Vươn lên với 'cà phê mang đi'

24/10/2014 10:12 GMT+7

Dù học chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng Nguyễn Duy Ân (30 tuổi, TP.Đà Lạt) lại rất thành công với những quán cà phê “cóc” kiểu mới mang thương hiệu “Cà phê mang đi”...

 

  Ông chủ trẻ Nguyễn Duy Ân trong một quán “cà phê mang đi” của mình - Ảnh: Gia Bình

“Mình cũng không ngờ về sự thành công nhanh chóng này, bởi quán mới khai trương chưa được bao lâu mà đã có rất đông khách và chưa thấy ai phàn nàn gì về giá cả hay chất lượng cà phê ở đây. Việc kinh doanh cà phê “cóc” kiểu này như một ngã rẽ và thêm một hướng đi mới thành công của mình”, Nguyễn Duy Ân tâm sự.

Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, năm 2003, Ân về TP.HCM học đại học với chuyên ngành công nghệ thông tin. Do đam mê công nghệ kỹ thuật số nên trong quá trình học tại TP.HCM, Ân đi làm thêm khắp nơi để nâng cao tay nghề. Năm 2007, Ân mượn thêm tiền từ người thân trong gia đình và bạn bè, mạnh dạn mở công ty kinh doanh trực tuyến trong lĩnh vực kỹ thuật số. Gắn bó với đất Sài Gòn được 10 năm, việc kinh doanh cũng thuận lợi nên năm 2013, Ân về Đà Lạt mở thêm chi nhánh công ty. Khi về Đà Lạt, ngoài việc phát triển kinh doanh trong lĩnh vực yêu thích, Ân nhận thấy cần có thêm một hướng đi mới để vươn lên trong cuộc sống. Ân chia sẻ: “Khi ở TP.HCM, mình cũng thích uống cà phê và biết được phong cách “cà phê mang đi” nở rộ trong vài năm qua và nhiều người rất thành công với mô hình này. Tuy nhiên tại Đà Lạt thì chưa thấy nên mình nảy sinh ý định mở quán kinh doanh cà phê kiểu này”. Nghĩ là làm, Ân tìm hiểu thị trường, tìm mặt bằng, tìm kiếm đối tác hợp tác lấy nguyên liệu. Tháng 8.2013, quán “cà phê mang đi” có thương hiệu Milano đầu tiên của ông chủ trẻ này ra đời tại đường Phạm Ngũ Lão, TP.Đà Lạt.

Khác với các quán cà phê “cóc” ở Đà Lạt thường được trang bị ghế salon và trang trí bình thường, quán “cà phê mang đi” là những bộ bàn ghế gỗ (ván công nghiệp) nhỏ nhắn, xinh xắn, được trang trí cầu kỳ hơn, trông rất sạch sẽ, sang trọng và còn có những hộp đựng hạt cà phê ngay tại quầy. Quán “cà phê mang đi” thực ra cũng là một quán cà phê “cóc” như lâu nay, giá cả cũng vậy, nhưng có sự khác biệt là cà phê nguyên chất, được rang xay tại chỗ chứ không phải cà phê thành phẩm được làm sẵn như các quán “cóc” bình thường khác. Đây là yếu tố để hút khách, bởi khách nhìn thấy cà phê được xay tại chỗ nên tin tưởng chất lượng hơn chứ không nghi ngờ như những loại cà phê có sẵn khác, không biết có bị trộn bắp rang, đậu nành, pha thêm hương liệu gì hay không. Gọi “cà phê mang đi” là bởi, khách có thể đến thưởng thức tại quán hay gọi để mang về nhà, mang đi nơi khác uống, hoặc có thể gọi quán xay cà phê bột mua mang về.

Mô hình này nhanh chóng thành công và Ân liền đầu tư mở thêm 2 quán nữa để kinh doanh. Theo Nguyễn Duy Ân, hiện bình quân hằng ngày có khoảng 1.000 lượt khách đến với các quán này và tùy theo loại cà phê mà có giá bán từ 10.000đ – 18.000đ/ly cộng với bán cà phê bột (xay tại chỗ) từ 100.000đ – 300.000đ/1 kg, mỗi tháng mang về doanh thu trên 100 triệu đồng; giải quyết việc làm cho hàng chục lao động là người địa phương và sinh viên. “Dự kiến từ nay đến cuối năm, mình sẽ mở thêm 2 quán cà phê kiểu này ở TP.Đà Lạt. Đồng thời có thêm dịch vụ giao hàng tận nơi nhưng giá cả vẫn không thay đổi”, Ân vui vẻ cho biết.

Gia Bình

>> Vươn lên từ đất khó
>> Người trẻ phải khát vọng vươn lên
>> Vươn lên trong khốn khó
>> Vươn lên bằng sức trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.