Thiên đường trong sân bay ngoại

22/10/2014 18:00 GMT+7

(TNO) Không chỉ tiện nghi, nhiều sân bay trên thế giới là thiên đường mua sắm, ăn uống, khiến không ít hành khách quên cả giờ lên máy bay.


Khu vực ăn uống, mua sắm ở sân bay Abu Dhabi là một công trình nghệ thuật - Ảnh: N.T.Tâm

Ở sân bay quốc tế Hồng Kông (Trung Quốc), cảnh nhân viên cầm bảng ghi tên chuyến bay rồi đi khắp nơi để tìm hành khách lên máy bay là rất phổ biến. Thường thì nhân viên này sẽ tới các cửa hàng mua sắm, gọi í ới là hành khách nào đi chuyến bay này phải nhanh chóng ra máy bay để kịp giờ khởi hành. Thỉnh thoảng còn thấy cảnh các cô tay xách túi đồ miễn thuế chạy thục mạng về cổng ra máy bay.

Sân bay quốc tế Hồng Kông mặc dù chỉ đứng hạng 3 trong danh sách 10 sân bay tốt nhất châu Á do www.sleepinginairports.com bình chọn, nhưng luôn được xem là thiên đường mua sắm số 1 thế giới. Rộng 1.255 ha, sân bay Hồng Kông có cả thảy 66 cửa ra máy bay, 66 đường dẫn ra máy bay, 2 nhà ga (terminal) và để thuận tiện cho khách đi lại bên trong, sân bay còn có cả tàu điện ngầm. Chẳng hạn, sau khi khách làm xong các thủ tục, để đến cửa khởi hành về lại TP.HCM sẽ phải sử dụng tàu điện ngầm.

Không quá nếu nói rằng, sân bay Hồng Kông là thiên đường mua sắm. Với hơn 40 triệu lượt hành khách đến và đi mỗi năm, sân bay này phát triển rất mạnh dịch vụ mua sắm. Nếu muốn tìm mua các sản phẩm thời trang của nhà thiết kế, phụ kiện, giỏ xách, rượu, thuốc lá miễn thuế, mỹ phẩm, đồng hồ, kiếng thời trang, nữ trang thì hãy đến terminal 1. Khu vực này còn có nhiều cửa hàng bán đồ điện tử, sách báo, mỹ nghệ, thời trang thể thao, đồ chơi trẻ em và cả lingerie (đồ ngủ dành cho phụ nữ). Bởi thế, sân bay Hồng Kông luôn được xếp vào danh sách những sân bay có doanh số bán hàng cao nhất thế giới.

Trong trường hợp hành khách phải đến các cửa khởi hành ở terminal 2, cơ hội mua sắm sẽ ít hơn do không có những thương hiệu cao cấp, chủ yếu là đồ thông dụng, như bánh kẹo đóng sẵn, nhãn hiệu thời trang hạng thường, rượu miễn thuế… Cửa hàng mua sắm có khắp nơi trong sân bay Hồng Kông, bởi nếu hành khách lên tầng 1 (sky pier) để ăn uống cũng có thể ghé qua cửa hàng miễn thuế rượu, thuốc lá, mỹ phẩm hoặc dịch vụ đổi tiền, ngân hàng và ATM. Vì thế, quãng thời gian 2 - 3 giờ chờ đợi máy bay cất cánh ở sân bay Hồng Kông, nhiều du khách, nhất là nữ, cũng cảm thấy ít ỏi. Nhiều người ra sân bay mới mua quà mang về nhà, vì có nhiều lựa chọn, và cả giá rẻ. Ở Hồng Kông không đánh thuế giá trị gia tăng, cộng với các chương trình khuyến mãi theo mùa khiến hàng hóa ở sân bay Hồng Kông luôn hấp dẫn du khách.

 Thiên đường trong sân bay 2
Khu vực băng chuyền lấy hành lý ở sân bay Seoul Incheon rộng rãi và hiện đại - Ảnh: N.T.Tâm

Sân bay Thái Lan Bangkok Suvarnabhumi, sân bay Singapore Changi, Tokyo Narita hay Seoul Incheon, Kuala Lumpur… cũng là những thiên đường mua sắm nổi tiếng. Trong nhiều năm liên tiếp, các sân bay Changi, Hồng Kông và Seoul Incheon luôn nằm trong danh sách sân bay tốt nhất thế giới, theo bình chọn của Skytrax. Du khách có thể mua được hầu như tất cả các thương hiệu cao cấp ở bên trong các sân bay này. Tại sân bay Bangkok Suvarnabhumi, khu vực mua sắm ở lầu 4, nhà ga D, là thế giới của hàng xa xỉ, từ Bally, Burberry, Bvlgari, Cartier, Coach, Dior cho tới Dunhill, Hugo Boss, Mont Blanc, rồi Armani, Chanel, Chopard, Fendi, Ferragamo, Gucci, Hermes, Loewe…

Bên trong sân bay Bangkok Suvarnabhumi, khách có thể thể mua từ những vật dụng rẻ tiền nhất, từ xoài cho tới vàng bạc, kim cương. Cũng ở khu vực này có không gian dành riêng cho các sản phẩm đặc trưng Thái Lan, được lựa chọn từ nhiều vùng miền, dưới tên chung là Royal Project products hoặc OTOP (one tambon, one product - mỗi làng, mỗi sản phẩm). Thái Lan không chỉ bán hàng giỏi ở trong nước mà còn tận dụng cả những giờ phút cuối cùng của du khách để bán hàng, biến sân bay thành một trung tâm thương mại hoành tráng.

 Thiên đường trong sân bay 3
Quầy thông tin hướng dẫn hành khách ở sân bay Tokyo Narita cung cấp mọi thông tin hỗ trợ hành khách - Ảnh: N.T.Tâm

Một số sân bay không nằm trong danh sách tốt nhất châu Á theo đánh giá của trang www.sleepinginairports.com, kể cũng lạ, như sân bay Dubai và Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hai sân bay này đều mới nhưng nhanh chóng trở thành cửa ngõ của Trung Đông, và điểm trung chuyển quan trọng để đi châu Phi và châu Âu. Với ba terminal, khách di chuyển trong sân bay Dubai ở một số khu vực cũng cần phải đi tàu điện ngầm. Tổng diện tích cửa hàng mua sắm đủ các loại hàng hóa bên trong sân bay Dubai lên đến 11.000 m2.

Nhiều sân bay trên thế giới hiện nay không còn phụ thuộc vào con người trong quá trình làm thủ tục, nhất là các sân bay ở châu Âu.

Sân bay quốc tế Schipol ở Hà Lan, những khách đi hạng thường, đều phải tự làm thủ tục bằng máy. Ở ngay cửa ra vào có các trụ như ATM, khách sẽ làm thủ tục lên máy bay ở đây. Thực ra, quá trình làm trên máy cũng đơn giản, khách chọn ngôn ngữ để làm theo hướng dẫn. Trước hết đưa hộ chiếu để máy quét qua (scan) ở trang có thông tin người đi máy bay, nhập hành trình và sau đó máy sẽ in thẻ lên máy bay (boarding pass) có tên khách. Nếu khách cảm thấy khó khăn có thể nhờ nhân viên hướng dẫn. Các nhân viên trực ở đây luôn nhiệt tình, thậm chí thay vì hướng dẫn, họ sẵn sàng làm luôn cho khách. Đến chỗ ký gửi hành lý, khách cũng làm thủ tục tự động bằng cách đặt hành lý vào máy, scan thẻ lên máy bay và máy sẽ in thẻ gửi hành lý. Các thao tác được thực hiện rất đơn giản và nhanh chóng. Ở sân bay Charles de Gaulle (Pháp), hành khách cũng phải làm thủ tục lên máy bay bằng máy tự động trước, sau đó chỉ việc gửi hành lý ở các quầy.

 Thiên đường trong sân bay 4
Nhân viên ở sân bay Narita luôn lịch thiệp trong cư xử với hành khách - Ảnh: N.T.Tâm

Nhưng các sân bay Tokyo Narita và Seoul Incheon là những sân bay được hành khách đánh giá thân thiện nhất thế giới, đặc biệt là sân bay Nhật Bản. Những người hướng dẫn ở các quầy thông tin luôn chỉ dẫn hành khách nhiệt tình, không phải qua loa lấy lệ. Đặc biệt là nhân viên ở sân bay Tokyo Narita, bất kỳ hành khách hỏi gì, khi quay đi cũng nhận được cái cúi đầu chào tạm biệt và chúc hành trình của khách suôn sẻ. Quầy thông tin đúng nghĩa, có cả bản đồ hướng dẫn, sách du lịch miễn phí. Khi ra khỏi cửa sân bay Tokyo Narita để đón xe buýt về trung tâm thành phố, khách càng ấn tượng hơn khi mỗi lần chuyến xe lăn bánh, những nhân viên phục vụ xếp hàng ngang nghiêm chân cúi đầu tiễn khách.

"Khu nghỉ dưỡng" Changi

Đứng số 1 là Changi (Singapore), không chỉ tốt nhất châu Á mà nhiều năm liền tốt nhất thế giới. Trang www.sleepinginairports.com mô tả, Changi giống một trung tâm mua sắm hay là một khu nghỉ dưỡng hơn là một sân bay. Changi có vườn tược, phòng xem tivi, khu mua sắm đẳng cấp thế giới, spa, hồ bơi, phòng tập thể dục, phòng xem phim… Hành khách có thể thoải mái lướt mạng và có cả thảy 800 điểm sạc điện thoại; 6 khu vực ghế nằm và có cả phòng nghỉ trong thời gian ngắn.

Đó cũng là điểm chung của các sân bay khác như Seoul Incheon (Hàn Quốc), Hồng Kông, Kuala Lumpur (Malaysia), Taiwan Taoyuan (Đài Loan); ba sân bay của Nhật là Tokyo Haneda, Osaka Kansai, Tokyo Narita; New Delhi Indira Gandhi và Bangkok Suvarnabhumi.

Ngoài ra, các sân bay này được thiết kế rất đẹp, có khu vực ăn uống với nhiều món hấp dẫn, nhân viên tận tình hướng dẫn hành khách (như sân bay Osaka Kansai có phòng hướng dẫn mở cửa suốt ngày, có thể cho khách mượn mền ngủ mà không tốn phí).

Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong đánh giá các sân bay này là vô cùng sạch sẽ dù rộng lớn và luôn đông đúc hành khách.

N.Trần Tâm

>> Ám ảnh những sân bay tệ hại
>> Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài bị chê: Cần một cách nhìn cầu thị
>> Đánh giá Nội Bài, Tân Sơn Nhất là sân bay tệ nhất, không oan
>> Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị xếp 'tệ nhất châu Á' do quá tải?
>> Nội Bài, Tân Sơn Nhất thuộc 10 sân bay tệ nhất châu Á

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.