'Cô gái mất tích' - màn kịch tâm lý đỉnh cao

26/10/2014 04:30 GMT+7

Bộ phim (*) là màn tra tấn tâm lý được thực hiện tỉ mỉ, chuẩn xác, đầy khoái cảm, đưa cơn đau đớn và nỗi sợ hãi của nạn nhân lên đỉnh điểm một cách từ từ.

‘Cô gái mất tích’ - màn kịch tâm lý đỉnh cao
Ben Affleck và Rosamund Pike trong ‘Cô gái mất tích’ - Ảnh: Yahoo Movie

Mãi đến cuối phim mới có một cái xác chết, nhưng ngay từ đầu Cô gái mất tích đã được đạo diễn David Fincher vẩy vào chút không khí ly kỳ rùng rợn trên cái nền là một bộ phim tâm lý.

Vào đúng ngày kỷ niệm 5 năm ngày cưới, người chồng Nick Dunne (Ben Affleck) về nhà để rồi phát hiện vợ mình, Amy (Rosamund Pike), đã mất tích. Nick đi báo cảnh sát, và với những bằng chứng tìm được trong quá trình điều tra, dư luận nghi ngờ Nick có thể là người đã giết vợ - một nhà văn từng là nhân vật trong loạt sách thiếu nhi nổi tiếng Amy Huyền Diệu…

Suốt bộ phim, ta thường xuyên bị lạc lối trong mớ rối rắm những hồi ức của người vợ, những trình bày của người chồng, những khám phá của cảnh sát… Cứ mỗi lần ta có cảm giác đã gần đến đích, thì đạo diễn lại đột ngột rẽ ngoặt sang một hướng khác, cho thấy một bộ mặt khác, cảm xúc khác, toan tính khác của cả vợ lẫn chồng. Suy đoán của khán giả xem ai là nạn nhân, ai là thủ phạm tựa như một quả lắc, hết nghiêng về bên này lại ngả về bên kia.

Có thể nói, cuộc tra tấn tâm lý người chồng cũng đồng thời là sự bóc tách tâm lý người vợ, bóc tách cả cuộc hôn nhân có vẻ ngoài hạnh phúc của họ, và cả tâm lý đám đông xã hội vốn vô can nhưng lại vô tình tham gia tấn kịch một cách nhiệt thành. Cuộc sống được dựng lên trong phim tựa một màn kịch lớn, nó không chỉ khởi đầu từ khi Amy mất tích, mà từ sớm hơn nữa kia, khi Amy được cha mẹ tô hồng với biệt danh Amy Huyền Diệu, khi Nick cố tỏ ra hoàn hảo để lấy lòng Amy… Lúc Nick hiện nguyên hình là một ông chồng lười biếng, thiếu quan tâm tới vợ, lăng nhăng, cảm giác tuyệt vọng “Tôi cảm thấy như là một vật có thể bị vứt bỏ nếu cần” đã khiến Amy, với trí tuệ và sức tưởng tượng của một nhà văn, đã sáng tác một màn “kịch trong kịch” để trừng phạt chồng. Và cô chỉ quay về khi cảm thấy chồng mình đã trở thành một Nick như cô muốn, để tiếp tục sống trong ảo vọng. Còn Nick, dù không phải vào tù vì tội giết vợ, thì cũng bị quản thúc trong một cuộc hôn nhân khổ sai mà nếu thoát ra anh sẽ bị dư luận nghiền nát. Hình ảnh đám đông nối nhau thắp nến cầu nguyện cho Amy trở thành một biểu tượng hài hước, vì rằng đám đông ấy hoàn toàn yêu, ghét, căm giận… theo những gì được truyền thông nhào nặn và muốn cho họ thấy.

Nữ diễn viên Rosamund Pike đã chứng tỏ cô là lựa chọn không thể tốt hơn cho vai người vợ. Một Amy Huyền Diệu ngọt ngào trước công chúng, một người tình cháy bỏng, một người vợ u uất trong nỗi hờn ghen, một phụ nữ tàn độc… Amy có quá nhiều khuôn mặt trong một và Rosamund Pike đã thể hiện xuất sắc tất cả những khuôn mặt đó.

(*) Tựa tiếng Anh: Gone girl, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Gillian Flynn, đang chiếu tại các rạp toàn quốc.

Phạm Thu Nga

>> Gone Girl' tụt hạng, 'Fury' lên ngôi
>> Gone Girl' tuần thứ hai thống trị phòng vé Bắc Mỹ
>> Gone Girl' đứng đầu phòng vé Bắc Mỹ
>> Ben Affleck thử sức với phim truyền hình
>> Ben Affleck vào vai người dơi trong ‘Man of Steel’ phần 2
>> Ben Affleck thắng lớn tại BAFTA 2013
>> Phim do Ben Affleck đạo diễn hút khán giả
>> Ben Affleck muốn lùi về phía sau máy quay
>> Cú điện thoại gây sốc của Ben Affleck

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.