Hồ Tây nhọc nhằn để thành di sản

26/10/2014 09:00 GMT+7

Hiện hồ Tây chỉ có những du thuyền nhếch nhác với nhà hàng to tướng phục vụ mỗi mục đích kinh doanh thôi. Hình như nhà quản lý chỉ muốn phong di sản mà không định bảo vệ hồ, GS-KTS Hoàng Đạo Kính nói.

Hồ Tây nhọc nhằn để thành di sản 1
Du thuyền, nhà hàng nổi choán cả một góc hồ - Ảnh: Ngọc Thắng

Hồ đang nhỏ đi từng ngày

Cuộc kiểm tra mới đây của Công an TP.Hà Nội đã phát hiện 5 du thuyền hoạt động không phép, 2 du thuyền vô chủ tại hồ Tây. Các thuyền cũng còn nhiều sai phạm khác như không giám sát môi trường định kỳ theo yêu cầu đã phê duyệt, xả thải không phép. Về những chiếc du thuyền này, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội nói: “Cấp phép thuyền đi được hay không là bên giao thông. Còn ăn uống nhà hàng là do công thương. Sở Văn hóa cũng có thể có việc liên quan nhưng phân cấp cho quận huyện. Quận huyện phải chịu trách nhiệm trước”, ông Động nói.

Ông Động cũng cho biết thêm: “Hồ Tây vốn dĩ là ở một quận du lịch, phấn đấu là quận du lịch. Trước đây định hướng phát triển của quận Tây Hồ là du lịch, trong đó quan trọng nhất là hồ Tây. Hồ đang được nghiên cứu để trở thành di sản”. Theo dự kiến của chính quyền Hà Nội, hồ Tây sẽ được đề nghị công nhận là danh thắng quốc gia nhằm phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa. Trước đó, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

 

Không được quên xung quanh hồ Tây có bao làng gắn với niềm tự hào của người Hà Nội. Từ làng hoa đến Trích Sài, rồi Bưởi... Các làng nghề chi chít. Nó là điểm đậm đặc văn hóa. Vì thế nên phát triển du lịch văn hóa một cách đúng nghĩa

Ông Nguyễn Đình Thành

Ở thời điểm này, rõ ràng ý định đưa hồ Tây trở thành di sản và thực trạng hồ hoàn toàn không ăn khớp. Theo GS-KTS Hoàng Đạo Kính, ở Hà Nội có hai hồ quý đến mức thành biểu tượng là hồ Tây và hồ Gươm. Tuy nhiên, chúng không giống nhau. Nếu hồ Gươm nhỏ nhắn không nên chất tải bất cứ cái gì lên mặt nước thì hồ Tây lại có thể tải được, sử dụng được cho nhiều mục đích khác nhau. Có thể bơi thuyền, thậm chí đua thuyền... Tuy nhiên, để hồ Tây tải cái gì trên mặt nước thì phải tính toán, kiểm soát. “Nhất định không được gây ô nhiễm và không được gây cái gì phản thẩm mỹ trên mặt hồ. Đằng này trên đó những con tàu nổi hết sức phi thẩm mỹ. Nó quá xấu, to kềnh càng và neo đậu dày đặc ở chỗ rất xung yếu của hồ Tây. Chưa kể nhiều kiến trúc cao tầng đang lấn hồ. Hồ chắc đã mất 1/3 diện tích rồi và sẽ còn mất nữa. Cả nhà, cả du thuyền đang trang trí hồ Tây kiểu thô lỗ. Nó tự biên, tự diễn, tự phát. Chả có thiết kế, thẩm mỹ gì cả. Không chỉ diện tích mà về thị giác hồ cũng đang nhỏ đi”, ông Kính nói.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên KTS trưởng TP.Hà Nội cho biết hồ Tây là một trong 4 khu vực trọng yếu của quy hoạch thành phố. Tuy nhiên, nếu HĐND TP.Hà Nội đã nghị quyết quản lý để bảo tồn khu phố cổ, hồ Gươm đã được tôn vinh thì hồ Tây vẫn chưa được chú trọng xứng tầm. 

PGS-TS Phạm Trung Lương chỉ biết lắc đầu quầy quậy khi nói đến hiện trạng cấp phép du thuyền hồ Tây. Theo ông, bây giờ du thuyền đang hết hạn giấy phép, nhưng nó có thể được cấp lại nay mai khi hoàn thành thủ tục. Song ngay cả khi đã hoàn thành hết thủ tục về dịch vụ ăn uống, khả năng vận tải thủy rồi thì cũng không có gì chắc du thuyền đó xứng đáng với hồ Tây. “Nó không thể chỉ là một cái tàu đảm bảo kỹ thuật là đi được chạy được. Nó phải có phẩm cấp nhất định về hình dáng màu sắc, về quản lý môi trường. Chẳng hạn Viện Nghiên cứu du lịch đã nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn cánh buồm xanh cho du thuyền Hạ Long. Phải nghiên cứu để đưa ra mẫu chứ không thể lôm nhôm, thế nào cũng được”. 

Hồ Tây nhọc nhằn để thành di sản 2
Ống xả của nhà bếp nhà nổi Eureka

Hồ Tây nhọc nhằn để thành di sản 3
Nhà vệ sinh trên du thuyền xả thải trực tiếp - Ảnh: CTVHN

Như viên ngọc vùi trong cát

“Không được quên xung quanh hồ Tây có bao làng gắn với niềm tự hào của người Hà Nội. Từ làng hoa đến Trích Sài, rồi Bưởi... Các làng nghề chi chít. Nó là điểm đậm đặc văn hóa. Vì thế nên phát triển du lịch văn hóa một cách đúng nghĩa”, ông Nguyễn Đình Thành, một chuyên gia truyền thông văn hóa nói. Mỏ vàng du lịch văn hóa này kết hợp du lịch trên hồ hoàn toàn có thể giúp Hà Nội thoát cảnh “neo” sản phẩm du lịch. Còn khách nước ngoài cũng không rơi vào cảnh sang ngày thứ hai chả biết đi đâu ở thủ đô. “Khai thác du thuyền hồ Tây rất tốt chứ. Thậm chí theo tôi còn có thể khai thác thủy phi cơ được. Vấn đề nằm ở ý tưởng đó khai thác thế nào thôi”, ông Thành nói.

Hiện giá bữa ăn trung bình của một tiệc trưa trên du thuyền vào khoảng 300.000 đồng/người. Điều này, theo các chuyên gia, chẳng khác gì việc bán rẻ hồ Tây. “Tôi nhớ những tiệc mời khách quý trên du thuyền sông Seine nước Pháp. Ở hồ Tây cũng nên thế. Đã là một viên ngọc, thì cần được trân quý. Phải có dịch vụ hoàn hảo. Chứ như bây giờ, muốn mời khách VIP lên du thuyền hồ Tây cũng chịu”, ông Thành nói.

“Nhà hàng trên hồ Tây phải đẹp. Du thuyền cũng thế. Nó cần nhỏ nhắn và phải có tên đẹp, hình ảnh đẹp”, ông Kính nói. Bên cạnh đó, vẫn phải giữ những không gian mở cho số đông ở hồ này. Chẳng hạn, đừng để ai chiếm cứ dải ven hồ Tây nữa. Hãy để cho hàng nghìn người có thể đi bộ trên đường Thanh Niên và quanh hồ mỗi ngày. Dải lụa mềm chia không gian hồ Tây và hồ Trúc Bạch ấy, năm xưa đoàn thanh niên chung sức làm là để cho cộng đồng.

Một mai thành di sản, hồ Tây cũng khó lòng nổi tiếng hơn, giàu văn hóa hơn nhờ danh hiệu ấy. Vì thế, điều cần nhất là rà soát lại các cơ chế đang áp dụng với hồ này, để hồ không mãi như viên ngọc vùi trong cát. 

Trinh Nguyễn

>> Chùm ảnh trục vớt xe bưu chính 'bay' xuống hồ Tây
>> Đua thuyền, hai người bị mất mạng ở hồ Tây
>> Câu cá ở hồ Tây
>> Hồ Tây thành… bể bơi!
>> Hồ Tây có còn sương mù giăng - Truyện ngắn của Từ Khôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.