Vén màn quy trình tuyển mộ của CIA

25/10/2014 09:00 GMT+7

Một cuộc gọi từ số lạ, một tin nhắn có nội dung mơ hồ hoặc cái vỗ vai bâng quơ của giáo sư trên sân trường và một ngày bạn bỗng thấy mình ngồi trong căn phòng kín mít tại Langley, bang Virginia với máy phát hiện nói dối ở trước mặt...

Đó là một phần trong quy trình tìm kiếm nhân viên mới của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) vừa được người đứng đầu Phòng tuyển mộ của cơ quan này, Ron Patrick, tiết lộ.

 

Logo CIA - Ảnh: CIA

“Dĩ nhiên chúng tôi có những cách thức tuyển người bảo đảm các quy tắc an ninh nhưng không hề có chuyện bạn chỉ có thể gia nhập CIA nếu biết được một mật mã tối mật nào đó. Phim ảnh và các tiểu thuyết gián điệp tạo cảm giác rằng cần phải có những cách thức kỳ quái để trở thành người của CIA nhưng thực tế không phải như vậy”, tạp chí Forbes dẫn lời ông Patrick nói.

Cực kỳ gắt gao

Theo ông Patrick, ai cũng có thể nộp đơn nhưng thường thì CIA chủ yếu dựa vào các nhân viên tuyển mộ được rải khắp các trường đại học hay tập đoàn lớn của Mỹ, dưới vỏ bọc giảng viên hoặc quản lý cấp trung. Sau khi tiếp cận được đối tượng phù hợp các tiêu chí sơ bộ như dưới 35 tuổi, không nghiện ngập, không có tiền án, họ sẽ thuyết phục người này nộp đơn để chuẩn bị “phụng sự tổ quốc”.

Kế đến là một cuộc phỏng vấn qua điện thoại để xác định các phẩm chất tổng thể và những yếu tố an ninh cơ bản, sau đó là những bài trắc nghiệm trên mạng nhằm phân tích kỹ năng viết và khả năng giải quyết vấn đề.

Với những người vượt qua được các vòng sơ tuyển, bộ phận của ông Patrick bắt đầu đào xới tất cả những gì cần thiết, bao gồm mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và kể cả những bí mật sâu kín nhất của họ. Trong quá trình sàng lọc, một người sẽ bị loại ngay nếu bị đánh giá có thể trở thành nguy cơ an ninh. Các tiêu chí hàng đầu khác là sự chính trực, lòng trung thành và khả năng làm việc độc lập trong một nhóm.

Trụ sở CIA - Ảnh: CIA 

“Chúng tôi tìm hiểu xem người đó có nhiều bạn bè hay không, quan hệ xã hội thế nào, có tham gia hội nhóm gì hay không. Chẳng hạn, đối với sinh viên, chúng tôi sẽ điều tra xem đối tượng có thân thiết với giáo sư hướng dẫn nhưng vẫn có chính kiến riêng hay bị đánh giá là thiếu trung thành hoặc là người ba phải, nghe lời một cách mù quáng”, ông Patrick nói với Forbes.

Cửa ải tiếp theo là phần “tra tấn” nhất khi ứng viên được mời đến trụ sở CIA ở Langley để phỏng vấn trực tiếp. Bên cạnh các câu hỏi phổ thông như: “Tại sao bạn muốn làm việc ở CIA?” hay: “Hãy mô tả một lần thất bại của bạn khi được giao trách nhiệm lãnh đạo nhóm. Thất bại ấy mang lại cho bạn bài học gì?” và các thông tin mà các chuyên viên của ông Patrick đã tìm được sẽ trở thành công cụ để “vặn vẹo” ứng viên; người trả lời phải chấp nhận bị đo nhịp tim và sóng não để phát hiện nói dối hoặc bất kỳ dấu hiệu không tương thích nào với các thông tin mà CIA đã có.

“Đối với những người quan tâm đến vị trí điệp viên ngầm hoạt động ở nước ngoài, các câu hỏi có khuynh hướng tập trung vào những sự kiện xảy ra gần đây hoặc các diễn biến thời sự để xem họ có hiểu được bản chất ngầm của sự việc hay không”, ông Patrick giải thích thêm.

Sau khi vượt qua tất cả các cuộc sát hạch, ứng viên còn phải trải qua thêm một lần kiểm tra sức khỏe về thể chất và tâm lý trước khi bước vào huấn luyện.

Đời không như phim

Một số cựu nhân viên CIA nói quá trình tuyển chọn nhân sự của cơ quan này có lẽ là gắt gao nhất tại Mỹ, chỉ đứng sau “nghề tổng thống”. Tất cả những công đoạn nói trên khiến CIA phải mất trung bình 2 năm để hoàn thành xét tuyển, còn ứng viên phải trải qua một giai đoạn vô cùng căng thẳng về tâm lý.


Sinh viên được mời tham quan trụ sở CIA - Ảnh: Udel.edu 

Sau khi được tuyển thì cuộc sống của họ cũng không dễ dàng hơn là mấy khi phải giữ bí mật với gia đình, bạn bè, luôn đối mặt nguy cơ bỏ mạng, tra tấn hoặc thậm chí bị chính quyền mà mình luôn bảo vệ chối bỏ khi “có biến”.

Đó là chưa kể lương cũng không phải vào hàng đáng mơ ước gì. Không tính các khoản bổng lộc luôn được giữ tuyệt mật, hầu hết những người mới gia nhập CIA có mức lương khoảng 40.000 USD/năm, theo trang Linkedln. Con số này khá thấp đối với một tổ chức khét tiếng thế giới và thường chỉ tuyển chọn những gương mặt ưu tú nhất từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ.

“Nhiều người thường nghĩ làm việc cho CIA là “rất ngầu” như trên phim nhưng chúng tôi thường yêu cầu họ suy nghĩ kỹ về những gì mình muốn. Cũng như mọi cơ quan điệp báo, an ninh khác trên thế giới, chúng tôi cần những người yêu nước, có đam mê và sự chuyên nghiệp cao độ”, Forbes dẫn lời ông Patrick nói.

Để phù hợp với các biến chuyển mới trong nhu cầu an ninh quốc gia và tình hình mới của thế giới, CIA từ năm 2011 bắt đầu mở rộng phạm vi tuyển chọn sang các đối tượng phổ thông hơn, trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn nhân lực. Thậm chí cơ quan này đã cho phép nộp đơn ứng tuyển qua mạng. Theo CNN, người Mỹ nói được tiếng Trung Quốc, Ả Rập, Nga, Triều Tiên, Pashto và Dari (2 ngôn ngữ chính thức của Afghanistan - NV)... sẽ có cơ hội cao hơn.

Thụy Miên

>> CIA ngưng mọi hoạt động nội gián tại Tây Âu
>> CIA bí mật hậu thuẫn Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS?
>> Tổng thống Obama thừa nhận CIA ‘có tra tấn một số người’ sau vụ 11.9
>> Tình báo Đức quy trách nhiệm vụ MH17 cho quân nổi dậy Ukraine
>> Tình báo Hàn Quốc nói IS đang nhắm vào nước này
>> Nghi án tình báo Ý bắt tay mafia  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.