Ám ảnh những sân bay tệ hại

21/10/2014 17:20 GMT+7

(TNO) Sân bay chính là cửa ngõ để vào một quốc gia. Nếu cửa ngõ không đẹp, không thân thiện cũng chẳng khác nào đuổi khách. .

(TNO) Sân bay chính là cửa ngõ để vào một quốc gia. Nếu cửa ngõ không đẹp, không thân thiện cũng chẳng khác nào đuổi khách...

Billy, một người bạn của tôi ở Toronto (Canada), không lấy làm ngạc nhiên khi đọc được tin sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài nằm trong danh sách 10 sân bay quốc tế tệ nhất châu Á.

Từng hai lần đến VN du lịch xuyên Việt bằng máy bay và ra vào VN từ cả hai đầu Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Billy phàn nàn với tôi rất nhiều về dịch vụ ở hai sân bay lớn nhất VN này. Quãng thời gian sau khi làm thủ tục xong, khi vào bên trong khu vực cách ly, những hành khách nước ngoài như Billy sẽ chẳng biết làm gì suốt gần 2 giờ chờ đợi. Mua sắm ư? Không có gì để mua sắm ngoài một vài gian hàng bán đồ mỹ nghệ giá quá đắt. Các mặt hàng thời trang cao cấp, mỹ phẩm… ở khu vực miễn thuế thì đơn điệu và không thể sánh về sự đa dạng mẫu mã, giá cả so với các quốc gia khác.


Sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Diệp Đức Minh 

Vì không thể truy cập wifi nên những hành khách người nước ngoài như Billy thường vạ vật ở các hàng ghế mà “không dám” vào cửa hàng ăn uống. Giá bán đồ ăn, thức uống ở Tân Sơn Nhất rất đắt so với các sân bay trong khu vực.

Billy kể, có lần anh ăn một tô phở bò viên có giá 8 USD (khoảng 170.000 đồng) và uống một chai nước với giá 3 USD (64.000 đồng). Vì thế nhiều hành khách sau khi làm thủ tục xong là đi thẳng xuống khu vực chờ ở cổng khởi hành. Ngặt nỗi, ghế ngồi ở đây thường không đủ chỗ ngồi, thì lấy gì đến chỗ nằm nghỉ ngơi. Có khu vực, ghế ngồi là dạng ghế riêng biệt, hai bên thành mỗi ghế có chỗ gác tay nên khách không thể ngã người chợp mắt. Điều này là rất khác biệt với những sân bay hàng đầu thế giới, luôn xếp đặt ghế ở nhiều khu vực để dành cho khách nằm nghỉ trong lúc chờ đợi giờ bay.

Những sân bay quốc tế mà tôi từng đi qua, chưa có khi nào phải chịu cảnh di chuyển từ cửa khởi hành ra cửa máy bay bằng xe buýt hay ngược lại nhiều như ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Duy chỉ có một lần, khi quá cảnh ở sân bay Charles de Gaulle (Pháp) đi Berlin, hành khách chúng tôi phải đi xe buýt ra máy bay nhưng với quãng đường rất ngắn; và lần khác quá cảnh ở Bangkok (Thái Lan).  

Việc di chuyển bằng xe buýt ra máy bay hoặc ngược lại, từ máy bay vào nhà ga mà không phải ra vào trực tiếp bằng đường ống, là rất phiền phức, thường chỉ xảy ra ở những sân bay nhỏ, như Cam Ranh hay Chu Lai. Thế nhưng, ở Tân Sơn Nhất là rất thường xuyên. Nó đem lại cảm giác khó chịu và bực bội cho hành khách, nhất là những ai phải trải qua một hành trình dài, hoặc vừa xách hành lý, vừa ôm con nhỏ.

Sân bay nhỏ, thiếu tiện nghi và thông tin hướng dẫn dành cho du khách, sự xô bồ ở bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh. Cách sắp xếp để khách đón taxi không khoa học, cộng với thói quen chen lấn của người Việt, khiến khu vực đón taxi bên ngoài thường xuyên hỗn loạn.

Có khách nước ngoài vì không thể tranh taxi nên phải kéo vali ra bên ngoài và cuối cùng rơi vào “bẫy” taxi dù. Nhưng tất cả cũng chỉ là “bình thường thôi”...

Tiêu chí mà trang mạng www.sleepinginairport.net đưa ra để làm khảo sát các sân bay tệ nhất châu Á dựa trên đánh giá của hành khách về sự dơ bẩn, không sạch sẽ, bố trí không phù hợp với trực giác và thiếu tiện nghi gần như tuyệt đối.

Theo xếp hang của www.sleepinginairport.net, đứng ở vị trí số 1 là sân bay quốc tế Islamabad Benazir Bhutto (ISB) của Pakistan. Một hành khách đã viết về sân bay này: “Trông giống như một cái nhà tù trung tâm. Nhiều cò mồi và tài xế taxi như đang cướp người ở trong và ngoài sân bay”. Ở vị trí số 2 là sân bay quốc tế Kathmandu Tribhuvan của Nepal với lời căn dặn: “Hãy chắc chắn rằng bạn đừng bao giờ sử dụng nhà vệ sinh ở sân bay”. Vị trí thứ 3 là sân bay quốc tế Manila Ninoy Aquino, Philippines, kèm theo mô tả: “Nhà ga số 1 rất dơ bẩn, đông đúc, ồn ào và cực kỳ nóng bức. Không có chỗ ngồi, thậm chí là một nửa số người đang đứng để tìm chỗ ngồi ở nhà ga này”. Sân bay quốc tế Tashkent của Uzbekistan đứng ở vị trí thứ 4. Thứ 6 là sân bay quốc tế Quảng Châu (Guangzhou Baiyun) ở Trung Quốc cùng lời phàn nàn “Sân bay phá hủy tâm hồn nhất mà tôi từng thấy. Thực phẩm khủng khiếp và hạn chế không thể tin được”. Ở vị trí số 7 là sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia; số 9 là sân bay của Bangladesh Dhaka Shahjalal và số 10 là Chennai, Ấn Độ.

Trong danh sách này, ngoài Tân Sơn Nhất và Nội Bài, tôi còn có “cơ hội” xuống một số sân bay khác. Tôi từng quá cảnh ở sân bay Manila Ninoy Aquino vào lúc 4 giờ sáng để tiếp tục đáp chuyến bay nội địa đi Cebu. Sân bay rộng lớn, nhưng không có chỗ cho khách ngả lưng chờ 3 tiếng để lên chuyến bay tiếp theo. Cảm giác mệt mỏi khiến cả hành trình sau đó cũng không lấy gì hứng khởi. Tôi cũng từng xuống sân bay Phnom Penh(Campuchia), không chỉ hạ tầng kém và mà khách còn thường phải đáp ứng yêu cầu “tế nhị” của nhân viên tại đây.

Tôi cũng từng xuống sân bay Quảng Châu và còn bức xúc đến tận bây giờ, sau 4 năm. Cả sân bay rộng lớn hàng đầu thế giới này, dường như chẳng ai nở một nụ cười, đặc biệt là an ninh sân bay và phục vụ. Vali hành lý của tôi đựng quà tặng là tranh sơm mài đã bị buộc phải lôi cả ra ngoài, mở từng cái khỏi bọc báo để cho họ xem, khi qua máy soi hành lúc trước lúc ra cổng...

Sân bay Quảng Châu phải thừa nhận là vĩ đại. Nhưng vì quá rộng lớn và thiết kế trần quá cao nên máy lạnh từ trần chẳng thấm tháp vào đâu trong mùa nắng nóng. Hành khách cứ như đứng trong một lò than; dịch vụ nghèo nàn, chẳng thấy bán món gì để ăn trong không gian bao la như vậy. Các bảng hiệu thì toàn tiếng Hoa, nhân viên thì “mù” tiếng Anh...

Thực sự, so với các sân bay như Quảng Châu, dịch vụ và lối cư xử của nhân viên ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn còn khá hơn. Tuy nhiên, là một người yêu đất nước VN, Billy cảm thấy “sốc” vì chỉ với danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á do hành khách của trang mạng www.sleepinginairport.net bình chọn, VN góp mặt tới 2 sân bay.

Anh cho rằng, ngày càng có nhiều du khách nước ngoài chọn VN làm điểm đến du lịch, những ai khó tính, quan tâm nhiều đến chất lượng dịch vụ, sẽ lấy làm đắn đo khi quyết định hành trình tiếp theo của mình sẽ dừng ở đâu.

Tân Sơn Nhất và Nội Bài "thoát" sân bay tệ nhất thế giới

Trang www.sleepinginairports.com cũng công bố danh sách 10 sân bay tệ nhất thế giới, rất may Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã thoát. Danh sách cụ thể theo thứ tự có Islamabad Benazir Bhutto (ISB) của Pakistan, King Abdullaziz (Ả Rập Saudi), Kathmandu Tribhuvan của Nepal, Ninoy Aquino (Philippines), Tashkent (Uzbekistan), Paris Beauvais - Tille (Pháp), Frankfurt - Hahn (Đức), Bergamo (Ý), Tegel Berlin của Đức (đang xây một sân bay khác để thay thế) và LaGuardia (Mỹ).

Phương Vi*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống tại TP.HCM

>> Đánh giá Nội Bài, Tân Sơn Nhất là sân bay tệ nhất, không oan
>> Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị xếp 'tệ nhất châu Á' do quá tải?
>> Nội Bài, Tân Sơn Nhất thuộc 10 sân bay tệ nhất châu Á
>> Quốc hội sẽ quyết định chủ trương xây sân bay Long Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.