng ra đi.

Anh không cho bất kỳ đứa nào trong đám chúng tôi dự tang chị. Anh bảo, đó là ngày của chị, của anh, của đấng sáng tạo và của mimosa. Anh chỉ nhắn tin bằng cái điện thoại mà chị bảo anh hãy mua để khi anh đi đâu đó không thể đưa chị đi cùng, kể chị nghe những khuôn hình anh thấy để chị vẽ, cho vài đứa - trong đó có tôi. Cái tin nhắn mà tôi biết, không chỉ tôi, bất kỳ đứa nào đọc rồi cũng sẽ bị ám ảnh suốt cả đời làm nghề của mình. Tin nhắn không có màu vàng - dĩ nhiên, đó chỉ là những ký tự không dấu màu đen - nhưng bất kỳ ai đọc được cũng sẽ nhìn thấy rõ ràng vàng rợp mùa mimosa.

Con gái anh về nước trước ngày chị đi khoảng một tuần. Nó đến chào hỏi, cảm ơn từng người trong đoàn tôi - những kẻ làm vú em mùa mimosa của nó - và lặng lẽ đứng ngoài nhìn vào căn nhà anh, nơi anh thật sự muốn chỉ có chị và anh. Nó khóc bằng trái tim nó, trái tim được tạo ra từ bàn tay khéo léo của đấng sáng tạo và cười giống hệt nụ cười của chị khi thấy anh như một phu kéo xe, kéo quan tài chị lầm lũi bước quanh rừng mimosa đã ngả màu giữa những ráng mỏng mưa cuối mùa.

Con bé bảo bố theo nó ra nước ngoài, bởi, anh bảo sau hôm nay, anh sẽ giải nghệ. Anh cười, bảo, anh còn nợ đấng sáng tạo và con gái đấng sáng tạo một bức tranh. Và, anh vẽ, như để trả ơn. Giữa vàng rực suốt mùa mimosa, người đàn bà khỏa thân vung tay tung ánh sáng ra khắp thế giới quanh mình. 

Truyện ngắn của Trương Thanh Thùy

>> Rừng người như rừng cây - Truyện ngắn của Tử Dạ
>> Nửa không che - Truyện ngắn của Hồ Thị Ngọc Hoài
>> Biến mất - Truyện ngắn của Đinh Lê Vũ
>> Tiền bay - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.