Chợ… ký ức - Kỳ 2: Đồ xưa cũng lắm công phu

23/10/2014 09:14 GMT+7

Kính Solex của Pháp, Pilot của Mỹ... là những mặt hàng thời trang thịnh hành trước năm 1975. Hơn 40 năm sau, mặc dù đã lỗi mốt, nhưng giá lại cao ngất ngưởng.


Đồ quân dụng thời chiến tranh trước năm 1975 cũng góp mặt ở chợ này - Ảnh: Hoàng Phương

Ông T., chủ tiệm cơm gà nổi tiếng tại Mỹ Tho, khoe với tôi vừa mua được cái đồng hồ treo tường Odo 3 số 1, 10 gongs giá 16 triệu đồng và cái kính Pilot xưa, gọng vàng 12k, với giá 15 triệu đồng. Trong khi đó, trên thị trường đang có loại kính Pilot (cũng ghi tên hãng American Optical) còn mới toanh, được bán với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng, tùy người bán và cũng tùy… người mua. Kính Solex thỉnh thoảng có người kêu bán giá 4-5 triệu đồng nhưng có một website rao bán với giá 68 triệu đồng, thật giả khó phân.

 
... nghề này thấy vậy chứ không phải dễ ăn. Có người thấy mua bán có lời cũng nhảy ra mua, nhưng nếu không biết coi đồ thì dễ bị... gãy cổ chớ đâu phải chuyện giỡn
Ông Lê Văn Nhị

Tiền xưa cũng thế, ngoài những đồng franc, đồng dollar bằng kim loại được bán với giá hàng trăm ngàn đồng, trên thị trường còn có những đồng franc 1908, đồng dollar 1878 hoặc 1888 mới toanh được bán với giá vài chục ngàn đồng. Sự khác biệt của loại tiền này là mỏng hơn, nhẹ hơn, tiếng gõ nghe cũng khác hơn, mà theo nhiều người thì có xuất xứ từ Trung Quốc và được bán với đơn vị… ký lô!

Ông Nguyễn Văn Hoàng là một trong vài người đầu tiên “khai sinh” ra cái chợ ký ức độc đáo này cho biết có 3 nguồn chủ yếu cung ứng hàng cho chợ, gồm đầu mối từ các tỉnh, các “đại lý ve chai” và nguồn có nhiều hàng hiếm nhất là của người dân mang từ nhà ra bán. “Nhưng số lượng hàng độc, hàng hiếm ngày càng ít dần. Chẳng hạn như đèn măng sông hiệu Aida, Butterfly trước đây có lúc trong nhà tôi giữ hơn trăm cái, giờ chỉ còn ba, bốn chục. Đồng hồ Odo cũng ngày càng ít và hiếm gặp hàng còn “gin”, hàng đẹp. 

 
Băng đĩa nhạc xưa các loại được bày bán ở chợ... ký ức - Ảnh: Hoàng Phương

Ngay cả kính Pilot, Solex bây giờ cũng xuất hiện hàng giả, mới cáu, nhưng giá chỉ chừng vài trăm hoặc vài triệu đồng”, ông Hoàng chia sẻ. 

Ông Lê Văn Nhị, một người có “thâm niên” nhiều năm mua bán ở khu chợ này, kể rằng mấy năm trước mua đồ xưa dễ lắm. Bây giờ dân khá lên, người chơi nhiều, hàng khan hiếm, nên có lúc phải đi tới Nha Trang, Rạch Giá… để tìm hàng.

“Nhưng đồ xưa không sợ ế, sợ lỗ. Có những món đồ gia chủ không biết giá trị của nó nên bỏ lăn lóc dưới sàn nhà, mình mua chừng vài ba chục hay vài ba trăm ngàn đồng, có khi bán lại được bạc triệu hoặc hơn. Nhưng nghề này thấy vậy chứ không phải dễ ăn. Có người thấy mua bán có lời cũng nhảy ra mua, nhưng nếu không biết coi đồ thì dễ bị… gãy cổ chớ đâu phải chuyện giỡn”, ông Nhị nói.

Cũng theo ông Nhị thì có khi mua được món hàng “độc” rồi còn bị chủ nhà bất ngờ đổi ý, đòi lại. Như mới đây ông mua được cái tu hú (loại lục bình thân to, miệng nhỏ), vì sợ chủ nhà đổi ý nên mua xong là nhảy lên xe “dzọt” đi liền. Vậy mà mới đi được chừng 2 cây số thì bị con trai chủ nhà đuổi theo xin chuộc lại. Có những món đồ phải lui tới nhà hàng chục lần hoặc theo vài năm mới mua được.

 
Tờ “vé số kiến thiết” phát hành năm 1972 - Ảnh: Hoàng Phương

“Vừa rồi tôi mua được cái lục bình hoa mai ngũ sắc, hàng Lái Thiêu, giá 200.000 đồng, đem về bán lại cho lái được 6 triệu. Mừng vì tưởng mình đã “trúng đậm”, ai ngờ sau đó tiếc… hùi hụi vì lái bán lại cho khách với giá 11 triệu đồng”, ông Nhị chia sẻ.

Bà Lê Thị Phát thì cho biết với kinh nghiệm mua bán đồ cũ hàng chục năm, bà chưa bao giờ bị lỗ. Chỉ cần nhìn món đồ là biết nó còn “sống”. Nhưng cũng có lần bà mừng hụt vì “mối” kêu tới bán một bao băng Akai nhưng chỉ có vỏ nhựa thôi, còn băng thì bị tháo ra đem quăng hết.

Ở chợ... ký ức thỉnh thoảng còn thấy bán chén, dĩa in hình rồng, ly, nhạo, khay trầu rượu, bình trà, lọ hoa, lục bình xưa, dĩa chưn (loại dĩa bằng thủy tinh, có hoa văn nhiều màu, có chân, dùng để bánh mứt đãi khách) và bàn ủi con gà.

Có người còn đem bán cả chén, dĩa đá trước năm 1975 với nhiều hoa văn rất đẹp. Riêng những mặt hàng gốm sứ, điều rất lạ là không chỉ những món đồ còn nguyên vẹn mà ngay cả những cái chén, dĩa bị nứt, bể và cái lục bình không còn cổ và miệng hoặc cái chò (dùng để chưng cái dĩa trái cây lớn trên bàn thờ) bị gãy làm đôi… nhưng vẫn có người mua.

Cũng ít ai ngờ là sau hơn 40 năm vậy mà có người vẫn còn lưu giữ được một xấp vé số “kiến thiết quốc gia” phát hành năm 1972 và đem tới khu chợ này rao bán với giá 10.000 đồng một tờ, trong khi giá in trên tờ vé số là 40 đồng (5.1972) và 50 đồng (8.1972), cũng có người mua hết. Nói chung, không chỉ là đồ xưa mà ở khu chợ này, những món đồ cũ, gắn liền với kỷ niệm, với ký ức một thời… đều có thể bán được.

Hoàng Phương

>> Hơn 30 năm với đồ xưa, chuyện cũ
>> Hàng giả cổ ngập “chợ đồ cổ”
>> Nhộn nhịp phiên chợ đồ cổ duy nhất trong năm ở Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.