Kỳ thi quốc gia: Miễn thi ngoại ngữ quá dễ!

21/10/2014 09:00 GMT+7

Hàng loạt ý kiến khẳng định việc miễn thi môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT năm 2015 là quá dễ.

 Kỳ thi quốc gia: Miễn thi ngoại ngữ quá dễ!
Học viên tham gia lớp luyện thi IELTS ở một trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM chiều 20.10 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

>> Các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT

Phóng viên Thanh Niên đã trao đổi với ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT xung quanh vấn đề này.

* Không ít ý kiến cho rằng quy định miễn thi ngoại ngữ ở mức tối thiểu là khá dễ dàng so với điều kiện để được miễn thi với bất cứ một môn nào đó.

 Ông Trần Văn Nghĩa
Ông Trần Văn Nghĩa

- Đúng là trình độ được miễn thi mới chỉ tương đương với bậc A2 theo khung tham chiếu châu Âu. Lúc đầu Bộ cũng có dự kiến để mức tương đương với trình độ ngoại ngữ B1 theo khung tham chiếu châu Âu. Tuy nhiên, để đạt trình độ B1 thì học sinh phải được học chương trình ngoại ngữ 10 năm, trong khi đó hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT hiện mới được học chương trình 7 năm nên nếu quy định chứng chỉ tương đương với trình độ B1 thì hơi cao.

Bộ xác định trong những năm trước mắt, đề thi ngoại ngữ bảo đảm phù hợp với chương trình bộ môn hiện hành (học trong 7 năm) nên yêu cầu năng lực tương ứng bậc 2, khung 6 bậc VN, tương đương A2, khung tham chiếu châu Âu. Trong những năm sau, khi học sinh học chương trình 10 năm đề thi sẽ yêu cầu năng lực bậc 3, khung 6 bậc VN, tương đương B1, khung tham chiếu châu Âu.

* Nhưng với mức độ rất “vừa phải” như vậy mà các trường ĐH lại sử dụng để xét tuyển sinh thì có ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào hay không?

 

Hướng dẫn của Bộ cũng... sai

Trước thông tin ETS không hề cấp chứng chỉ IELTS nhưng Bộ lại ghi rõ sẽ miễn thi đối với những thí sinh có chứng chỉ này do ETS cấp, ông Trần Văn Nghĩa thừa nhận: “Đúng là khi soạn thảo văn bản này đã có sự nhầm lẫn”. Ông Nghĩa cho biết: “IELTS chỉ do Hội đồng Anh (British Council) và IDP Education cung cấp thôi, không có ETS. Cái này Bộ sẽ phải sửa và công bố ngay”.

- Văn bản hướng dẫn cụ thể những trường hợp được miễn thi ngoại ngữ của Bộ trong kỳ thi năm 2015 mục đích chính để thực hiện trong xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh có nguyện vọng. Việc miễn thi môn ngoại ngữ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sẽ do các trường quyết định và công bố. Thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để biết và thực hiện.

* Theo ông, liệu có xảy ra tình trạng thí sinh sẽ đổ xô thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ thay vì phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi quốc gia và khi ấy đối tượng được hưởng lợi sẽ là các tổ chức thi cấp chứng chỉ?

- Cần khẳng định là việc thi để có chứng chỉ ngoại ngữ do các tổ chức có uy tín của quốc tế cấp sẽ khó hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT. Với yêu cầu công nhận tốt nghiệp thì thí sinh chỉ cần làm bài ở mức trung bình. Hình thức thi tốt nghiệp cũng mới dừng lại ở việc thi trắc nghiệm chứ chưa kiểm tra được 4 kỹ năng. Hơn nữa, việc thi lấy chứng chỉ cũng tốn kém về mặt kinh phí. Do vậy, khả năng về việc thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ chỉ để không phải thi môn này trong kỳ thi quốc gia là khó xảy ra.

Miễn thi ngoại ngữ tốt nghiệp để làm gì?

Rõ ràng là quan điểm của Bộ về miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quá đơn giản, thiếu những đánh giá nghiên cứu khoa học. Vì thế quy định này đã gặp phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Đó là chưa kể còn kéo theo những hệ lụy khác như các chuyên gia đã nêu ý kiến.

Hầu hết giáo viên ở các trung tâm tiếng Anh có luyện thi IELTS đều cho rằng 3.5 là mức bắt đầu với các yêu cầu cơ bản. Vì thế, mức điểm miễn thi tốt nghiệp này không làm được gì!

Ông Nguyễn Trọng Tuyên, Giám đốc Trung tâm ACET TP.HCM, cho rằng có thể Bộ muốn có mức điểm chung cho cả nước, nhiều vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Nếu tính cho các thành phố lớn, mức điểm này rất lạc hậu vì học sinh dễ dàng thi IELTS được 5.5. Với chuẩn điểm 3.5, học sinh chỉ cần học theo chương trình của trường là đã lấy được chứng chỉ để miễn thi. Thậm chí, không cần học tiếng Anh chương trình 7 năm giỏi, chỉ cần học trung bình là có thể hoàn thành điều kiện này. 

Bà Trang Nguyễn, Giám đốc điều hành Trung tâm Anh ngữ VATC, nói: “Tại trung tâm nhiều học sinh lớp 8-9 là đã có mức điểm hơn IELTS 3.5. Trong quy định của Bộ, các mức khác cũng khá dễ. Như TOEFL iBT chỉ cần 32 điểm, trong khi cao nhất là 120 điểm. Số lượng học sinh được miễn thi tốt nghiệp sẽ khá nhiều”.

Quy định này của Bộ cũng gây ra sự xáo trộn trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH. Trước đây nhiều trường có kế hoạch sẽ ưu tiên xét tuyển đối với các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định miễn thi tốt nghiệp của Bộ. Chiều 20.10, đại diện các trường này cho biết sẽ lấy ý kiến chuyên môn từ các khoa rồi mới đưa ra phương án chính thức. Với quy định này, theo đại diện các trường ĐH, nhiều khả năng các trường sẽ phải tổ chức thi lại tiếng Anh, hoặc yêu cầu thí sinh dự thi thêm môn ngoại ngữ trong chính kỳ thi THPT quốc gia để có điều kiện xét tuyển vào trường.

Điều này, lãnh đạo Bộ cũng nhìn thấy như trong phần trả lời phỏng vấn. Khi có một kỳ thi quốc gia với mong muốn dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển ĐH, CĐ nhưng khi đề ra quy định miễn thi một môn mà các trường ĐH không dám chấp nhận kết quả đó, làm phức tạp hơn cho việc tuyển sinh ở các trường có xét môn tiếng Anh thì phải đặt câu hỏi miễn thi để làm gì?

Đ.Nguyên - H.Ánh

Ý kiến

B1 mới hợp lý

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Khảo thí châu Âu (ALTE) thì số giờ học tiếng Anh có hướng dẫn để đạt các trình độ lần lượt là A1 (90 - 100 giờ), A2 (180 - 200 giờ), B1 (350 - 400 giờ). Học sinh phổ thông học tiếng Anh hệ 7 năm mỗi tuần học khoảng 4 tiết thì tổng số giờ học trên lớp sau 7 năm đã là khoảng 1.000 tiết, chưa kể các giờ học tăng cường thêm. Vì vậy, xét miễn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh sau 7 năm học nên để mức tương đương B1.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ
(Trưởng khoa tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Phá vỡ nỗ lực dạy và học tiếng Anh bậc phổ thông

Các chứng chỉ quốc tế chỉ có ý nghĩa nếu đạt trình độ trung cấp, tức từ B1 trở lên. Còn các chứng chỉ dưới mức điểm này thì ngay với đơn vị tổ chức thi cũng không quan tâm từ khâu tổ chức thi. Để miễn thi tốt nghiệp, học sinh ít nhất cần đạt 5.0 IELTS (hoặc tương đương) trở lên mới xứng đáng để được thừa nhận có năng lực. Nếu không, công nhận ở mức thấp hơn sẽ có tác dụng ngược vì sẽ phá vỡ nỗ lực dạy và học tiếng Anh bậc phổ thông.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh
(Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)

Bỏ quên học sinh giỏi quốc gia

Nếu so sánh điều kiện miễn thi ngoại ngữ của Bộ thì trình độ của nhóm học sinh giỏi quốc gia còn cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong văn bản miễn thi môn ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp thì Bộ đã quên không đề cập đến những em này. Đây là một thiệt thòi và không công bằng.

Đỗ Thị Bích Duyên
(Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM)

Không bằng trình độ của học sinh lớp 9

Theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 hay đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ của TP.HCM thì học sinh hết lớp 9 đã đạt trình độ B1 trong khung năng lực ngoại ngữ. Khi phiên ngang từ B1 sang các chứng chỉ khác tương đương như sau: IELTS 4.5; TOEFL iBT 53 - 64 điểm; TOEIC 405 - 600... Thế nên việc hết lớp 12 mà đạt IELTS 3.5 và TOEFL 400 là quá dễ, quá thấp.

Ông Lê Thanh Tùng
(Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM)

Phụ huynh đề nghị miễn học môn ngoại ngữ, Bộ tính sao?

Quy định như vậy là thấp, từ đó sẽ dẫn đến những hệ lụy. Nếu học sinh dễ dàng thỏa mãn điều kiện về trình độ như vậy nên khi phụ huynh đề nghị cho con em mình miễn học môn ngoại ngữ thì Bộ tính sao, chỉ đạo các trường như thế nào trước tình huống này? Không chỉ vậy, có chứng chỉ này rồi mà vẫn phải học chương trình giảng dạy trong trường thì học sinh sẽ rất thờ ơ, không tập trung.

Ông Cao Huy Thảo
(Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc - SIC, TP.HCM)

Phát sinh tâm lý lơ là học tiếng Anh ở phổ thông

Với chuẩn này, một học sinh có học lực trung bình môn tiếng Anh hoàn toàn có thể đạt được. Chúng ta miễn thi cho một bộ phận nào đó giỏi tiếng Anh, chứ không phải miễn đại trà. Nếu chuẩn thấp như vậy, học sinh chỉ cần đi thi lấy chứng chỉ để được miễn thi. Từ đây, các em dễ phát sinh tâm lý lơ là chuyện học tiếng Anh ở trường phổ thông.

Hoàng Ngọc Hùng
(Phó hiệu trưởng, giáo viên tiếng Anh, Trường Phổ thông năng khiếu ĐHQG TP.HCM)

Học sinh khu vực khó khăn vẫn có thể đạt được

Em và những bạn có điều kiện học tiếng Anh thì nghĩ chuẩn này thấp. Với chuẩn này, các bạn ở những khu vực có điều kiện học tập còn khó khăn vẫn có thể đạt được. 

Lê Phạm Minh Tâm
(Học sinh Trường phổ thông Năng khiếu ĐHQG TP.HCM

B.Thanh - M.Luân - H.Ánh

Tuệ Nguyễn (thực hiện)

>> Năm 2015 mới có quy chế kỳ thi quốc gia
>> Một kỳ thi quốc gia: Được xét tuyển thí sinh cả 2 cụm thi
>> Một kỳ thi quốc gia: Nên để thí sinh thi tại địa phương
>> Một kỳ thi quốc gia: Dự kiến có 2 đợt xét tuyển 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.