Giá trị khảo cổ đặc biệt tại tháp Po Dam

23/10/2014 09:35 GMT+7

Sở VH-TT-DL Bình Thuận phối hợp với Viện Khoa học xã hội (KHXH) vùng Nam bộ tổ chức hội thảo khoa học tại chân tháp Po Dam (còn gọi là tháp Pô Tằm) tại xã Phú Lạc, H.Tuy Phong, Bình Thuận.

Giá trị khảo cổ đặc biệt tại tháp Po Dam
Một góc di tích tháp cổ Po Dam

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Lý - Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận cho biết sau gần hai năm khai quật, toàn bộ  kiến trúc của các đế tháp cổ đã lộ nguyên hình. Nếu như ở giai đoạn một, các nhà khảo cổ chỉ tìm thấy các vật lạ như bàn đá, nhẫn mư ta, thì giai đoạn hai này cuộc khai quật đã tìm thấy thêm hai đế tháp mới.

 

Ông Phan Văn Dũng - Trưởng Phòng Văn hóa thông tin H.Tuy Phong, cho biết sẽ gắn bảng chỉ dẫn ở cả hai đầu trên tuyến QL1 đi qua và gắn bảng ngay ven đường sắt để thuận tiện cho du khách khắp nơi tìm đến với di tích độc đáo này như một điểm du lịch văn hóa.

Đặc biệt, có một tháp có đế dài tới 14,3m. Tháp này lại có tới hai cửa theo hai hướng Bắc và Nam. Theo ông Nguyễn Xuân Lý, ở Bình Thuận dù có rất nhiều tháp Chăm cổ nhưng chưa có tháp nào có đế dài như vậy. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện một bia ký bằng đá tại chỗ có in chữ Phạn cổ, nặng khoảng 1,5 tấn. Theo bản dịch của các nhà khoa học thì bia đá cổ này được ghi niên đại là năm 710 (tức đầu thế kỷ thứ VIII).

PGS-TS Bùi Chí Hoàng- Phó viện trưởng Viện KHXH vùng Nam bộ cho biết thêm, năm 1909, người Pháp đã từng đến nghiên cứu tháp Po Dam, nhưng họ không tìm thấy dấu tích gì mới ngoài những tháp còn sót lại. Tài liệu của người pháp để lại chỉ nói có 6 tháp, nhưng thực tế cuộc khai quật này phát hiện tới 8 tháp.

“Cái độc đáo của hệ thống tháp cổ Po Dam vừa phát hiện là có kiến trúc theo hai trục Đông-Tây và Nam - Bắc. Tất cả các tháp Chăm cổ đều theo trục Đông Tây, nhưng hệ thống tháp ở Po Dam còn có những tháp trục Nam - Bắc. Điều này cho thấy Po Dam có giá trị to lớn cả về vật thể và phi vật thể”- ông Hoàng nói.

Ông Hoàng còn cho biết, chính thông tin duy nhất trên Báo Thanh Niên (ngày 20.7.2013) cách đây hơn một năm về phát lộ khảo cổ ở Po Dam đã thôi thúc ông cùng các cộng sự đến phối hợp với Bình Thuận khai quật và tìm ra sự độc đáo này.

Ông Nguyễn Ngọc Hạnh- Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận cho biết sẽ có báo cáo toàn bộ lên UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ VH-TT-DL về giá trị vừa phát hiện ở Po Dam. Đồng thời sẽ cho xuất bản sách để cộng đồng dân cư được biết nhằm bảo vệ và tôn tạo giá trị văn hóa quý giá này.

Ông Thường Xuân Hữu, Chủ tịch Hội đồng chức sắc đạo Bà La Môn của người Chăm Bình Thuận vui mừng phát biểu: “Bà con chúng tôi rất cám ơn các nhà khoa học đã tìm ra những hiện vật vô cùng có giá trị của nền văn hóa cổ mà cha ông để lại. Chúng tôi sẽ động viên bà con địa phương bảo vệ và gìn giữ cụm tháp Po Dam này như những bảo vật vô giá mà tiền nhân để lại”.

Bài, ảnh: Quế Hà

>> Giá trị khảo cổ đặc biệt tại tháp Po Dam
>> Phát hiện độc đáo ở tháp cổ Po Dam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.